Bác Nguyễn Thương, người bốn năm dọn rác ở Hội An - Ảnh: Fanpage Vua thể thao Hội An
Hai ý kiến bạn đọc phản hồi về thời sự các bãi biển ngập rác mùa du lịch. Mà ai thì cũng dẫn những câu chuyện người nước ngoài tham gia nhặt ra làm sạch môi trường trong khi chính chủ nhà người Việt lại duy trì "thói quen" tiện đâu vứt đó!
Điểm tham quan ngập ngụa rác
Gần đây, các điểm du lịch ở đảo Lý Sơn tràn ngập rác. Nhiều nhất là ở hang Câu hay cổng Tò Vò, những điểm rất đông du khách ghé qua. Khách cắm trại rồi xả rác ngay tại chỗ. Trên bờ biển, hàng trăm túi nilông trôi nổi, theo sóng dạt vào bờ.
Đó cũng là tình trạng chung xảy ra nơi nhiều bãi biển đẹp, các hải đảo đang khai thác du lịch như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Bình Ba, Phú Quý, Côn Đảo, Nam Du, Phú Quốc... Có nơi đang tính đến phương án phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng mỗi năm để xử lý rác.
Không chỉ là chuyện ở biển, những điểm cắm trại, leo núi cũng đang dần trở thành những bãi rác. Rác tràn ngập nhiều con đường ở khu trung tâm, các chùa ở Đà Lạt sau những lễ hội, các kỳ nghỉ dài ngày.
Người dân Sa Pa đã nhiều lần lên tiếng về việc du khách xả rác bừa bãi gây ô nhiễm. Hải Vân quan, một danh thắng của miền Trung, đang phải gánh chịu với những đống rác thải tràn. Đèo Cù Hin với đoạn đường từ sân bay quốc tế Cam Ranh về TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng vậy.
Với cách tiêu dùng nhanh, gọn, tiện lợi... chúng ta đang hằng ngày hủy hoại môi trường từ những chai nước uống, bao bì các loại thức ăn, hộp nhựa, túi nilông, bàn chải đánh răng, dầu gội, sữa tắm trong các chai nhựa nhỏ, dao cạo râu, khăn ướt, khẩu trang y tế, bông ráy tai...
Chuyện ở Hội An, Quảng Nam, du khách nước ngoài đến Việt Nam bỏ 10 USD tham gia tour dọn rác? "Khách đến chơi nhà" đã góp phần dọn rác. Còn "chủ nhà" lại thiếu ý thức trong việc giữ gìn danh lam thắng cảnh của chính mình?
Trong khi du khách nước ngoài chăm chỉ nhặt rác trên các bãi biển, điểm tham quan, luôn giữ rác lại trong balô, túi xách chờ đến nơi có thùng rác để bỏ vào thì nhiều người Việt khi đi du lịch vẫn quen tay tiện đâu vứt đó.
Trên tàu xe, máy bay rác cũng vương vãi khắp nơi từ thức ăn thừa, bao nhựa cho đến vỏ khăn dùng một lần, chai nước uống dở... mặc dù sau mỗi ghế ngồi luôn có trang bị túi lưới đựng rác.
Rồi chẳng còn ai đủ sức dọn rác...
Nhân thời sự ngập rác ở các điểm du lịch, tôi muốn nói về tour du lịch dọn rác và câu chuyện những người dọn rác ở Hội An, Quảng Nam.
Hoian Kayak tour ở Hội An (Quảng Nam) đã thực hiện từ lâu, đều đặn mỗi thứ bảy.
Tour làm sạch rác trên sông nhằm truyền cảm hứng và khuyến khích người dân địa phương lẫn du khách chung tay giữ cho dòng sông Thu Bồn sạch đẹp nói riêng và nâng cao nhận thức về môi sinh ở Hội An, Quảng Nam nói chung.
Tình nguyện viên mặc áo phao găng tay cao su trên những chiếc thuyền kayak nhiều màu sắc mang theo những bao tải rong ruổi theo con nước, ghé lại những cù lao nho nhỏ nhặt rác.
Phong trào khởi phát từ cá nhân, có thể là du khách chỉ một lần ghé qua sông Hoài hay người nước ngoài, người từ nơi khác đến, cũng có cả người Hội An.
Cư dân đã dần trở nên quen thuộc với hình ảnh một nhóm người nhặt rác mỗi sáng thứ bảy. Họ vừa dọn rác vừa tâm tình với người dân.
Có người mang nước mát trong nhà ra mời tình nguyện viên, cũng có nơi khoản đãi cà phê, món ăn nhẹ hay phần cơm trưa đạm bạc.
Ở Hội An cũng có những cá nhân lặng thầm tình nguyện nhặt rác như cựu binh Nguyễn Thương (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại).
Hình ảnh ông Thương hằng ngày miệt mài cho đến khi con đường không còn một mảnh rác đã trở nên quen thuộc với cả du khách nước ngoài.
Bốn năm qua, ông Thương đã trở thành điển hình nỗ lực giảm thiểu rác của Hội An.
Đà Nẵng, Huế... cũng có nhiều nhóm dọn rác ở các bãi biển. Phong trào thu gom, nhặt rác nở rộ trên toàn quốc.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ là gom dọn rác. Cần đề cao việc thay đổi nhận thức về xả rác. Không những bỏ rác đúng chỗ, tìm giải pháp để xử lý rác, mà còn chia sẻ nhau việc hạn chế rác.
Sẽ chẳng còn ai đủ sức đi dọn rác nữa vì tốc độ xả rác nhanh hơn nhiều lần tốc độ nhặt rác, thiên nhiên cũng đang bị tàn phá nhanh hơn khả năng hồi phục nhiều lần.
Được biết, chính quyền thành phố Hội An đang huy động nguồn vốn để lắp đặt camera trong thành phố, những nơi thu hút nhiều du khách, cảng tàu và bãi biển. Biện pháp phạt nguội hành vi xả rác sẽ căn cứ vào hình ảnh được ghi lại, do Công an thành phố thực hiện.
Tại Hà Nội, ở một vài điểm đã niêm yết công khai hình ảnh những cá nhân xả rác bừa bãi. Việc đánh vào lòng tự tôn, ví tiền của người dân trong quy cách xử phạt là điều cần thiết, nên mạnh tay.
Đây chính là biện pháp Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đã tiến hành thành công nhiều năm qua.
Nếu bạn không có thời gian ngồi lại để thưởng thức một tách cà phê, ly trà sữa trong cốc gốm của quán, hãy mua một chiếc cốc có thể sử dụng lại được và nhớ đem theo chúng bất cứ khi nào đi du lịch.
Bạn cũng có thể mang theo một chai (bình) nước có thể tái sử dụng cho riêng mình, hạn chế dùng túi nilông, không vỏ chai, ống hút nhựa, hộp nhựa bừa bãi.
Chỉ nên mua đủ lượng thức ăn và dùng hết, còn bàn chải đánh răng, dầu gội, sữa tắm, lược, dao cạo râu... mỗi khi đi du lịch nên chịu khó mang theo các vật dụng quen thuộc mình đang dùng để góp phần giảm bớt rác thải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận