21/02/2016 09:51 GMT+7

Người nước ngoài nói gì về lễ hội Việt Nam?

NGỌC ĐÔNG ghi
NGỌC ĐÔNG ghi

TT - Mùa lễ hội đang diễn ra và tiếp tục tồn tại những hình ảnh đáng buồn, như hôm qua là hội phết Hiền Quan với những màn đánh nhau tơi bời... Hình ảnh lễ hội Việt trong mắt người nước ngoài như thế nào, và họ có góp ý gì?

Jon Aspin
Jon Aspin
“Thế hệ trẻ địa phương nên có tiếng nói của mình, nên xem xét yếu tố truyền thống nào là quan trọng cần gìn giữ, tập quán nào là hủ tục cần bỏ đi

* Jon Aspin (người Úc, biên tập viên tạp chí Word Vietnam):

Tất nhiên vào thời buổi hiện đại này, nhiều người khó chấp nhận được việc hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, đánh nhau để giành giật một vật nào đó chỉ vì tin rằng sẽ mang lại may mắn cho mình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rất khó để bảo một địa phương nào đó rằng truyền thống của họ phản cảm và nên bỏ đi.

Việc dẹp bỏ hay thay đổi một lễ hội của vùng miền nào đó nên do người bản xứ quyết định, khi mà thế hệ mới thấy rằng các phong tục truyền thống đó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại và họ không tiếp tục nữa.

Do vậy, tôi nghĩ giải pháp là khuyến khích để họ tự nhận ra cái gì cần thay đổi, chứ không phải bảo họ phải bỏ truyền thống của mình đi.

Cái quan trọng là cần phải cân bằng được giữa việc giữ gìn truyền thống và loại bỏ các hủ tục, nghĩa là nên xem xét yếu tố nào là quá bạo lực và phản cảm, đồng thời tập quán nào nên được giữ gìn và phát huy.

Tôi thích tìm hiểu về truyền thống địa phương khi tôi đến một nơi nào đó, do vậy tôi nghĩ việc dẹp bỏ những lễ hội thế này có nghĩa là xóa bỏ đi một phần văn hóa địa phương, có thể là thiếu tôn trọng tổ tiên và lịch sử nơi đó.

Ví dụ như lễ hội cướp phết, thật sự tôi không thấy có vấn đề gì với chuyện đó cả, tôi từng chứng kiến nhiều lễ hội tương tự như vậy rồi.

Khi tôi ở Úc, tôi từng thấy những thanh niên người Hi Lạp tham gia một lễ hội truyền thống, trong đó họ ném vật linh vật ra giữa biển và những người tham gia phải bơi ra biển và đua tranh để lấy vật ấy.

Nếu người tham gia muốn đặt bản thân mình vào nguy hiểm vì những đức tin mà họ được cha ông truyền lại, hay tranh giành vì niềm tự hào của gia đình, dòng tộc, làng bản mình, đó là lựa chọn của họ. Truyền thống địa phương thì nên để địa phương giữ gìn, phát triển hoặc đào thải nếu thấy không còn phù hợp.

Tuy nhiên, việc quản lý của chính quyền cũng rất cần thiết, đặc biệt là khi tình trạng bạo lực vượt quá tầm kiểm soát.

Một ví dụ cho sự cân bằng mà tôi thấy gần đây là lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Tôi đồng ý với việc không duy trì việc chém lợn ở sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người như trước đây, thay vào đó, nghi thức đó được thực hiện ở một nơi kín đáo hơn.

Việc giết một con vật còn sống trước mặt nhiều người trẻ, đặc biệt là trẻ em, tôi cho là không phù hợp.

Cho trẻ em xem phim kinh dị đã là chuyện không nên rồi, đằng này lại còn là cảnh tượng chém giết máu me rất thật. Việc chứng kiến hành động như vậy ở độ tuổi còn nhỏ vô hình trung sẽ cổ xúy xu hướng bạo lực trong trẻ, không chỉ bạo lực đối với động vật mà có thể để lại di chứng về tâm lý lâu dài.

Bên cạnh đó, việc nhiều người dùng tiền quết vào máu con vật đã chết để cầu may, tôi thấy khá phản cảm, không mang lại lợi ích gì và tôi sẽ không bao giờ làm như vậy.

Chuyện con người giết động vật là đề tài tranh cãi muôn thuở, tôi từng tham gia lễ hội bò rượt ở Tây Ban Nha, cuối ngày họ cũng giết những con vật đó một cách rất dã man và đau đớn. Rất nhiều người cũng lên án, tuy nhiên sự kiện đó vẫn cứ diễn ra hàng trăm năm nay, vì đó là truyền thống của họ.

Vì vậy, giải pháp phải đến từ chính những người dân địa phương đó, một khi những thế hệ trẻ nhận thức được truyền thống đó nên được dẹp bỏ hay điều chỉnh, họ sẽ làm như vậy.

Megumi Saito (người Nhật):

Megumi Saito
Megumi Saito

 

Hiến tế động vật không còn phù hợp

Với tôi, những lễ hội trong đó người ta hiến tế động vật khá đáng sợ và việc chém giết động vật như vậy không còn phù hợp nữa.

Tôi được biết một số nước như Nepal người ta cũng bỏ những lễ hội như vậy rồi. Ở Nhật cũng có một lễ hội diễn ra ngày 1-1 hằng năm, trong đó người ta tế sống những con ếch tại một ngôi đền để cầu mong mùa màng tốt tươi.

Nhiều người đã lên tiếng phản đối phong tục này, thậm chí có người còn gọi đến ngôi đền đó yêu cầu bỏ truyền thống đó đi.

Philip Veinott (người Mỹ):

Philip Veinott
Philip Veinott

 

Không chỉ riêng Việt Nam

Nước nào cũng có những truyền thống và lễ hội riêng của mình, trong đó nhiều nơi cũng có các lễ hội truyền thống được nhiều người đánh giá là dã man và bạo lực. Ở Mỹ, mặc dù chúng tôi có luật bảo vệ động vật rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn có những việc tương tự xảy ra bị nhiều người lên án.

Truyền thống là điều không nên thay đổi, nếu cần thay đổi thì chính người dân địa phương là những người nên quyết định giá trị nào cần được tôn vinh hay bỏ đi, từ đó xem xét thay đổi tập quán của mình cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp