05/08/2012 07:57 GMT+7

Trần Thắng - Người quên nghĩ cho mình

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Trần Thắng đã sưu tập được hàng chục bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi lần nhắc đến chuyện cho riêng mình là anh tảng lờ. Nhưng nói về những việc có thể làm cho cộng đồng là anh lập tức bàn luận sôi nổi.

Trần Thắng bên cạnh tấm bản đồ do Trung Quốc ấn hành tại một cửa hàng bán đồ cổ ở New York (Hoa Kỳ) ngày 30-7 - Ảnh: CTV
Trần Thắng bên cạnh tấm bản đồ do Trung Quốc ấn hành tại một cửa hàng bán đồ cổ ở New York (Hoa Kỳ) ngày 30-7 - Ảnh: CTV

Sáng sớm. Mở hộp thư điện tử, chúng tôi nhận được thư của Trần Thắng - chủ tịch Hội Văn hóa - giáo dục VN tại Hoa Kỳ (IVCE) - báo đã tìm thấy một loạt bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa. Chừng nửa buổi, anh nhắn tin đã phát hiện thêm một số nữa. Giữa trưa, lại thêm hình ảnh bản đồ được anh gửi về. B

uổi chiều, anh tiếp tục gọi điện nói tỉ mỉ hơn về những tấm bản đồ mà anh vừa tập hợp được. Tôi nhìn đồng hồ mới giật mình thấy lúc này ở tiểu bang Connecticut (Hoa Kỳ), nơi anh đang sinh sống, đã gần 5g sáng. Chỉ vài tiếng nữa anh phải đến công ty làm việc.

60 tấm bản đồ

"Trần Thắng là một người trẻ tuổi rất năng động nhưng khiêm tốn. Thắng không bao giờ khoe mình làm được những gì nhưng thực tế là làm được rất nhiều cho đất nước VN "

GSTrần Văn Khê

"Trần Thắng làm khá nhiều việc nhưng không ồn ào mà làm một cách bền bỉ, rộng rãi. Việc gì thấy làm được là Thắng làm chứ không đòi hỏi điều kiện này, điều kiện nọ "

Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Mấy tuần nay, kể từ khi Tuổi Trẻ giới thiệu tấm bản đồ Trung Quốc do chính Trung Quốc ấn hành không có Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi ngày Trần Thắng chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ.

Thời gian còn lại sau giờ làm việc, anh sục sạo khắp nơi, từ các trang mua bán trực tuyến, trang web của các trường đại học, các nhà xuất bản đến những cửa hàng bán sách báo cũ, đồ cổ để tìm bản đồ.

“Người phương Tây làm gì cũng dựa trên cơ sở khoa học. Bởi vậy, bản đồ hay nhân văn học là cơ sở khoa học để chúng ta chứng minh chủ quyền đất đai hay biển cả” - Trần Thắng chắc mẩm.

Còn nếu những tấm bản đồ đó do chính người Trung Quốc ấn hành và sử dụng thì giá trị pháp lý còn cao hơn nữa. Bởi thế, ngay ngày đầu tuần, chưa kịp lái xe đến công ty, Thắng phát hiện có người bán một tập bản đồ chính thức của Trung Quốc, Thắng vội vàng xin nghỉ phép. Để rồi thay vì lái xe đến công ty, Thắng lái xe một mạch gần bốn tiếng đồng hồ từ Connecticut chạy thẳng đến nơi người rao bán ở New York. Nhờ có thời gian làm “ma xó” ở khu vực này nên người bán mới tin tưởng cho Trần Thắng coi qua “hiện vật”. Thắng kể tập bản đồ to như cái bàn, dày đến mấy chục trang được in từ năm 1933.

Thắng lật từng trang mà tim đập thình thịch, hồi hộp như chuẩn bị ra trận. Bản đồ chi tiết đến từng tỉnh, từng khu vực của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc đã cho Tây Tạng, Mông Cổ vào bản đồ. Thắng nghĩ nếu Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ thì họ cũng đưa vào đây. Thế nhưng, đúng như thực tế, cả tập bản đồ dày cộp đều không đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa. Cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Thắng thở phào sung sướng, rút điện thoại ra gọi điện reo lên với bạn bè từ Hoa Kỳ đến VN.

Càng tìm kiếm, Trần Thắng càng thêm phấn chấn. Bởi càng tìm, Thắng càng phát hiện nhiều bản đồ từ những năm 1800 đến gần đây do các nhà xuất bản uy tín thực hiện cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. “Đọc thêm một trang bản đồ tự nhiên mình lại có cảm giác Hoàng Sa, Trường Sa như gần thêm một chút” - Trần Thắng tâm sự.

Nhưng tìm thấy được rồi không lẽ lại để đó. Thắng lo những kẻ có dã tâm tìm thấy các bản đồ này mua mất. Anh tham khảo các chuyên gia lịch sử, bản đồ rồi dốc túi hàng ngàn USD mua gần 60 tấm bản đồ cho dù như anh thừa nhận thực tế cũng chưa biết bàn giao số bản đồ này cho ai.

“Nhưng thôi, cái đó tính sau. Thắng phải quyết định cho nhanh, mua hết các bản đồ khẳng định chủ quyền của VN đi đã. Khi các bản đồ nằm trong tay rồi thì ai chủ quản cũng được”.

Làm trước nói sau

Có người bảo anh gàn. Nhưng Trần Thắng là vậy. Gần mười năm làm việc với Thắng chưa bao giờ thấy anh tính toán thiệt hơn.

Chuyện gì cảm thấy có lợi cho đất nước, cho cộng đồng là bắt tay vào làm. Dù theo học ngành kỹ thuật nhưng có lẽ tính cách của anh không cho phép anh chỉ biết đến máy móc. Khi còn đi học, anh tham gia sôi nổi các hoạt động xã hội, sau đó được bầu làm chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Trường ĐH Connecticut. Ở cương vị đó, Trần Thắng tìm hết cách này đến cách khác để đưa văn hóa VN sang Mỹ.

Đến giờ, Trần Thắng vẫn nhớ lần đầu tiên mời GS Trần Văn Khê đến trường nói chuyện về nhạc truyền thống VN vào tháng 5-1995. Buổi nói chuyện ấy không ngờ tạo thêm một khởi đầu mới cho Trần Thắng. Chỉ nửa năm sau, Trần Thắng cùng một số bạn bè cho ra mắt tạp chí Nhịp Sống, mỗi năm chỉ ra một số vào dịp tết cổ truyền với sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn.

Chưa dừng lại ở đó, đi làm được một thời gian ngắn tại Công ty Pratt & Whitney, Trần Thắng cùng một số trí thức thành lập IVCE. Anh làm chủ tịch hội với ban cố vấn là những tên tuổi lớn như GS Trần Văn Khê, GS John Balaban, GS Nguyễn Thuyết Phong, TS Ngô Thanh Nhàn, nghệ sĩ sáo Nguyễn Đình Nghĩa... Nhắc lại ý tưởng ban đầu để thành lập hội, Trần Thắng chỉ nói đơn giản rằng vì thấy văn hóa và giáo dục có ý nghĩa quá quan trọng đối với sự phát triển của VN. “Có văn hóa, có giáo dục thì xã hội, đất nước mới nở mày nở mặt” - Trần Thắng quả quyết.

Thế là bắt tay làm!

Trong vài năm đầu, IVCE gặp nhiều khó khăn nên không có nhiều hoạt động. Càng về sau Trần Thắng cùng IVCE thúc đẩy mạnh chương trình chiếu phim tại các trường ĐH. Tính ra, mỗi năm IVCE thực hiện 5-6 chương trình cùng các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và trao đổi, thảo luận về tác phẩm. Qua những chương trình này, các bộ phim Ðời cát, Mê Thảo - thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt, Cánh đồng bất tận... đã được giới thiệu tại Mỹ.

Để thực hiện được một chương trình như vậy không phải chuyện dễ dàng. Bởi chi phí một đợt chiếu phim trong khoảng một tháng ở Mỹ, gồm cả vé máy bay cho các nghệ sĩ lên đến 6.000-7.000 USD. Kinh phí ở đâu ra? Có lần đặt thẳng thắc mắc này với Trần Thắng, Thắng chỉ cười xòa: “Nhiều người cũng thắc mắc vậy”.

Thắng giải thích gọn ơ: “Thắng làm việc với từng trường, với các khoa Đông Nam Á học của họ để đề nghị phối hợp, mỗi trường một chút, góp lại là đủ”.

Nói nghe đơn giản nhưng để làm việc được với số lượng trường như vậy và thuyết phục cho họ đồng ý không phải là chuyện dễ. Đó là chưa kể công sức mà Trần Thắng trực tiếp bỏ ra để liên lạc, làm tình nguyện viên, tổ chức, điều phối, đưa đón các nghệ sĩ sang tham gia chương trình. Chuyện anh lái xe cả trăm kilômet để đưa đón các nghệ sĩ là chuyện thường xuyên.

Thậm chí, có lần sau chương trình chiếu phim kết thúc muộn gần 1g sáng, Thắng lái xe đưa cả đoàn về nhà. Chẳng may tuyết rơi trơn trượt, xe lao thẳng vào bìa rừng. Chiếc xe tan tành. Nhưng rồi anh cũng chẳng kêu ca gì. Hôm sau lại tiếp tục chương trình ở nơi khác.

Chưa xong các hoạt động tại Mỹ, anh lại quày quả về VN mở các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên du học. Anh cùng các thành viên khác của IVCE tổ chức hàng loạt hội thảo du học miễn phí từ Bắc đến Nam. Ban đầu là các hội thảo ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ.

Dần dà, IVCE đưa thêm đến Thái Nguyên, Nha Trang, Đà Nẵng... Ở đâu, hội thảo cũng được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Nhưng hội thảo du học thôi chưa đủ, Trần Thắng vận động các bạn du học sinh và sinh viên gốc Việt các trường ĐH danh tiếng dành cả mùa hè về VN chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng ngàn học sinh.

Người của cộng đồng

Khi công việc của hội quá nhiều, thay vì bỏ bớt để tập trung cho công việc chuyên môn, Trần Thắng lại làm điều ngược lại. Thắng xin nghỉ làm ở Công ty Pratt & Whitney ba năm để tập trung cho các hoạt động. Trần Thắng nói về quyết định này nhẹ như không: “Khi nào hết tiền thì xin đi làm lại”.

Cũng may, chuyên môn của Trần Thắng thuộc loại hiếm và Thắng làm hợp đồng theo giờ nên có thể linh hoạt thời gian. Nhưng đó không phải là lý do chính. Cái chính là nói như GS Trần Văn Khê: “Trần Thắng là một người của cộng đồng ngay từ khi còn là sinh viên. Thắng đã làm rất nhiều việc để mang văn hóa VN đến cho sinh viên cũng như người Việt tại Hoa Kỳ”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội, cũng nhận xét: “Ngay từ đầu, Thắng đã không quan trọng lắm đến công việc chuyên môn của mình mà dành nhiều tâm sức cho công việc nối kết cộng đồng. Việc gì thấy làm được là Thắng làm mà không đòi hỏi gì cả”.

Có thời gian tiếp xúc và làm việc với Trần Thắng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đức Anh Sơn cũng đánh giá: “Thắng đã âm thầm làm nhiều việc quảng bá hình ảnh đất nước và giới thiệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật VN với các học giả và sinh viên Mỹ trong nhiều năm qua mà không hề đòi hỏi thù lao hay tính toán hơn thiệt”.

Chuyên môn chính là cơ khí

Đang học ngành cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), năm 1991 Trần Thắng cùng gia đình định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ. Tại đây, Trần Thắng tiếp tục theo đuổi ngành cơ khí tại Trường ĐH Connecticut.

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Connecticut, Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành quản lý nhà máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Một năm sau, anh đầu quân cho Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney. Hiện anh đang làm về phân tích mô phỏng thiết kế, quy trình lắp ráp máy bay tại công ty này.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp