02/05/2013 08:27 GMT+7

Người nuôi gà lao đao

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Thông tin dịch cúm gia cầm H7N9 chỉ mới diễn ra tại Trung Quốc, nhưng ngành chăn nuôi gà VN đang lao đao do giá gà giảm mạnh, tiêu thụ chậm.

WTbmmbGR.jpgPhóng to
Trước thông tin dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc, nhiều bà nội trợ đã hạn chế mua thịt gà - Ảnh: H.T.Vân

Nhiều người nuôi gà công nghiệp hiện điêu đứng khi giá bán đã thấp hơn giá thành trên 10.000 đồng/kg. Sức mua của người dân đã yếu do e ngại thông tin dịch cúm lại càng yếu hơn khi giá bán lẻ thịt gà ngoài thị trường vẫn ở mức cao vô lý so với giá bán tại trại.

Nuôi càng nhiều, lỗ càng nặng

Ông H., giám đốc kinh doanh một công ty nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, than thở: “Ngành nuôi gà trong nước sắp phá sản nữa rồi!”. Chỉ hơn nửa tháng qua, giá gà công nghiệp trong nước lao dốc không phanh từ 38.000 đồng/kg còn 19.500 đồng/kg và chưa có dấu hiệu ngưng lại. Từ mức đang có lời với hi vọng gỡ gạc chút ít sau trận thua lỗ kéo dài kỷ lục cả năm 2012, người nuôi gà lại lâm vào cảnh bán lỗ trên 10.000 đồng/kg.

"Người tiêu dùng hạn chế ăn thịt gà một phần bởi khâu bán lẻ vẫn giữ giá bán cao bất hợp lý"

Các công ty chăn nuôi cũng cho biết giá gà tại trại đã giảm gần phân nửa nhưng vẫn không bán được, gà quá tuổi trong các trại ngày càng nhiều, nhiều lứa gà đã vượt quá 4 kg/con. Ngoài ra, gà giống đang được bán với giá rẻ hơn từ một nửa đến hai phần ba so với bình thường nhưng không ai dám nuôi vì sợ dịch. Như vậy, chỉ khoảng hai tháng nữa gà công nghiệp trong nước lại thiếu chứ không đợi đến cuối năm như Bộ NN&PTNT nhận định.

Theo ông Phi Long - chủ trại gà tại Đồng Nai, thông tin về dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến người nuôi gà trong nước. Điều bất hợp lý ở chỗ trong thời gian cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại Trung Quốc thì từ ngày 23-3 đến nay, theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), không có địa phương nào có dịch cúm gia cầm. Ông Long cho rằng cần có cơ chế đưa tin về dịch bệnh để tránh ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Bởi hiện nay các công ty cũng như trang trại lớn trong nước đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phòng dịch trong quá trình nuôi.

Bằng chứng là mấy năm trở lại đây, dịch cúm gia cầm nếu có cũng chỉ xảy ra cục bộ tại các hộ nuôi nhỏ lẻ ở một vài địa phương. Như vậy, ở những vùng nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, gà bán ra có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y tức là đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Chi cục Thú y TP.HCM cũng khẳng định gà bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng và chợ lẻ tại thành phố đều có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.

Dù vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn đang quay lưng với con gà trong nước. “Lượng hàng bán vào các bếp ăn công nghiệp, trường học... của công ty tôi từ khi có tin cúm H7N9 ở Trung Quốc đã giảm 30%” - ông H. than thở. Còn ông Long nhận xét người tiêu dùng hạn chế ăn thịt gà một phần bởi khâu bán lẻ vẫn giữ giá bán cao bất hợp lý.

1kg chân gà gần bằng 4kg gà lông

Người tiêu dùng bị “dọa”

Không chỉ người nuôi gà mà người nuôi heo cũng chung số phận mỗi khi dịch bệnh xảy ra. Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo tại Thống Nhất (Đồng Nai) nói: “Có vài con heo chết vì bệnh tai xanh ở một địa phương miền Trung nhưng suốt từ sáng đến tối xem tivi, nghe đài, đọc báo in, báo mạng... đều thấy giật tin như dịch đến nơi là biết vài hôm nữa giá heo miền Nam sẽ giảm thê thảm”.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 1-5, giá gà tại các trại chỉ còn 19.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với ngày trước đó. Thế nhưng ở một số siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, giá thịt gà công nghiệp vẫn ở mức rất cao. Điển hình là chân gà đang được bán với giá 64.000-74.000 đồng/kg, gấp 3,2-3,8 lần so với giá bán tại trại. Ngoại trừ đầu gà được bán 11.000-14.000 đồng/kg là thấp hơn, tất cả các bộ phận còn lại đều được bán cao hơn nhiều so với giá gà lông ở các trang trại. Tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), xương gà công nghiệp đang bán ở mức 24.500 đồng/kg, đùi tỏi 75.000-88.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 67.500 đồng/kg, ức gà không xương 70.500 đồng/kg, cánh gà 79.000-81.400 đồng/kg, má đùi gà 55.200 đồng/kg... Nhìn bảng giá bán tại đây, ông H. cho rằng ngay cả gà công nghiệp bình ổn hiện đang có giá 41.500 đồng/kg cũng là quá cao so với giá gà tại các trại những ngày qua.

Theo tính toán của ông H., giá gà tại trại ở mức 19.500 đồng/kg, cộng với 2.000 đồng/kg vận chuyển lên các trung tâm giết mổ ở TP.HCM thì giá gà nguyên con sau giết mổ chỉ ở mức 28.000 đồng/kg, tức thấp hơn giá bán tại siêu thị 13.500 đồng/kg. Như vậy, các khâu trung gian bán lẻ đã giữ giá bán cao để hưởng mức lợi nhuận lớn, trong khi cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng bị thiệt.

Để chứng minh cho tính toán của mình, ông H. chỉ chúng tôi đến một cửa hàng bán thịt gà ngay tại trung tâm quận 1. Đây là cửa hàng bán lẻ của một công ty chăn nuôi khép kín từ nuôi gà đến giết mổ và phân phối. Bảng giá tại đây rẻ hơn rất nhiều so với giá bán tại siêu thị. Cụ thể, đùi gà góc tư chỉ 32.000 đồng/kg, ức gà 29.000 đồng/kg, má đùi gà 29.000 đồng/kg, đùi tỏi 60.000 đồng/kg. Chỉ có chân gà và cánh gà tại đây bán với giá cao lần lượt là 74.000 đồng/kg và 77.000 đồng/kg. Theo giải thích của người bán hàng, đây là hai mặt hàng người dân mua rất nhiều trong dịp nghỉ lễ nên giá vẫn ở mức cao, còn tất cả mặt hàng còn lại đều giảm giá gần một nửa trong vòng ba tuần qua.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp