Cảnh sát giao thông TP.HCM kiểm tra, nhắc nhở người nước ngoài vi phạm luật giao thông tại TP.HCM - Ảnh: Cắt từ clip
Nhân sự kiện Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức "Hội nghị triển khai đảm bảo an toàn giao thông cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam" hôm 6-9, ông Andrew Carmichael (người Úc) đã chia sẻ câu chuyện người nước ngoài tham gia giao thông ở Việt Nam.
Tôi sống ở Việt Nam 13 năm rồi. Xe máy là phương tiện đi lại chính và tôi nhận thấy đúng là có chuyện một số ít người nước ngoài không tuân thủ luật giao thông ở Việt Nam.
Tại sao? Theo tôi, người nước ngoài đến Việt Nam và thấy người Việt hay đi ngược chiều, đội mũ bảo hiểm để đối phó (mũ rẻ, không có tác dụng bảo vệ đầu), đi không nhường đường ưu tiên, bật đèn pha tùy tiện, dựng xe trên lề đường, đậu xe dưới lòng đường...
Họ cho rằng mình cũng có thể bắt chước và hành động như người bản xứ vì người bản xứ đã không tôn trọng luật giao thông của nước mình. Người Việt có câu "nhập gia tùy tục" - đó chính xác là những gì người nước ngoài đã làm khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tôi, đa số người nước ngoài sống ở Việt Nam chấp hành tốt luật giao thông vì họ hiểu đó là cách tốt nhất để khiến việc lưu thông an toàn và xuyên suốt, dù họ cũng có nhiều phàn nàn về tình trạng giao thông ở Việt Nam.
Tác giả Andrew Carmichael
Những người vi phạm luật giao thông đa số là người trẻ. Trước khi đến đây, họ đã biết mình có thể thuê xe máy với giá rẻ, không cần bằng lái quốc tế rồi phượt từ Bắc vào Nam dọc theo bờ biển hay dọc đường Hồ Chí Minh. Đa số họ đều là những người mới có bằng lái và được chạy xe máy khắp Việt Nam nên phấn chấn và tự do mà ở nước mình họ không có được.
Khác biệt ngôn ngữ đúng là một vấn đề rào cản trong giao tiếp giữa cảnh sát giao thông và người nước ngoài vi phạm Luật giao thông. Có thể vì vậy, cảnh sát giao thông ngại xử lý những người nước ngoài vi phạm Luật giao thông.
Tôi biết có một người bạn, từng bị cảnh sát thổi lại. Anh ấy kể cảnh sát cứ thổi, còn anh ấy cứ đi vì không hiểu cảnh sát có đang gọi mình hay không. Sau hành động đó, anh ấy không bị phạt hay vấn đề gì. Một số người nước ngoài khác cho rằng họ dứt khoát không ký vào biên bản vi phạm luật giao thông vì họ không biết biên bản nói gì.
Tôi ủng hộ việc cảnh sát giao thông Việt Nam xử phạt "đến nơi đến chốn" người nước ngoài vi phạm luật giao thông để răn đe, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông tại TP.HCM. Tôi cho rằng điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận