Cua Cà Mau được người bán cột bằng những sợi dây to vừa phải như dây nilông - Ảnh: T.T.D. |
Chúng ta ai cũng biết những sợi dây to sụ kia nhằm làm tăng trọng lượng của con cua khi cân bán cho khách, nhưng đó cũng là hình ảnh tạo ấn tượng rất xấu cho người nước ngoài về chuẩn mực đạo đức, chứ không chỉ về mặt đạo đức kinh doanh đơn thuần.
Dù sao những con cua bị cột với trọng lượng dây có khi hơn cả trọng lượng con cua vẫn còn ít đau khổ hơn những con vịt, con gà bị nhét bã đậu đến mức diều căng phồng; những con heo, con bò bị nhét vòi nước vào miệng mà bơm đến hộc máu miệng máu mũi.
Những cảnh tượng như vậy ông bà ta hồi xưa sẽ gọi là mua gian bán lận một cách bất nhân, thất đức và bị cộng đồng lên án, trừng phạt thì giờ đây, ở thế kỷ 21 nó vẫn diễn ra mỗi ngày và nguy hiểm hơn nữa là được xem như... chuyện bình thường.
Một người bạn định cư ở nước ngoài từng nói với tôi về việc con người phải ăn thịt những con vật khác thuộc về quy luật sinh tồn.
Nhưng quy luật nào cũng vậy, dù là chuyện bất khả nhưng những nước tiên tiến luôn tìm cách để những con vật chết nhẹ nhàng nhất, ít đau đớn nhất và hình ảnh sát sinh sẽ không đập vào mắt cộng đồng, nhất là trẻ thơ - lứa tuổi mà hành động bạo lực, tàn nhẫn có thể gây tác động không nhỏ.
Tuy nhiên, hình như xã hội nước ta bao năm qua đã không quan tâm đến mặt nhân văn của vấn đề này...
Trở lại vấn đề con cua. Ai cũng lên án việc con cua bị cột chằng chịt, đó được xem là một hành vi gian lận công khai nhất. Nhưng sao bao năm nay hình ảnh này vẫn tồn tại ngang nhiên?
Một người chuyên bán cua ở chợ Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) nói khi chị mua từ thương lái, con cua đã bị cột như thế, nên nếu chị tháo bớt dây ra sẽ bị lỗ. Nhưng do con cua bị cột nặng nề như thế, người mua ít hẳn đi, chị phải mua bán thêm tôm cá để tồn tại.
Hi vọng của chị là làm sao “ông Nhà nước” dẹp được chuyện cột cua chằng chịt cho dân nhờ!
“Ông Nhà nước” ở đây không ai khác là cơ quan quản lý thị trường, mà đứng đầu là Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương đang hưởng lương từ đồng thuế người dân đóng góp.
Rõ ràng đây là hành vi gian lận thương mại vì cua bị cột bán theo trọng lượng chứ không phải bán theo số lượng và người mua phải trả tiền cho cả sợi dây. Còn nếu nói chưa có quy định nào phạt hành vi bán cua trói bằng dây lớn thì giờ là lúc ban hành quy định.
Chuyện nhỏ như cởi trói cho con cua mà không làm được thì chuyện lớn hơn với những con lớn hơn như con heo con bò, người tiêu dùng còn biết trông cậy vào đâu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận