Và hiện nay không ít người tiêu dùng vẫn đang nhầm lẫn giữa chất lượng hàng hóa với độ "hot" của người bán hàng.
Vụ việc kho hàng của TikToker Mailystyle chuyên livestream bán hàng đạt ngàn đơn bị cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện phần lớn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ là một điển hình.
Bán hàng không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật
Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) giải thích căn cứ để xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa thể hiện trên bao bì, tài liệu kèm theo; chứng từ chứng nhận xuất xứ, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ.
Mức phạt tiền được áp dụng tính theo giá trị hàng hóa vi phạm, dao động từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Luật sư lưu ý mức phạt tiền này chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Ngoài bị phạt tiền, người bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật.
Đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, người bán hàng thậm chí có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "lừa dối khách hàng" hoặc "tội sản xuất, buôn bán hàng giả".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người mua hàng có quyền được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mà mình mua và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm mình mua không đúng như thông tin mà người bán hàng đã cung cấp.
Người tiêu dùng thông minh không chỉ tin vào lời quảng cáo
"Người tiêu dùng nên sử dụng hàng hóa có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Trước khi mua bất cứ hàng hóa nào, người mua nên kiểm tra thật kỹ về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa đó bằng nhiều hình thức khác nhau như tìm hiểu thông tin trên Google, hỏi người thân...; tránh trường hợp chỉ nghe những lời nói, lời quảng cáo của những người bán hàng trên nền tảng mạng xã hội trực tuyến", luật sư Cường chia sẻ.
Theo các luật sư, trong trường hợp phát hiện mua nhầm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán và yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền hoặc bồi thường.
Đồng thời cần phản ảnh ngay đến cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan có thẩm quyền khác để đề nghị xử lý theo quy định pháp luật. Cần tránh trường hợp cứ để cho hành vi vi phạm tiếp diễn trong một thời gian dài, phạm vi rộng, gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Phần lớn sản phẩm không có chứng từ
Mailystyle là tài khoản có 1,1 triệu lượt theo dõi trên TikTok và 520.000 người theo dõi trên Facebook, đăng công khai tài khoản ngân hàng Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng.
Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng này là một biệt thự ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) vào chiều 25-12-2023 thì có hơn 50 nhân viên có mặt tại các tầng đang đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream trước đó.
Bước đầu kiểm tra ghi nhận đa số các hàng hóa tại kho là các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ở thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt, còn quản lý kho hàng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận