Phóng to |
Nelson Mandela (trái) và người bạn tù trên đảo Robben năm 1966 - Ảnh: Ezakwantu |
Sau khi lấy dấu tay, tôi nói với những người canh tù: “Tôi muốn được xem lệnh cấp trên của các ông về chuyện này. Chỉ có lệnh đó người ta mới được phép chụp ảnh người tù. Tôi biết rất rõ việc chụp ảnh tù nhân phải có lệnh đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền”.
Viên đội lúng túng, hắn không biết phải làm gì trước đòi hỏi của tôi. Sau một phút im lặng, ông ta đe dọa sẽ báo cáo lên cấp trên về sự bướng bỉnh của tôi. Tôi nhắc lại cho ông ta biết rằng không có lệnh của cấp trên có thẩm quyền thì sẽ không có bất kỳ tấm ảnh nào hết. Về nguyên tắc chúng tôi phản đối việc chụp ảnh người tù, bởi lẽ những bức ảnh ấy chỉ để làm nhục người tù hoặc để tuyên truyền lừa mị. Trong thời gian dài đằng đẵng trên đảo tôi chỉ cho chụp duy nhất một tấm ảnh khi mới bị đày ra đảo.
Tấm ảnh vượt đại dương
Một tuần sau, vào lúc 11g cổng nhà tù bỗng mở rộng. Viên chỉ huy nhà tù dẫn hai người đàn ông dân sự vào. Viên đội báo cho chúng tôi rằng người này là phóng viên và nhà nhiếp ảnh tờ Daily Telegraph đến từ nước Anh. Mặc dù hai người kia là những vị khách đầu tiên đến thăm chúng tôi, nhưng mọi người nhìn họ với vẻ ngờ vực. Trước hết có thể họ được nhà cầm quyền cho đến - hay phái đến - nhằm những ý đồ phục vụ cho chính sách của chế độ Apartheid, thứ hai là chúng tôi biết rất rõ tờ Telegraph của phe bảo thủ và họ chưa từng viết một dòng bày tỏ thiện cảm với cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi. Chúng tôi biết dư luận rộng rãi trên thế giới lo lắng, quan tâm đến số phận của chúng tôi. Chúng tôi cũng từng biết dư luận London đã mở một phong trào có tên là “Free Mandela” - Tự do cho Mandela.
Hai nhà báo chậm rãi bước vòng quanh sân tù và đưa mắt quan sát chúng tôi. Tất cả chúng tôi cúi đầu và chăm chú tập trung vào công việc đang làm. Một quản tù nắm lưng tôi: “Mandela, bây giờ là lúc ông nói đấy!”. Từ những ngày mới ra đảo tôi thường thay mặt anh em tù trong khi đưa yêu sách này nọ. Nhưng nhà tù đã công bố nội quy: mỗi tù nhân chỉ đại diện cho chính mình. Không ai được nói thay người khác. Cho dù quy định là như vậy, nhưng trong thực tế cả anh em tù lẫn nhà chức trách vẫn cứ bắt tôi làm “người phát ngôn” cho người tù. Hôm nay gặp hai nhà báo Anh là thêm một ví dụ nữa.
Tôi nói với phóng viên có tên là Newman khoảng 20 phút một cách thẳng thắn, công khai về điều kiện tồi tệ trong nhà tù và về vụ án Rivonia. Newman tỏ ra có thiện chí, nghe khá chăm chú. Cuối cuộc nói chuyện, anh ta nói nếu được chụp một bức ảnh của tôi thì mãn nguyện lắm. Tôi chần chừ một lúc rồi đồng ý. Tôi nghĩ rằng bức ảnh này sẽ vượt đại dương ra nước ngoài thì có thể dư luận hiểu hơn về cuộc chiến đấu của chúng tôi và qua đó sẽ ủng hộ chúng tôi.
Phóng to |
Đảo Robben - nơi có nhà tù giam giữ “người tù thế kỷ” Nelson Mandela - Ảnh: Naturalwonders |
Vô hiệu hóa “công cụ đặc biệt”
Trong tù, tù nhân được phân theo nhóm A, B, C hay D. Tù loại A là “cấp cao nhất”, được ưu ái nhiều thứ, còn loại D là “loại dưới đáy”. Nhà cầm quyền xếp tù chính trị mà họ gọi là “tù an ninh” vào loại D. Một trong những ưu đãi đặc biệt người tù được hưởng là được nhận thư từ của người thân, được đón người nhà, được học và mua thực phẩm. Và đó là những nội dung cực kỳ quan trọng đối với người bị tước hết quyền tự do.
Thông thường thì tù chính trị phải mất nhiều năm để được chuyển từ hạng D lên hạng C. Chúng tôi phỉ nhổ sự xếp hạng này. Đó là sự phân biệt đối xử tàn bạo và là sự nhục mạ người tù, đặc biệt là tù chính trị. Chúng tôi phản đối nhưng mọi phản kháng đều vô ích, bởi lẽ người ta đã coi những quy định ấy là một phần không tách khỏi cuộc sống người tù. Là tù nhân nhóm D, tôi chỉ được phép sáu tháng nhận một bức thư và gửi đi một bức thư, được phép đón người thân một lần. Đó là quy định phi nhân tính của hệ thống nhà tù Nam Phi. Tiếp xúc với thân nhân biết tin tức gia đình là quyền con người không ai có quyền cướp và nhà tù không thể qua việc phân hạng để thực thi hành động thất nhân tâm ấy. Nhưng tiếc thay đó lại là sự thật tàn nhẫn trong hệ thống nhà tù Apartheid. Chưa hết. Thư nhận chỉ được phép từ “người thân cấp 1”. Đó là thêm một sự phân biệt chủng tộc điển hình nữa. Trong tâm thức của người châu Phi, quan hệ gia đình khác với người châu Âu. Cấu trúc gia đình người Phi lớn hơn nhiều so với khái niệm gia đình của phương Tây. Tất cả những người cùng huyết thống đều là thành viên của gia đình người Phi.
Một lần sau khi ở mỏ đá trở về, tôi bỗng nhận thấy một viên quản ngục ngủ gà ngủ gật, bên cạnh ông ta là một tờ báo để trên ghế. Báo chí đối với người tù quý hơn vàng bạc châu báu. Khi phát hiện tờ báo trên ghế băng, tôi nhanh chóng rời xà lim, nhặt ngay tờ báo giấu vào người dưới lớp áo mỏng. Bình thường tôi có thể giấu tờ báo vào nơi nào đó trong xà lim và chờ đến giờ đi ngủ sẽ lôi ra đọc. Nhưng chẳng khác gì một đứa trẻ tò mò khi thấy kẹo ngọt, tôi lập tức giở tờ báo ra đọc. Tôi đắm mình trên những trang báo đến nỗi không chú ý đến bước chân đang tiến về phía mình. Một viên cảnh sát và hai giám ngục đã đến bên cạnh tôi. Viên cảnh sát gào lên: “Mandela! Chúng tôi buộc tội ông sở hữu đồ ăn cắp bị nghiêm cấm và ông phải trả giá cho tội này!”. Tôi bị đưa vào xà lim biệt giam suốt ba ngày ba đêm, bị cắt suất ăn trưa.
Tù mới phần lớn đều rất trẻ. Họ là thành viên của các lực lượng địa phương của MK (lực lượng vũ trang của Đảng Đại hội dân tộc Phi ANC). Cũng không ít những kẻ cơ hội thuộc các đảng phái chính trị khác đã bị nhà cầm quyền mua chuộc trà trộn vào tù mới làm nội gián cho chúa đảo. Nhưng nguy hiểm nhất là tù hình sự. Họ là loại “hảo hán”, là “găngtơ đặc hiệu”. Những người này cũng chỉ là nạn nhân của chủ nghĩa Apartheid và của sự bần cùng giờ đây trở thành công cụ nguy hiểm của nhà cầm quyền. Những cuộc tranh chấp diễn ra ẩu đả trở thành chuyện thường nhật.
Chúng tôi tiến hành phân hóa những kẻ ngổ ngáo ra khỏi tập thể tù nhân, cô lập và “thuần dưỡng” họ. Suy cho cùng thì họ chỉ là nạn nhân đáng thương. Một số rất ngoan cố bởi vì họ làm chính trị. Chỉ đáng tiếc là họ tuân theo những đường lối chia rẽ của nhà cầm quyền và vô tình hay cố ý làm yếu sức mạnh đấu tranh của người Phi chống lại kẻ thù chung. Nhưng khi cần giúp đỡ họ, chúng tôi sẵn sàng chìa bàn tay bè bạn cho mọi người. Dù là công cụ của nhà cầm quyền, nhưng những người này đều là da đen, đều bị coi là “loại hạ đẳng” và khi cần mọi giám thị, cai ngục, lính canh đều thẳng tay đàn áp không thương tiếc.
Họ đã tìm đến tôi. Và thật trớ trêu, luật sư Nelson Mandela là “tù số 1” nhưng đã không ít lần đóng vai luật sư bào chữa trong các cuộc tranh chấp giữa tù nhân và bọn cai tù da trắng. Chúng tôi đã thắng nhiều cuộc và cũng có lần thua do không đủ chứng cớ. Việc làm của chúng tôi dần dần đã vô hiệu hóa được “loại công cụ đặc biệt” của nhà cầm quyền. Cuối cùng thì chỉ còn tù chính trị trong “nhà tù riêng”. Tù hình sự bị chuyển đi hết và số phận của họ còn bi thảm hơn họ tưởng.
Dần dần chúng tôi thấy trong các suất ăn đã có váng mỡ và đôi chút thịt. Thái độ đối xử của cai ngục và lính gác ngoài công trường cũng dễ chịu hơn.
_____________
Kỳ tới: Không khuất phục bất kỳ kẻ tàn bạo nào
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận