Trong giới đầu tư chứng khoán, mô hình "cây thông" để chỉ cổ phiếu có giá tăng nhanh - giảm sốc thời gian ngắn. Riêng với cổ phiếu QCG, đây cũng không phải lần đầu tiên cổ đông được thấy "Giáng sinh" sớm.
"Gáo nước lạnh" sau cơn sốt
Mã QCG "nằm sàn" trong phiên giao dịch hôm qua, sau thông tin CEO Nguyễn Thị Như Loan bị bắt. Nhà đầu tư bán tháo, hơn 3,5 triệu đơn vị nằm trong mục dư bán, bên mua để trắng.
Đà rơi cổ phiếu này không chờ tới khi tin chính thức ra. Kể từ cuối tháng 6, sau khi đại hội cổ đông bất thành do bà Loan không xuất hiện, QCG đã gây nhiều lo âu cho cổ đông.
Trên đồ thị giá, xuất hiện mô hình "cây thông" sau khi cổ phiếu công ty bà Như Loan leo lên vùng đỉnh 18.000 đồng (hồi giữa tháng 4 năm nay), rồi sau đó liên tục "rơi tự do" về mức giá hơn 9.000 đồng hiện tại.
Tổng kết lại sau 3 tháng, thị giá QCG đã "bốc hơi" khoảng 50%, vốn hóa doanh nghiệp cũng "bay" hơn 2.400 tỉ đồng. Không ít cổ đông "dở khóc dở cười" khi nắm mã này.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng việc tăng sốc - giảm sâu không phải là hiện tượng hiếm gặp của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn.
Tra lại lịch sử giá, QCG từng lập đỉnh lịch sử khi giao dịch vượt mốc 30.000 đồng giữa năm 2017. Cơn sốt giá cổ phiếu công ty nhà bà Như Loan manh nha từ khi có tin đồn về thương vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển.
Truyền thông sau đó đưa tin Quốc Cường Gia Lai ký với CTCP Đầu tư Sunny Island biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 100% quyền sở hữu một công ty sẽ được thành lập, từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny.
Cũng chính bởi dự án này, cơn sốt giá cổ phiếu QCG lại "ập" đến khi tòa án buộc Quốc Cường Gia Lai trả lại cho bà Trương Thị Mỹ Lan liên quan đến vụ tranh chấp với Sunny Island (công ty trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát).
Với nhiều phiên tăng sốc sau khi có phán quyết từ tòa, thị giá QCG đã được lên mốc 18.000 đồng, cao nhất trong vòng 7 tháng kể từ giữa tháng 9-2023.
Trước đó, cổ phiếu QCG cũng xuất hiện nhiều đợt "sóng" vào nửa cuối năm 2021, giữa năm 2023...
Nói với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong khối phân tích công ty chứng khoán cho biết cổ phiếu QCG được đánh giá có tính "đầu cơ" cao, nhiều thời điểm tăng trần kéo dài nhưng sau đó lập tức có thể "chìm nghỉm" dưới đáy.
Không chỉ QCG, thời gian qua có rất nhiều cổ phiếu bất ngờ được đẩy giá lên rất cao dù triển vọng kinh doanh kém tích cực. Việc kích thích dòng tiền của nhà đầu từ cá nhân với hy vọng "ăn theo game nào đó" đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Ngoài ra, góp công không nhỏ các đợt tăng giá "ảo" là hô hào trong các "room" chứng khoán, các "ông thầy online"… Ngay sau có thông tin bà Như Loan, một diễn đàn về chứng khoán sôi nổi bàn luận về đoạn thông tin "hô hào cổ phiếu QCG" từ một vị được gọi là "chuyên gia" trong room đầu tư.
Theo vị chuyên gia này "hô hào", chỉ có QCG mới có "sức hút với các tay to tỉ đô" hay tiềm năng quỹ đất của QCG rất lớn trong khi cổ phiếu doanh nghiệp "rẻ kinh hoàng"… Thông thường giữa cơn bão tăng giá, các khái niệm về cơ bản, kết quả kinh doanh, sự ổn định về tài chính, triển vọng… gần như bị bỏ qua.
Quốc Cường Gia Lai còn lại 30 tỉ tiền mặt cùng gần 7.000 tỉ đồng bất động sản dở dang
Diễn biến tiếp theo của cổ phiếu QCG khó đoán định. Nhưng việc đánh giá lại hiệu quả kinh doanh lẫn triển vọng doanh nghiệp… là một trong những bước đi cần thiết để nhà đầu tư xác định "cắt" lỗ hay trở thành cổ đông… chiến lược dài hạn.
Trước hết về tình hình kinh doanh, đến sáng 20-7, phía Quốc Cường Gia Lai chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 năm nay.
Nhìn lại quý 1-2024, công ty này ghi nhận 39 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi sau thuế vỏn vẹn 651 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan giải thích doanh thu, lợi nhuận giảm do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án chồng chéo và vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện.
Cũng theo bà Loan, thủ tục triển khai các dự án đều không được giải quyết nên doanh thu, lợi nhuận công ty suy giảm.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 3 năm nay đạt 9.515 tỉ đồng, trong đó phần lớn nằm ở hạng mục tồn kho với 7.033 tỉ đồng. Trong khi tiền mặt còn chưa tới 30 tỉ đồng.
Trong bối cảnh dự án bất động sản dở dang chiếm tỉ trọng gần 70% tổng tài sản, Quốc Cường Gia Lai còn phải lo nộp lại 2.882,2 tỉ đồng vụ bà Trương Mỹ Lan theo như phán quyết của tòa.
Không chỉ "rối như tơ vò" khi liên quan tới bất động sản trong vụ án bà Trương Mỹ Lan, công ty bà Như Loan còn gặp rắc rối với việc tham gia dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Cũng chính bởi liên quan dự án này, bà Loan bị bắt.
Liên quan dự án này, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố hàng chục bị can thuộc các đơn vị trên về các tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...
Khó khăn dồn dập, cuối tháng 5 vừa qua, hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai phải ban hành nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng dự án Nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và Nhà máy thủy điện Ayun Trung với giá trị lần lượt dự kiến khoảng 235 tỉ đồng và 380 tỉ đồng.
Theo tài liệu cung cấp trước đại hội, hội đồng quản trị QCG dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, với mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỉ đồng, không chia cổ tức.
Đây được coi là mục tiêu tương đối lạc quan khi doanh thu 1.300 tỉ đồng là gấp 3 lần mức thực hiện năm 2023. Mục tiêu lãi trước thuế 100 tỉ đồng, gấp 20 lần con số năm ngoái, một mức cao trong nhiều năm trở lại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận