Xin hỏi có gì để thay thế biên bản này?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Pháp luật Việt Nam quy định có hai trường hợp nhận con nuôi gồm: Nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Trong đó, "Nuôi con nuôi trong nước" là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau thường trú ở Việt Nam.
"Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài" là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.
Các trường hợp "Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài" được quy định tại điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010, gồm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi đích danh; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi; Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.
Theo đó, hồ sơ thủ tục xin nhận con nuôi tại Việt Nam trong các trường hợp trên, về cơ bản sẽ có sự khác biệt.
Thông tin chị cung cấp cho chúng tôi không đề cập đến việc chị hiện đang giữ quốc tịch Việt Nam hay Singapore, cũng như vợ chồng chị hiện đang thường trú tại Việt Nam hay tại Singapore. Do đó, đối với câu hỏi trên, chúng tôi tư vấn đến chị như sau:
Trường hợp chị đã nhập quốc tịch Singapore (Singapore không công nhận quốc tịch kép) và chồng chị (quốc tịch Singapore), đều đang thường trú tại Việt Nam.
Đây được xem là một trong những trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam), được quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010.
Theo đó, hồ sơ nhận nuôi trẻ căn cứ theo điều 17, điều 41 Luật Nuôi con nuôi 2010, trong đó không bắt buộc phải có "Biên bản điều tra về tâm lý, gia đình".
Nếu chị hiện vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, chồng chị đã nhập quốc tịch Việt Nam và hai vợ chồng đều đang thường trú tại Việt Nam, thì thuộc trường hợp "Nuôi con nuôi trong nước". Do đó, hồ sơ cũng không bắt buộc phải có "Biên bản điều tra về tâm lý, gia đình" theo quy định trên.
Trường hợp chị đang định cư ở Singapore và chồng chị (quốc tịch Singapore) đang thường trú ở Singapore, muốn nhận người Việt Nam làm con nuôi, thuộc trường hợp "người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi". Lúc này, hồ sơ nhận nuôi trẻ phải tuân thủ quy định tại khoản 1 điều 31 Luật Nuôi con nuôi 2010, trong đó cần có "Bản điều tra về tâm lý, gia đình".
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về thuật ngữ "Bản điều tra về tâm lý, gia đình". Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng không điều chỉnh trên lãnh thổ Singapore. Do đó, trường hợp chị cho rằng ở nước chồng mình (Singapore) không có bất cứ cơ quan nào có thể cấp "Bản điều tra về tâm lý, gia đình" là cũng có cơ sở.
Việc Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định hồ sơ nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải có "Bản điều tra về tâm lý, gia đình" nhằm mục đích xác định người nhận nuôi trẻ có đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo nhận nuôi, giúp trẻ tìm được một gia đình hạnh phúc.
Do đó, đối với trường hợp chị cho rằng nước chồng chị không có cơ quan nào cấp "Bản điều tra về tâm lý, gia đình", chồng chị có thể liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền của Singapore để đề nghị được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi tại Việt Nam; không có tiền án tiền sự bạo hành, xâm hại trẻ em; hiện không bị cấm tiếp xúc trẻ em theo luật Singapore.
Khi nộp hồ sơ xin nhận nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp, vợ chồng chị có thể đề nghị dùng giấy xác nhận này để thay cho "Biên bản điều tra về tâm lý, gia đình".
Về bản chất loại giấy tờ này đều nhằm mục đích đảm bảo vợ chồng chị đáp ứng đủ các điều kiện để nhận nuôi con nuôi tại Việt Nam, theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 18 nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ.
Singapore không nằm trong danh sách các nước miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Do đó, sau khi được cấp giấy xác nhận, chồng chị cần làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt, chứng thực bản dịch tại Sở Tư pháp có thẩm quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, cần lưu ý là giấy xác nhận trên chỉ có giá trị sử dụng khi được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận