Phóng to |
Hơn một năm nay, bà Thắng, mẹ nạn nhân Lan đã chuyển hàng trăm lượt đơn thư đi khắp các cơ quan bảo vệ pháp luật, văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ để kêu oan cho con mình - Ảnh: Nhung Lê |
Hơn một năm kể từ khi con gái mất, bà Thắng đã lặn lội gửi hàng ngàn lá đơn đi khắp các cơ quan bảo vệ pháp luật của trung ương, của tỉnh, lên văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ, đã nhiều lần đi bộ từ quê nhà ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam, vượt gần 100 km, lên Hà Nội kêu oan cho con.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên, trung tâm đã quyết định trợ giúp bà Thắng về pháp lý.
Mọi chuyện bắt đầu từ trưa 19-1-2013, con gái bà Thắng là Phạm Ngọc Lan, sinh năm 1988, mới lấy chồng khoảng hai tháng gọi điện về cho mẹ nói là đang bị chồng đánh, rồi khoảng hai tiếng sau bà Thắng lại nhận được điện thoại của con rể, nói con gái bà đang ở bệnh viện.
Khi tới bệnh viện, bà Thắng đau đớn nhận ra con gái mình đã qua đời, lý do như chồng Lan nói là treo cổ tự tử. Gia đình chồng Lan ngay sau đó thuê ô tô đưa Lan về quê chồng chôn cất mà không hề bàn bạc với gia đình bố mẹ đẻ của nạn nhân cũng đang tập trung ở bệnh viện.
“Chúng tôi đành thuê taxi đuổi theo, về đến quê chồng cháu thì tôi thấy người ta định đặt con tôi lên rơm trải ngay trên nền bãi tha ma, nhưng vì chúng tôi kêu khóc quá nên họ có mua chiếc giường để đặt cháu lên. Ở dưới cằm cháu có hai nốt bầm tím hằn lõm cạnh quai hàm bên phải và bên trái, phần trán có vết tụ máu, phần sườn và đùi bầm tím…”- bà Thắng vừa khóc nức nở, vừa kể đứt quãng.
Người em chồng bà Thắng ở Hà Nội về kiên quyết không tin cháu mình tự tử, nên đã gọi nhờ luật sư Trần Đình Triển vào cuộc nhờ pháp y. Theo một thành viên của tổ pháp y tham gia mổ thi thể Lan đêm 19-1-2013, tại hiện trường vụ việc, quan sát bằng mắt thường ông đã không thấy xáo trộn gì, mặc dù Lan nặng 60 kg nhưng thanh sắt được cho là nơi Lan treo dây dù và khăn len để treo cổ vẫn nguyên trạng mà không hề bong tróc hay suy suyển.
Qua những bức ảnh chụp hiện trường mà gia đình bà Thắng lưu lại, mạng nhện vẫn còn bám rất nhiều trên thanh sắt, và chồng Lan thì bốn lần nói về địa điểm vợ tự tử khác nhau cả bốn, lúc ở cầu thang, lúc ở trên tum… Và các kết luận pháp y Lan chết do “ngạt cơ học” là một kết luận “an toàn”, do tự tử hay bị bóp cổ đều gây ngạt như nhau.
Đau đớn mất con, gia đình bà Thắng còn chịu mang tiếng con tự tử. Trước con gái còn sống, mấy mẹ con bà làm hai mẫu ruộng mà không phải đi thuê, giờ con gái mất bà chỉ còn làm được có ba sào mà lắm khi lẩn thẩn bón phân nhầm sang ruộng nhà hàng xóm.
Thế nhưng nói về con, bà rành rẽ lắm: "Tôi đã nhiều lần đi bộ từ thị trấn Quế lên Hà Nội để kêu oan cho con. Ở quê tôi làm ruộng và bán bánh khoai ở cạnh bưu điện thị trấn, mỗi ngày cả vốn lẫn lãi được 200-300 ngàn, nhưng từ ngày con mất cứ một tuần ba lần tôi đi gửi đơn, mỗi lần 20 địa chỉ nên không còn tiền đi xe nữa. Mỗi lần lên Hà Nội, tôi đi bộ mất hai ngày, đến bữa thì ăn chiếc bánh mì, có lần bà Liễu (người em chồng) nói nên ăn bát phở, nhưng nghĩ thương em tôi không dám ăn".
Hơn một năm kêu oan, từ một người phụ nữ chân quê, bà Thắng giờ rất rành rẽ pháp luật. Mỗi lần lên Hà Nội, hai tay bà xách hai túi cuống đơn từ khắp các cơ quan gửi về, họ đều nói đã nhận được đơn và giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án.
Tuy nhiên theo bà Vân Anh, từ những chứng cứ gia đình đang giữ, cộng với những thông tin luật sư thu thập được, bà có “niềm tin nội tâm” rằng người mẹ nghèo Nguyễn Thị Thắng sẽ tìm được công lý cho con gái mình.
Theo luật sư Trần Đình Triển, có rất nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong vụ việc này: đó là lời khai của chồng nạn nhân rằng anh ta đã tự tháo dây treo cổ và vác vợ xuống thang, trong khi nạn nhân to lớn hơn chồng và cầu thang chỉ rộng 60 cm, móc treo dây treo cổ chỉ là chiếc quai túi đựng laptop, nạn nhân trước lúc chết bằng cách treo cổ mà không hề vùng vẫy… “Chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực để bảo vệ sự thật”- ông Triển nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận