17/06/2015 11:23 GMT+7

Người nông dân Việt Nam sẽ không còn thiệt thòi

Nguyễn Minh Thúy (28 tuổi)
Nguyễn Minh Thúy (28 tuổi)

TTO - Tôi mong ước 20 năm nữa, tiếng nói của người nông dân được cải thiện, cuộc sống của họ được nâng cao, sản phẩm họ làm ra có nơi tiêu thụ đảm bảo.

Nông dân Sa Đéc chăm sóc vườn hoa - Ảnh tư liệu

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Bố mẹ tôi đều là nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống thôn quê cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng khi trưởng thành, lên thành phố công tác, nhận thức chín chắn hơn, tôi mới thấy người nông dân sao thiệt thòi quá.

Như bố mẹ tôi quần quật trồng lúa, nuôi lợn cả năm, sinh hoạt tiết kiệm, tằn tiện, nhưng khi các con vào đại học vẫn phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền cho chúng tôi ăn học.

Những nông dân như bố mẹ tôi thường phải làm lụng cực nhọc suốt cả cuộc đời nhưng đến khi về già cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu, lại không có lương hưu nên nếu không được con cháu đỡ đần, cuộc sống sẽ vô cùng vất vả.

Thu nhập của người nông dân không chỉ phụ thuộc vào sự chăm chỉ, cần cù của họ, mà còn phụ thuộc vào thời tiết, nhu cầu lên xuống của thị trường và rất nhiều thứ khác nên khá bấp bênh. Năm mất mùa thì đói kém, thua lỗ là đương nhiên. Năm được mùa cũng chưa hẳn đã no cơm ấm áo.

Tôi mong ước 20 năm nữa, tiếng nói của người nông dân được cải thiện, cuộc sống của họ được nâng cao, sản phẩm họ làm ra có nơi tiêu thụ đảm bảo.

Để mỗi mùa vải đến, người nông dân Hải Dương không phải đem sản phẩm của mình bán với giá rẻ như cho.

Để người nông dân Nhật Tân không phải cầu cứu mọi người mua đào giúp những mong có tiền đón tết.

Để những người nông dân Tây nguyên trồng cà phê, trồng tiêu, trồng điều… không phải chịu cảnh cứ mỗi khi sản phẩm rớt giá lại phải chặt đi hàng ngàn hecta cây trồng mà chỉ cách đó vài năm bản thân họ còn nâng niu chăm chút.

Để những người trồng dưa, trồng mía, trồng thanh  long… không phải bật khóc ngay trên cánh đồng mùa thu hoạch vì sản phẩm không có ai mua.

Tôi mong 20 năm nữa, những người nông dân thật sự được bảo vệ bởi những hiệp hội riêng của họ; để khi nào họ bị thiệt thòi trong các vụ kiện tụng, tranh chấp sẽ có người đại diện đứng lên đấu tranh quyết liệt cho họ; để khi xuất hiện những thế lực quấy phá hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có tổ chức định hướng thông tin đúng đắn cho họ.

Tôi mong 20 năm nữa, người nông dân cũng được ăn ngon mặc đẹp, tận hưởng các tiện ích cuộc sống ngang bằng với các giai tầng khác trong xã hội; con cái họ cũng được hưởng mọi điều kiện vật chất, tinh thần giống với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố.

Tôi mong người nông dân 20 năm nữa sẽ có một chế độ bảo hiểm đặc biệt, để khi về già họ không phải nai lưng trên đồng ruộng làm quần quật mà vẫn chẳng đủ ăn.

Để ước mơ ấy trở thành hiện thực, theo tôi, cần phải thực hiện những điều này:

Thứ nhất: Cần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại, lấy đó làm tiền đề để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội tại các khu vực nông thôn.

Thứ hai: Cần nâng cao tri thức và kỹ năng làm giàu cho người nông dân. Đa số nông dân Việt Nam hiện nay có trình độ dân trí thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Họ hầu như là tầng lớp được tiếp cận với thông tin sau cùng .

Cần phải cải thiện khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng với các luồng thông tin cho người nông dân qua các lớp học, các khóa tập huấn tại chỗ; các phương tiện thông tin, truyền thông.

Vì ít thông tin, cuộc sống lại khó khăn nên người nông dân khá cả tin và dễ xiêu lòng trước các lợi ích về kinh tế, nên dễ bị mắc lừa những đối tượng xấu có ý đồ phá hoại nền nông nghiệp của chúng ta.

Việc nắm bắt được thông tin sẽ giúp họ nhận thức được các âm mưu đó để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Thứ ba: Nhà nước nên có chính sách cụ thể, sâu sát và cẩn trọng trong việc quy hoạch phát triển các mô hình kinh tế cho người nông dân một cách bền vững.

Mỗi khi một mô hình sản xuất nông nghiệp được ra đời phải được các ngành liên quan tính toán kỹ lưỡng, khoanh vùng đối tượng sản xuất, quy hoạch số lượng sản phẩm, để làm sao đảm bảo đầu ra và giá thành cho người nông dân.

Không để xảy ra tình trạng cứ một mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, các ngành, các cấp lại khuyến khích nông dân nuôi trồng tràn lan, rồi khi sản phẩm làm ra không bán được, người nông dân lại phải tự xoay xở với khó khăn của mình.

Thứ tư: Nên có chính sách trợ giá cho nông dân. Đòi hỏi giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn ổn định từ năm này qua năm khác là điều gần như không thể.

Nhà nước phải có chính sách bao tiêu, trợ giá sản phẩm cho nông dân khi cần thiết, tránh tình trạng người nông dân vì thua lỗ mà liên tục chuyển đổi các mô hình sản xuất, gây nhiều hệ lụy xấu.

Thứ năm: Nên có nhiều hơn các chế độ phúc lợi cho người nông dân, ví dụ một chế độ nộp bảo hiểm với mức thấp hơn so với mặt bằng của xã hội.

Bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, có một bộ phận công chức không hề nhỏ hầu như chẳng làm gì ngoài việc lên cơ quan uống trà mỗi ngày, nhưng vẫn đều đặn nhận lương, nộp bảo hiểm mỗi tháng, khi về già sẽ có lương hưu.

Trong khi đó, những người nông dân làm việc quần quật cả đời, khi về già họ phải tự xoay xở cuộc sống của mình mà hầu như không được hưởng các chế độ an sinh.

Thứ sáu: Nên quy định rõ ràng, chặt chẽ về các chương trình xã hội hóa tại nông thôn. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều phong trào xây dựng nông thôn ủng hộ việc xã hội hóa một cách tràn lan, dễ dãi. Điều đó để lại hậu quả là: Chủ trương xã hội hóa đôi khi là một cái cớ để chính quyền địa phương lạm thu. Người nông dân thu nhập đã thấp lại phải còng lưng đóng thêm những khoản tiền mà họ gần như bị ép buộc.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

Nguyễn Minh Thúy (28 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp