26/11/2016 08:55 GMT+7

Người nước ngoài bảo vệ luận văn thạc sĩ bằng tiếng Việt

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Sáng 25-11, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ cho những học viên tốt nghiệp năm 2016. Đặc biệt, trong số này có hai học viên người nước ngoài đã bảo vệ xuất sắc luận văn bằng tiếng Việt.

Jared Kyle Koelling cùng vợ và con trai - Ảnh: NVCC
Jared Kyle Koelling cùng vợ và con trai - Ảnh: NVCC

Đó là học viên Jared Kyle Koelling (35 tuổi, người Mỹ) và Ngụy Cấn Viên (26 tuổi, người Trung Quốc). Cả hai đều bảo vệ thành công luận văn đợt tháng 6-2016 và trước hạn bốn tháng. Tiếc là trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, hai bạn đã về nước nên không thể tham dự.

“Từ địa phương không thể hiểu nổi”

Koelling tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point, và là kỹ sư cơ khí thuộc quân đội Mỹ. Hai năm trước, vào tháng 4-2014, Koelling được cử đi du học. Trong số những quốc gia không nói tiếng Anh, Koelling quyết định chọn Việt Nam.

Ngày vào khoa Việt Nam học, Koelling chỉ biết vài ba câu tiếng Việt. Anh học cấp tốc tiếng Việt trong hai tháng và đạt chuẩn B khiến ai cũng bất ngờ.

Còn Viên là giảng viên dạy tiếng Việt ở Trường ĐH Ngoại ngữ Tứ Xuyên. Chị nhận học bổng và “bén duyên” với khoa Việt Nam học từ đó.

Koelling và Viên đều kể về quá trình học tiếng Việt của mình gặp rất nhiều khó khăn. Từ những “từ địa phương không thể hiểu nổi” đến cách học cũng khác. Như Koelling chia sẻ: “Ngoài Bắc họ nói khác, vào Sài Gòn họ lại nói khác, rất khó hiểu. Rồi việc học ở Việt Nam lạ quá. Không như ở Mỹ, học sinh hỏi rất nhiều. Ở đây tôi thấy thầy cô giảng, học sinh chỉ ngồi viết”.

Hai năm vừa học tiếng Việt vừa tìm kiếm tài liệu, làm luận văn thạc sĩ tuy khá vất vả với Koelling và Viên, nhưng thật lạ là cả hai chưa một lần có ý nghĩ chán tiếng Việt.

“Trong lớp, Koelling là người hỏi nhiều nhất, hỏi liên tục. Koelling nghĩ mình cần phải hỏi, không chỉ hỏi cho bản thân mà còn để người khác hiểu. Người Việt Nam có câu: Không biết thì hỏi. Muốn giỏi phải học, đúng không?” - Koelling nói vui.

Ngụy Cấn Viên (trái) và chị gái đều học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: ĐỨC LỘC
Ngụy Cấn Viên (trái) và chị gái đều học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: ĐỨC LỘC

Sẽ nhớ nhà trọ đường Minh Khai, bún thịt nướng...

Với Viên, bí quyết để học tiếng Việt nhanh không gì bằng việc kết bạn và nói chuyện nhiều với những người Việt Nam. Viên nói: “Chính những lần nói chuyện với các bạn Việt Nam, Viên được các bạn sửa cho rất nhiều lỗi về phát âm và dùng từ”.

Vì nguồn học bổng chỉ có hai năm, nên Koelling và Viên phải chạy đua với thời gian. Viên chọn đề tài về tín ngưỡng thờ Quan Công, bởi đây là hiện tượng văn hóa giao thoa giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Còn Koelling chọn đề tài về dịch vụ khách hàng trong hoạt động du lịch tại TP.HCM - nơi mà anh gắn bó hai năm qua.

Kết quả ngoài mong đợi khi cả hai đều bảo vệ thành công trước hạn bốn tháng, với điểm loại xuất sắc.

Nhớ lại những ngày đi thực tế để làm luận văn, Viên chia sẻ: “Thời gian đó mệt lắm luôn. Mình chỉ muốn làm cho xong mà về nước”. Nhưng khi bảo vệ thành công, nhận được nhiều lời khen ngợi, Viên rất xúc động. Cô bạn thổ lộ: “Muốn được ở lại Việt Nam thêm thời gian nữa, bởi văn hóa Việt Nam còn nhiều điều Viên chưa khám phá hết...”.

Về nước, Koelling tiếp tục làm việc trong quân đội Mỹ, còn Viên sẽ giảng dạy tiếng Việt. Trong hành trình tương lai của mình, khoảng thời gian học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, sống tại Sài Gòn vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp khó mờ phai, như tâm sự của Viên: “Sẽ rất nhớ nhà trọ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhớ bún thịt nướng, nhớ xôi...”.

Riêng Koelling, anh mang một tâm tư khác: “Ngày Koelling sang Việt Nam, Koelling mang theo vợ và con trai 4 tuổi. Koelling thuê người giúp việc và yêu cầu họ phải nói chuyện với con trai bằng tiếng Việt. Con trai Koelling học và hát tiếng Việt hay lắm! Nhưng Koelling lo khi về Mỹ, làm việc trong môi trường tiếng Anh, bản thân Koelling và con trai sẽ quên mất tiếng Việt”.

Tấm gương về sự hiếu học

PGS.TS Lê Khắc Cường - trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận xét Koelling và Viên là hai học viên để lại nhiều tình cảm và sự mến phục cho những thầy cô tại khoa Việt Nam học.

Koelling khiến các thầy cô trong khoa bất ngờ, vì chỉ hơn hai tháng học cấp tốc đã đạt chứng chỉ B tiếng Việt (điều kiện cần để vào cao học). Không những thế, anh còn nói rất tốt và anh là học viên bảo vệ sớm bốn tháng, trong khi nhiều học viên Việt Nam còn chưa viết xong phần mở đầu luận văn.

Tại buổi bảo vệ, khi hội đồng sợ anh không hiểu được các câu hỏi phức tạp nên cho phép anh chọn câu trả lời, nhưng anh xin trả lời cả năm câu khiến ai cũng bất ngờ.

Còn với Viên, lúc sang Việt Nam tiếng Việt của cô cũng chưa thực sự tốt, nhưng sau hai năm học Viên đã tiến bộ rất nhiều, giờ đây tiếng Việt của cô rất chuẩn.

Koelling và Viên là tấm gương về sự hiếu học lẫn phương pháp học tập.

 

 

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp