Một vài góc nhìn Sài Gòn thời thuộc Pháp (từ trái qua phải, trên xuống dưới): Phía sau Nhà hát lớn nhìn ra đường Nguyễn Huệ, Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Nhà hát lớn nhìn từ đường Lê Lợi, rạch Thì Nghè khu vực Đa Kao - Ảnh tư liệu |
Bài 1: ; Bài 2: ; bài 3:
Đó là con kinh do người Pháp đào năm 1862 (có tư liệu cho là đào năm 1875) từ dự án "TP Sài Gòn 500 ngàn dân" 1861 của Trung tá công binh Coffyn.
Trên bản đồ hiện nay, con kinh này bắt đầu từ đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) thẳng qua giữa rạch Thị Nghè, cắt ngang đầu rạch Thị Nghè, qua đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), vòng ra sau lưng sân Phú Thọ (Q.11), đâm xuống và nối với kênh Lò Gốm, chạy sát sau lưng đồn Cây Mai (góc Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ hiện nay).
40.000 dân Sài Gòn và 5 tỉnh Nam kỳ còn lại được huy động đào kinh này, một số lượng người rất lớn so với dân số Nam kỳ lúc đó cho thấy người Pháp đã kỳ vọng ra sao với nó.
Tham vọng bị bỏ dở của "kênh Thắt Lưng" cho Sài Gòn
Mời bạn coi một trong những tấm bản đồ chính xác nhất về Sài Gòn người Pháp vẽ trong thế kỷ 19, đó là tấm bản đồ vẽ năm 1892, đúng 30 năm sau khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh:
Bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892 cho thấy kênh Vòng Thành phía Bắc Sài gòn - Chợ Lớn hiện lên rất rõ, bao Sài Gòn - Chợ Lớn thành một cù lao giữa bốn bề sông nước. Và hệ thống một loạt đường sá từ Sài Gòn ra Chợ Lớn hầu như song song với hướng đông nam của cổng chính 2 thành Gia Định - Ảnh tư liệu - Đồ họa và chú thích đối chiếu với đường phố hiện nay: TRỊ THIÊN - M.C |
Con kênh này gần như nương theo lũy Bán Bích của Nguyễn Cửu Đàm cho Quy hoạch Sài gòn 1772.
Lũy Bán Bích trong Quy hoạch Sài Gòn 1772 trên bản đồ Trần Văn Học 1815 - Ảnh tư liệu - Đồ họa: TRỊ THIÊN |
Người Pháp gọi đó là kênh Ceinture (canal de Ceinture - kênh Thắt Lưng), dân Sài Gòn hồi thập niên 1960 vẫn gọi là kênh Vòng Thành hoặc kênh Bao Ngạn.
Con kênh này nối hai đầu rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè, tạo một đường nước bao hoàn toàn vùng Sài Gòn Chợ Lớn, thay lũy Bán Bích 1772. Và như vậy, với rạch Thị Nghè - sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé - kênh Vòng Thành, Sài Gòn trở thành vùng cù lao.
Dự tính của người Pháp không dừng lại ở đó. Kèm theo con kênh, họ đã mở một loạt con đường rất lớn phía bắc kênh, nay là các con đường: Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, Lãnh Binh Thăng... Các con đường này đều thông về phía Chợ Lớn theo hướng bắc (các con đường của Quy hoạch 1772 thông theo hướng đông nam).
Những con đường nhằm nối khu vực phía bắc, tây Sài Gòn với Chợ Lớn và miền Tây chứ không chỉ khu vực trung tâm Sài Gòn.
Theo học giả Vương Hồng Sển, con kênh này theo kế hoạch "bề ngang 20 thước, bề sâu sáu thước (...). Nhưng công việc dở dang thất bại, và Đô Đốc Bonard đành bỏ nửa chừng công tác ấy".
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển không nói dở dang ra sao và lý do thất bại. Còn Chuyên khảo tỉnh Gia Định năm 1902 (Monographie de la Province de Gia - Định, 1902) thì kênh Vòng Thành đã được đào nhưng toàn kênh chưa được đem vào sử dụng vì bùn đất lên quá nhanh, ghe thuyền không đi được).
Việc bỏ dở này có lẽ do quy mô con kênh không còn theo ý định ban đầu rộng tới 20m mà nhỏ hơn nhiều. Cũng theo Chuyên khảo tỉnh Gia Định năm 1902, kinh dài 7km, rộng 10m, sâu 3m, nhưng đến năm 1902 , kinh chưa hề được sử dụng vì vùng Phú Thọ đáy sông bùn lên cao hơn mực thủy triều.
Dù vậy, các bản đồ của Pháp sau đó và bản đồ VNCH đến 1975, con kênh này đều rất rõ.
Bản đồ Sài Gòn đến 1975 vẫn còn ghi nhận kênh Vòng Thành rất rõ (màu xanh dương phía trên) - Ảnh tư liệu |
Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, từ đường Cách Mạng Tháng Tám vô, chúng tôi vẫn thấy nhiều đoạn kênh này dọc đường Bắc Hải (Q.10) vẫn còn bên dãy tường sát Công viên Lê Thị Riêng - Q.10, nhưng chỉ nhỏ như rãnh nước (hiện nay là những dãy nhà nhỏ và không sâu).
Và đây là ranh giới giữa đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định (hiện là ranh giới quận 10 - quận Tân Bình. Trước 1975, có tấm bảng lớn đặt nơi đây: "Đô thành Sài Gòn kính chào các bạn").
Vấn đề là tại sao người Pháp giảm nhiệt huyết với con kênh hoành tráng thông thủy, thông vùng kinh tế cho cả khu vực phía bắc, phía tây Sài Gòn?
Cũng như vậy, về phía nam Sài Gòn, con đường Nguyễn Tất Thành chạy ra quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ hiện nay đến 1954 vẫn như một vùng hoang hóa, đầm lầy?
Qua thực tế, nhiều thế hệ kiến trúc sư, nhà quy hoạch người Pháp gửi nhận định, kết luận của mình cho nhà cầm quyền ở Nam kỳ cũng như chính quốc: Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh theo hướng đông tây do gắn với nguồn nguyên vật liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ cũng như nguồn nhân công.
Theo đó, khu vực phía bắc và nam Sài Gòn không có những ưu điểm này cùng với nguồn nước ngọt thiếu thốn, thậm chí phía nam là vùng bị hoàn toàn bị xâm nhập mặn nặng nề.
Người Pháp tập trung phát triển Sài Gòn theo hướng đông tây
Những ngày đầu chiếm Sài Gòn, người Pháp thật ra không phải không có những sai lầm trong quy hoạch, thiết kế Sài Gòn.
Không chỉ kênh Vòng Thành, nhiều con kênh khác ngay trung tâm Sài Gòn cũng đã được đào và cũng nhanh chóng bị lấp: kênh Lớn (Grand canal - dân Việt gọi là kênh Chợ Vải vì bên dòng kênh là chợ Vải, mà nhiều người nhầm gọi đó là chợ Bến Thành cũ) đào năm 1867, lấp 1887 (thành đường Nguyễn Huệ hiện nay); kênh Coffyn (lấy tên Trung tá công binh Coffyn lập Quy hoạch "Sài Gòn 500 ngàn dân" 1862) lấp năm 1892 (thành đường Lê Lợi hiện nay)...
Nhưng quan trọng hơn, người Pháp đã nhanh chóng nhận ra một điều: không phải ngẫu nhiên mà trước đó, người Việt tập trung phát triển Sài Gòn theo hai hướng đông tây.
Thế là hàng loạt đường phố, kênh rạch, cầu... khu vực đông, tây Sài Gòn được xây dựng.
Dọc rạch Bến Nghé từ Sài Gòn ra Chợ Lớn, một con đường được xây dựng mà người Việt lúc đó gọi là đường Dưới (so với đường Trên - đường Nguyễn Trãi hiện nay).
Hai bên rạch Bến Nghé hình thành một loạt bến bãi chạy dài từ Sài Gòn ra Chợ Lớn, không chỉ là đường đi mà còn là đường vận chuyển hàng hóa Sài Gòn - Chợ Lớn - miền Tây: Bến Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn, Bình Đông... (hiện nay là đại lộ Võ Văn Kiệt bên phía Q.1, 5; Bến Bình Đông bên Q.8).
Tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương (và là tuyến đường sắt thứ hai do người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường sắt 13km ở Pondichéry, Ấn Độ, 1879) chạy từ ga Sài Gòn (lúc đó nằm ở Công viên 23-9 hiện nay) về miền Tây: Sài Gòn - Mỹ Tho, dài 70km hoạt động từ 1885.
(Hành khách và hàng hóa Sài Gòn - Mỹ Tho đi tuyến này nhiều đến mức sau 3 năm, Thống đốc Nam Kỳ quyết định lấy lại quyền khai thác tuyến đường này từ 1888, sau khi đền bù cho nhà thầu Joret xây dựng và khai thác tuyến đường 315.755 francs. Năm 1896, tổng lãi thu được từ tuyến đường sắt là 3,22 triệu francs, năm 1912 lãi 4 triệu francs).
Ở phía Tây, bên cạnh hai tuyến thủy bộ từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, miền Tây của người Việt trước đó (đường Nguyễn Trãi, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ...), đến bản đồ 1892, chúng ta đã thấy con đường từ giữa thành Gia Định ra (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) đã được nối dài sang giữa Chợ Lớn.
Bến Bạch Đằng đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu |
Một con đường khác, đường Điện Biên Phủ ngày nay chạy song song với Nguyễn Thị Minh Khai cũng tiến về Chợ Lớn.
Trên bản đồ 1892, đường 3-2 ngày nay đã vượt qua Cách Mạng Tháng Tám và rõ ràng vẫn đang tiến tiếp về phía Chợ Lớn, miền Tây.
Lượng hàng hóa và người qua lại giữa Sài Gòn và miền Tây vẫn phát triển mạnh. Khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn - Chợ Lớn mà sau này trở thành đại lộ Trần Hưng Đạo cũng được san lấp ngay sau khi chợ Bến Thành khai thị 1914 nhằm tăng mạnh hàng hóa giữa Sài Gòn - Chợ Lớn - miền Tây, trực tiếp là cho nguồn hàng hòa thông thương giữa chợ Bến Thành và Chợ Lớn.
Về hướng đông, cầu Bình Lợi, cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn hướng ra miền đông cũng được đưa vào sử dụng năm 1902, rút ngắn tuyến đường đi Thủ Đức, Biên Hòa, các tỉnh miền Trung, miền Bắc, thông với đường thiên lý Bắc Nam của người Việt xưa.
Cầu Bình Lợi trên đường ra Thủ Đức, Biên Hòa đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu |
Quy hoạch "Sài Gòn 500 ngàn dân" của Trung tá công binh Coffyn - 1862 (Khi Pháp chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh). - Thành Phố Sài Gòn nằm trong bốn đường nước (bản đồ 1892 phía trên). - Quy hoạch phân lô các loại đất: Cụ thể hạng nhất (nhà buôn nhỏ trên bến cảng): 10x12m =120m2; hạng hai (nhà buôn lớn trên bến cảng): 20x20m = 400m2; hạng ba (nhà ở trong đô thị): 20x80m = 1600m2; hạng tư (nhà ở ngoại ô): 9x50m = 450m2.
- Đường Imperial (Hai Bà Trưng ngày nay) là trục đông-tây của Sài Gòn. Đông: khu hành chánh, từ Hai Bà Trưng cho tới rạch Thị Nghè, rộng khoảng 2km2. Tây: từ Hai Bà Trưng ra tới Chợ Lớn, tức phần Sài Gòn còn lại, rộng 23km2: khu thương mại, dịch vụ, công nghiệp.. - Quy hoạch đường sá, bến cảng: chiều rộng của các đường phố chính 40m, vỉa hè hai bên rộng 4m có hai hàng cây mỗi bên; đường phụ 30 m, vỉa hè 2m, mỗi bên trồng một hàng cây. Các bến sông Sài Gòn cũng như rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè rộng 40m, vỉa hè 6m, trồng hai hàng cây ở hai bên. - Quy hoạch về hệ thống nước, cung cấp nước tiêu dùng, thoát nước: do địa hình Sài Gòn bằng phẳng, không cao hơn mặt nước, lại có triều cường nên không cho phép đặt những đường ống cống bình thường mà là những ống cống với cửa cống đóng mở tự động… -Quy hoạch về an ninh phòng thủ... |
Đón đọc kỳ sau: Chính quyền Sài Gòn ứng xử ra sao với "Hòn ngọc Viễn Đông"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận