Nhiệt độ vùng mũi giảm xuống khi chúng ta nói dối. Ảnh: University of Granada
Hình tượng cậu bé người gỗ Pinocchio của nhà văn CarloCollodi khá quen thuộc với bao thế hệ nhờ câu chuyện mang tính giáo dục về lòng trung thực: Mũi của Pinocchio sẽ dài ra khi cậu nói dối và co lại khi nói thật.
Bấy lâu nay chúng ta luôn tin rằng điều đó chỉ là tưởng tượng, nhưng các nhà khoa học thuộc trường Đại học Granada (Tây Ban Nha) vừa chỉ ra rằng hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra trong đời sống thực. Chỉ có điều ngược lại rằng mũi chúng ta sẽ co lại khi nói dối chứ không dài ra như cậu bé người gỗ.
Để thực hiện nghiên cứu "hiệu ứng Pinocchio", các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm phát hiện nói dối và theo dõi nhiệt độ mũi của người tham gia. Kết quả chính xác lên tới 80%.
Khi một người nói dối, nhiệt độ của đầu mũi giảm 1,2 độ C, trong khi trán lại nóng tăng thêm 1,5 độ C. Sự khác biệt về nhiệt độ giữa hai vùng da mặt càng lớn, người đó càng có nhiều khả năng nói dối.
Đây là phản ứng của não bộ khi chúng ta nói dối, cũng như khi lo lắng sẽ bị phát hiện.
"Người ta phải suy nghĩ để nói dối khiến nhiệt độ của trán tăng lên. Đồng thời chúng ta cảm thấy lo lắng, nhiệt độ của mũi sẽ giảm", tiến sĩ Emilio Gómez Milán, tác giả chính nghiên cứu này cho biết.
Nhiệt độ mũi giảm khiến bề mặt mũi co lại, mặc dù điều này khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Theo tiến sĩ Emilio Gómez Milán, thử nghiệm này có thể là "máy phát hiện nói dối đáng tin cậy nhất thế giới", chính xác hơn 10% so với thử nghiệm về các phương pháp phát hiện nói dối trước đó. Phương pháp này sẽ loại bỏ được những trường hợp có khả năng đặc biệt chống lại máy phát hiện nói dối như điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, nhịp thở.
Tiến sĩ Gómez Milán cho biết trong tương lai những cảnh sát làm ở phòng thẩm vấn có thể kết hợp phương pháp này để phát hiện tội phạm nói dối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận