10/09/2019 09:27 GMT+7

Người nước ngoài vi phạm luật giao thông: Khách hành xử sai, phải xem lại chủ nhà

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Tây cũng có những người vi phạm luật giao thông. Nhưng trước khi trách họ cần xem lại kiểu đi đứng bất chấp luật lệ của người Việt trước.

Người nước ngoài vi phạm luật giao thông: Khách hành xử sai, phải xem lại chủ nhà - Ảnh 1.

Người nước ngoài qua đường đúng vạch giữa dòng xe máy trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

* Bạn đọc KHÁNH HƯNG:

Người nước ngoài vi phạm luật giao thông: Khách hành xử sai, phải xem lại chủ nhà - Ảnh 2.

Hãy nhìn lại mình

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 9-9, ông Andrew Carmichael (người Úc) đã chia sẻ ý kiến cho rằng một trong những lý do người nước ngoài không tuân thủ luật giao thông ở Việt Nam là vì... họ bắt chước người Việt.

Họ bắt chước cái xấu không hẳn vì họ quen thói xấu. Ông Andrew đã kể ra một loạt vấn đề quen thuộc: đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, lấn làn, không nhường đường ưu tiên, bật đèn pha tùy tiện, dựng xe trên lề đường, đậu xe dưới lòng đường... 

Những chuyện này chẳng phải chúng ta đều thấy mỗi ngày đó sao? Chính chúng ta cũng từng vi phạm. Và những người nước ngoài khi đến Việt Nam, như chính ông nói rằng bắt chước theo người dân sở tại là điều khó có thể tránh.

Người Việt mình ra đường mạnh ai nấy đi, miễn sao mình đi trước, đi nhanh, chen lấn bất chấp nguy hiểm. Điều này thấy rõ ở từng con đường, từng cổng trường học, bệnh viện, chợ... Đến nỗi ngay chính chúng ta muốn dừng đậu xe đúng vạch ở ngã tư cũng không yên với người phía sau. 

Người nước ngoài muốn băng qua đường đúng vạch, đúng tín hiệu đèn, người Việt đi xe máy cũng không có ý thức nhường đường. Rất dễ thấy sự lúng túng, những ánh mắt đầy lo sợ, những phản ứng bất bình của người nước ngoài về kiểu đi đứng của người Việt.

TP.HCM đã có chủ trương mạnh tay với người nước ngoài vi phạm giao thông. Tôi nghĩ điều này cần nhưng chỉ giải quyết được "phần ngọn". Mọi giải pháp phải bắt đầu từ sự thay đổi của người Việt. Chúng ta phải có một trật tự giao thông để du khách đến nhìn vào đó mà "nhập gia tùy tục".

Kẹt xe, nhiều người sẵn sàng chạy lên lề, chen ngang, chạy ngược chiều nhưng vẫn không bị sao cả. Tôi nghĩ người Việt không phải không hiểu luật, nhưng họ không làm. Những cái sai tiếp diễn đã thành thói quen khó bỏ và chẳng mấy ai quyết tâm từ bỏ.

Và việc cần làm không chỉ là việc của cơ quan chức năng, mỗi người Việt phải nhìn lại mình và người xung quanh mình. Nhìn để biết hổ thẹn vì chuyện đi đứng ngoài đường của chính mình, để mạnh dạn lên tiếng nhắc nhở nhau vì văn minh, thay vì "để bụng" và tiếp tục hồn nhiên đi sai luật.

* Chị MICKA CHU (diễn viên, người mẫu, biên kịch người Pháp):

Người nước ngoài vi phạm luật giao thông: Khách hành xử sai, phải xem lại chủ nhà - Ảnh 3.

Chúng tôi cần thông tin rõ ràng

Không phải người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng định thuê xe và lái xe. 500 vụ vi phạm giao thông của người nước ngoài trong một năm, con số này chiếm một tỉ lệ quá nhỏ trong số vụ vi phạm. Đây là đất nước của các bạn, an toàn giao thông trước hết là để bảo vệ các bạn. Chiến dịch tuyên truyền luật giao thông cần nhắm tới là người Việt Nam.

Tôi luôn mang theo bằng lái ôtô quốc tế vì tôi biết tôi sẽ cần đến nó. Các thông tin về những điều người nước ngoài được phép hoặc không được phép làm khi đến một đất nước khác rất dễ kiếm với chúng tôi, nó có trên các trang web chính thức của cơ quan chức năng. 

Vì vậy việc phát tờ rơi hướng dẫn luật giao thông cho người nước ngoài là không cần thiết. Số tiền để in tờ rơi, các bạn có thể sử dụng cho những mục đích khác (như việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho cảnh sát giao thông (CSGT) chẳng hạn).

Về đề nghị nhắc nhở người nước ngoài vi phạm lần đầu và phạt nặng lần vi phạm thứ hai trở đi, tôi không cho rằng đây là ý tưởng hay. Chúng ta đang nói về an toàn giao thông. Vì điều này, có vi phạm thì phạt, dù người vi phạm là người nước nào, vi phạm lần đầu hay lần sau. Các bạn nên có một giải pháp rõ ràng, đừng nước đôi, phân biệt lần đầu, lần sau thực sự làm rối vấn đề.

Tôi nghĩ CSGT nên có một loại văn bản Anh - Việt về những nội dung vi phạm và số tiền phạt. Điều này giúp mọi việc trở nên minh bạch. Nhiều người nước ngoài tuân thủ luật giao thông ở nước mình nhưng sang Việt Nam thì lại không. 

Nó là hậu quả của việc thiếu kỷ cương trên đường phố. Nhiều người không thể ký biên bản phạt vì không giao tiếp được với CSGT. Đa số trường hợp khi người nước ngoài bị thổi phạt, vấn đề đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Và vì phải mất thời gian với người nước ngoài nên nhiều CSGT thà để họ đi còn hơn!

Nếu tôi bị phạt, tôi rất muốn được cảnh sát chỉ rõ những nội dung mình đã vi phạm cùng số tiền bị phạt, và việc xử phạt phải có biên bản rõ ràng, tránh trường hợp như thường thấy là nộp ngay tiền mặt và cho đi. Cũng nên có tài liệu hướng dẫn về các quy trình, thủ tục cho người nước ngoài trong trường hợp họ liên quan trong các vụ tai nạn giao thông (bị hoặc gây tai nạn).

* Chị Eli C (người UAE):

Người nước ngoài vi phạm luật giao thông: Khách hành xử sai, phải xem lại chủ nhà - Ảnh 4.

Luật pháp không phải để thương lượng

Một số chuyên gia nước ngoài có thể tự tin lái xe trên đường phố Việt Nam nhưng số này không nhiều, và họ lái xe đàng hoàng. Ra đường bạn sẽ thấy người Việt Nam vi phạm luật nhiều như thế nào! Hãy phạt những người Việt lái xe bất chấp luật lệ. Hãy hành động để người Việt Nam tôn trọng luật giao thông hơn.

Có những người nước ngoài không tuân thủ luật giao thông ở Việt Nam, điều này bắt nguồn từ việc họ nghĩ rằng mình có thể dễ dàng giải quyết vi phạm của mình bằng... tiền, họ thấy xử phạt không nghiêm. Tôi thà đóng phạt với biên bản chứ không thích cảnh sát gợi ý tôi trả 500.000 đồng tiền mặt. Cần thực thi nghiêm quy định pháp luật giao thông. Các nước khác luật giao thông được chấp hành nghiêm túc, tại sao Việt Nam chưa thể?

Tôi đã ở Việt Nam hơn 3 năm và từng rất sợ lái xe ở đây. Giờ thì tôi hiểu ra đường rất dễ dàng vi phạm luật, chúng tôi muốn đi đúng cũng khó. Người Việt Nam coi thường luật giao thông, vi phạm nó hằng ngày. Tôi nghĩ nhà chức trách cần nghiêm khắc và nhất quán, pháp luật để thực thi, không phải để thương lượng.

* Thượng tá HUỲNH TRUNG PHONG (trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt PC08 Công an TP.HCM):

11

Gặp khó khi xử phạt người nước ngoài

Tại TP.HCM cũng có những vụ người nước ngoài gây tai nạn nghiêm trọng. Việc xử phạt người nước ngoài vi phạm hiện gặp nhiều khó khăn. Có những vụ CSGT mất nhiều giờ liền để giải quyết.

Khó khăn nhất là người nước ngoài vô tư điều khiển xe máy đi lại trên đường, không lường trước hiểm họa có thể xảy ra, không đầy đủ giấy tờ cần thiết. Các cơ sở cho thuê xe du lịch thì sẵn sàng cho người nước ngoài thuê mà không quan tâm du khách có đủ điều kiện được lái xe ở Việt Nam hay không.

Những vụ tai nạn liên quan đến người nước ngoài có thể ảnh hưởng đến ngoại giao, hình ảnh TP.HCM và Việt Nam. Chúng tôi mong rằng du khách đến Việt Nam nên chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn cho mình. Một khó khăn lớn là rào cản ngôn ngữ. Lực lượng CSGT cần tăng cường rèn luyện tiếng Anh để ứng phó khi cần thiết.

* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG (phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM):

12

Xử phạt chủ cơ sở cho thuê xe

Ngày càng nhiều trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông. Họ cũng không đội mũ bảo hiểm, chạy sai làn... Dự kiến, chúng tôi sẽ tuyên truyền Luật giao thông cho người nước ngoài từ khi nhập cảnh. Sau thời gian tuyên truyền sẽ xử phạt đến nơi đến chốn để đảm bảo trật tự và an toàn giao thông tại TP.HCM.

Các địa phương cần siết chặt việc cho thuê xe du lịch, chế tài đối với các doanh nghiệp cho người nước ngoài không đủ điều kiện, giấy tờ hợp lệ thuê xe.

THU DUNG ghi

* Ông NGUYỄN HOÀNG DŨNG (một người dân sống tại Q.Phú Nhuận):

Tây - ta đều có lỗi

Tôi làm việc trong ngành du lịch, tiếp xúc nhiều người nước ngoài đến TP.HCM. Phần lớn họ cư xử rất văn minh. Nhưng hằng ngày họ nhìn thấy chúng ta ra đường không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, chạy xe trong trạng thái say xỉn... Nhiều lần du khách đã lên tiếng về chuyện người Việt vi phạm luật, tôi ngượng ngùng giải thích về người Việt mình.

Việc cho người nước ngoài thuê xe máy, ôtô cũng quá dễ dàng. Tôi đã chứng kiến nhiều khách chỉ cần để lại vài chục USD là được cho thuê xe. Họ không có đầy đủ giấy tờ xe. Tôi cũng từng gặp trường hợp người nước ngoài chống đối lực lượng CSGT ngay trung tâm Q.1, vụ cãi cọ gây rối loạn giao thông khu vực cả giờ liền.

Người nước ngoài đi ngược chiều, không nhường đường vì... bắt chước người Việt Người nước ngoài đi ngược chiều, không nhường đường vì... bắt chước người Việt

TTO - Người Việt có câu 'nhập gia tùy tục' - đó chính xác là những gì người nước ngoài đã làm khi đến Việt Nam. Thấy người Việt hay đi ngược chiều, không nhường đường... họ bèn bắt chước.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp