12/05/2017 09:30 GMT+7

Người Pháp không muốn có Đệ nhất phu nhân

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hiến pháp Pháp không có quy định nào về vai trò của Đệ nhất phu nhân. Người Pháp cũng không muốn bà Brigitte Macron giữ vai trò quan trọng trong điện Élysée.

Bà Brigitte và ông Emmanuel Macron ở Touquet tháng 4-2017 - Ảnh: AFP
Bà Brigitte và ông Emmanuel Macron ở Touquet tháng 4-2017 - Ảnh: AFP

Ngày 14-5, tân Tổng thống Pháp Emma­nuel Macron và Đệ nhất phu nhân Brigitte sẽ bắt đầu cuộc sống mới trong điện Élysée.

68% không tán thành

Theo kết quả thăm dò của Công ty nghiên cứu thị trường YouGov (Anh), thực hiện theo yêu cầu của báo Huffington Post và công bố ngày 10-5, có 49% số người Pháp được hỏi khẳng định đã giữ hình ảnh tốt đẹp về bà Brigitte Macron, 26% nghĩ ngược lại và 25% không phát biểu ý kiến.

Thế nhưng trả lời câu hỏi "Bạn có muốn lập một cương vị chính thức của Đệ nhất phu nhân Pháp kèm theo chế độ cấp cho cương vị này không?”, có 68% lại không đồng ý. Tỉ lệ đồng ý chỉ chiếm 25%.

Trả lời câu hỏi “Bạn có muốn Đệ nhất phu nhân giữ vai trò ít nhiều quan trọng hơn bây giờ không?”, có 49% cho rằng nên giữ nguyên trạng, 29% muốn Đệ nhất phu nhân giữ vai trò quan trọng hơn và 23% nghĩ rằng vai trò của Đệ nhất phu nhân nên khiêm tốn hơn.

Tỉ lệ thăm dò nêu trên đã cho thấy người dân Pháp yêu quý bà Brigitte Macron nhưng họ lại không muốn bà giữ cương vị quan trọng hơn trong điện Élysée.

Từ nhiều thập niên qua, mỗi lần nhắc đến chức danh Đệ nhất phu nhân, dư luận Pháp lại có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Hồi tháng 5-2016, kết quả thăm dò của hãng Ifop đã cho thấy chỉ 31% người dân Pháp tán thành lập chức danh Đệ nhất phu nhân.

Hiến pháp không quy định

Như báo Les Échos ghi nhận, Hiến pháp Pháp không có quy định nào về Đệ nhất phu nhân hay phu quân. Cũng không có văn bản pháp lý nào ở Pháp nói đến vấn đề này, kể cả sắc lệnh về lễ tân quốc gia.

Từ “Đệ nhất phu nhân” thường dùng dưới thời đệ ngũ Cộng hòa chỉ được xem là vị trí danh dự, phản ánh truyền thống lịch sự của người Pháp mà thôi.  

Ngoài chức danh, hoạt động của Đệ nhất phu nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề lấn cấn, nhất là chuyện tiền bạc. Do không có khuôn khổ pháp lý, kinh phí chi cho hoạt động của Đệ nhất phu nhân được trích từ tài khoản của Phủ tổng thống, từ đó đã có nhiều lời ra tiếng vào.

Từ năm 2008-2012, bà Carla Bruni Sarkozy (phu nhân Tổng thống Nicolas Sarkozy) đã được 8 cộng sự giúp đỡ với kinh phí chi hơn 36.000 euro mỗi tháng. 

Điều nghịch lý là nhiều Đệ nhất phu nhân như bà Danielle Mitterrand, bà Bernadette Chirac hay bà Carla Bruni Sarkozy đã tư vấn hay đại diện cho chồng trong công vụ nhưng chức danh lại không được nhìn nhận.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 khi còn là ứng cử viên, ông Macron đã từng phàn nàn rằng Pháp không có chức danh Đệ nhất phu nhân là một kiểu "đạo đức giả".

Ông giải thích: “Khi được bầu làm Tổng thống, ta sống với một người cả ngày lẫn đêm, chia sẻ cuộc sống công vụ cũng như riêng tư. Vậy người sống với bạn cần có danh phận và phải được thừa nhận với danh phận ấy”. Ông cũng hứa khi đắc cử sẽ nghiên cứu luật hóa vấn đề này.

Từ đầu chiến dịch tranh cử, bà Brigitte Macron đã bị nhiều cơ quan truyền thông châm chích chuyện lớn hơn ông Macron những 24 tuổi.

Gần đây nhất tuần báo biếm Charlie Hebdo ngày 10-5 đã đăng trên trang bìa biếm họa bà mang thai với tiêu đề “Phép lạ sắp xảy ra”. Lập tức người dùng trên mạng và nhiều nhân vật của công chúng đã lên tiếng chỉ trích tờ báo này.

Ủy viên hội đồng Steevy Gustave viết trên Facebook: “Tôi đánh giá các vụ tấn công mà bà ấy gánh chịu là hành vi căm ghét phụ nữa và quá tồi, chưa nói đến các bình luận về tuổi tác và ngoại hình của bà ấy… Bà ấy lớn hơn ông Macron 24 tuổi thì có sao nào. Phải chăng bạn cũng nói như thế khi ông Macron lớn hơn bà ấy 24 tuổi hay thậm chí 30 tuổi?”.

Nhiều báo cũng đã quyết định bảo vệ bà Brigitte Macron và kêu gọi bạn đọc chấm dứt bình luận mang tính chất phân biệt nam/nữ.

Rạch ròi chức danh ở Mỹ 

Không chỉ ở Pháp, chức danh Đệ nhất phu nhân hay phu quân không được chính thức thừa nhận ở Anh, Ý cũng như ở Tây Ban Nha. Vai trò Đệ nhất phu nhân/phu quân thăng trầm tùy thuộc vào mức độ đầu tư hình ảnh hay nhân cách của người ấy.

Ví dụ ông Joachim Sauer, phu quân Thủ tướng Đức Angela Merkel, nổi tiếng là người sống kín kẽ. Từ khi bà Merkel cầm quyền năm 2005, ông tránh xa mọi nghi thức chính thức, bảo vệ cuộc sống riêng tư và từ chối mọi đề nghị phỏng vấn.

Có lẽ cương vị Đệ nhất phu nhân có giá nhất ở Mỹ. Đây là chức danh chính thức thuộc thành viên chính phủ, có bộ phận giúp việc và có văn phòng trong Nhà Trắng. Đệ nhất phu nhân phải từ bỏ mọi hoạt động nghề nghiệp để toàn tâm toàn ý cho danh phận mới.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump của Mỹ tham dự sự kiện khánh thành khu Bunny Mellon Healing Garden tại Trung tâm Y tế quốc gia cho Trẻ em tại thủ đô Washington, ngày 28-4 vừa qua - Ảnh: Reuters
Đệ nhất phu nhân Melania Trump của Mỹ tham dự sự kiện khánh thành khu Bunny Mellon Healing Garden tại Trung tâm Y tế quốc gia cho Trẻ em tại thủ đô Washington, ngày 28-4 vừa qua - Ảnh: Reuters

Trong tám năm của Tổng thống Barack Obama, bà Michelle Obama đã chuyên tâm cho hoạt động đấu tranh chống béo phì, quyền bình đẳng nam nữ cùng nhiều hoạt động khác.

Nhà báo nữ Alix Bouilhaguet, tác giả cuốn “Hành lang các mệnh phụ”, đánh giá sau khi đã kề vai sát cánh cùng ông Macron trong suốt chiến dịch tranh cử, Đệ nhất phu nhân với nhũ danh Brigitte Marie-Claude Trogneux mong muốn giữ vai trò tương tự bà Michelle Obama ở Mỹ, vì thế đã từ bỏ nghề gõ đầu trẻ để tập trung cho công việc sắp tới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp