
Hình ảnh diễn viên Doãn Quốc Đam quảng cáo sữa giả được chia sẻ trên mạng xã hội
Trong việc một số người nổi tiếng đang bị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật, có ý kiến thắc mắc: sản phẩm quảng cáo phải đảm bảo các tiêu chí nào? Nếu quảng cáo về những sản phẩm chất lượng kém thì có bị chế tài không?...
Quảng cáo thuốc có giấy phép lưu hành, quảng cáo sữa có giấy chứng nhận tiêu chuẩn
Luật Quảng cáo 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định rất rõ về một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Đó là cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại… của sản phẩm, hàng hóa đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Luật này cũng đồng thời quy định nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.
Trong việc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, luật này đề ra nhiều điều kiện chặt chẽ.
Đơn cử, quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế thì phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.
Hay như quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo thì phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước.
Trường hợp là sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành...
Những người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật từng hoặc đang bị dư luận réo tên chính là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Người quảng cáo sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng, công dụng sản phẩm
Riêng đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà trên thực tế thường là những nghệ sĩ, người nổi tiếng… hay những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội có thể gây tác động lớn đến xã hội thì luật hiện hành lại không quy định quyền và nghĩa vụ của họ.
Hiện tại, theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật (quyết định 3196/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ca sĩ, diễn viên… chỉ khuyến nghị:
"Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường".
Sắp tới, người nổi tiếng có thể phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo.
Thay cho việc chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như hiện tại, dự thảo lần 2 (năm 2024), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo) quy định thêm quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Theo dự luật này, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các quyền và nghĩa vụ như sau: kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo.
Chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo…
Cũng theo dự luật, người có ảnh hưởng (là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ) khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận