Phóng to |
Mong ước lớn nhất của Mạnh Hoàng là sẽ có những sân chơi chuyên nghiệp dành cho những người trẻ trót mê âm thanh để có thể học hỏi và chia sẻ cùng nhau - Ảnh nhân vật cung cấp |
Được biết đến như một sound designer (thiết kế âm thanh) trẻ tuổi, năng nổ trong làng phim mới chừng hai năm nay, nhưng duyên nợ với âm thanh đã đeo bám Trần Mạnh Hoàng suốt sáu năm qua. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường nói đùa: đi chung với Hoàng đừng bao giờ “lỡ mồm” vì chàng lúc nào cũng mang máy ghi âm kè kè trong người. Hoàng cười phân trần: “Cũng đôi khi thôi, nhưng chủ yếu tôi thường ghi lại những âm thanh đời thường bằng trí nhớ của mình. Đối với tôi, âm thanh là cả cuộc sống, ngoài nó ra tôi chẳng có bất kỳ sở thích hay tài cán nào khác”.
“Nghiệp” âm thanh
Thời gian mới làm quen với cây guitar điện, Hoàng thường nhốt mình trong phòng 14-16 tiếng/ngày để tỉ mẩn học chơi hết các ngón nghề. Gia đình bắt đầu lo lắng về Hoàng khi anh dần trở nên... tự kỷ: râu tóc không thèm cắt, không thèm bước chân ra khỏi nhà, chỉ một mình một đàn, một ý nghĩ “dở người”: sẽ sống chết cùng âm nhạc. Và đó cũng là những bước đi đầu tiên đưa Hoàng đến cái “nghiệp” cùng âm thanh! Một câu hỏi luôn thường trực trong chàng trai 24 tuổi này là làm thế nào để có được những âm thanh sống động nhất? Sẽ là lên “kho âm thanh” có sẵn trên mạng và tải về? “Cả ngàn phim đã làm như thế và chính sự lặp lại ấy làm cho người làm âm thanh lười vận động tư duy” - Hoàng nói. Hay là chịu khó thu âm trực tiếp từ phim trường? “Dĩ nhiên, nhưng chẳng thể thu tất cả âm thanh thực vào phim được”, và Hoàng đã chọn cách làm ra âm thanh một cách đầy sáng tạo!
Những chiếc lò xo cũ, một tấm tôn bỏ đi, vài bịch nước lủng, một chiếc kềm lỏng ốc vít... những thứ tưởng chừng phế thải đó với chàng trai trẻ lại là những công cụ hữu hiệu để tạo nên âm thanh mới lạ. Ví như tiếng máy bay trực thăng được “ra lò” từ sự kết hợp của tiếng cối xay tiêu và tiếng cánh quạt.
Đến studio dã chiến của Hoàng tại quận 2 sau một đêm “oanh tạc” làm hậu kỳ âm thanh thấy một góc phòng lỏng chỏng chén, bát, muỗng, phao cứu sinh, điện thoại đồ chơi... Hoàng giải thích: “Mình vừa làm tiếng cho một phim trong dự án giao thông. Vừa phải đeo phao vừa nhảy nhót để thu tiếng, mệt nhưng vui nên quên hết”. Nghĩa là, trong một chừng mực mà kinh phí và điều kiện còn hạn hẹp, định nghĩa về âm thanh đối với Hoàng là sự sáng tạo từ đôi tay, từ khối óc và từ niềm say mê tìm tòi của một người trẻ đối với một nghề còn mới mẻ với chính mình.
Đi dọc đường và... nhặt!
Câu chuyện bắt đầu vào dịp Hoàng cùng đoàn làm phim Đó hay đây của đạo diễn Việt kiều Síu Phạm về Hội An thực hiện thu tiếng tại hiện trường, một giọng hát lạ tai của một cụ già 85 tuổi đã “kéo” hẳn Mạnh Hoàng về phía ấy. “Bài hát có nhiều câu chữ cổ rất lạ mà tôi chưa từng nghe qua, như một quán tính tôi thu âm ngay lại và khi về cứ nghĩ mãi một chuyện: liệu những bà cụ như cụ bà kia còn có thể sống được bao lâu để tiếp tục mang những câu hát cổ chưa rõ nguồn gốc ấy đến cho thế hệ sau? Và cả những nhạc cụ dân tộc, nhất là những loại nhạc cụ không còn phổ biến nữa, nếu những người tâm huyết với chúng không còn, làm sao âm thanh ấy có thể đến tai những người trẻ?”. Thế là Hoàng quyết định lập ra một dự án để “nhặt” âm thanh suốt chiều dài đất nước.
Nhưng trước khi bắt đầu với một hành trình dài, Hoàng và những cộng sự trẻ tuổi của mình sẽ vào guồng ngay với một dự án thiết kế âm thanh cho một bộ phim hoạt hình dài... năm phút! Anh cười: “Thật ra mọi người vẫn luôn nghĩ làm âm thanh cho phim chỉ là làm tiếng động và lồng tiếng nhưng không phải. Người làm âm thanh phải là người nắm rõ mọi ngóc ngách và diễn biến tâm lý của cả bộ phim, để từ đó có những thiết kế âm thanh chuẩn xác với mỗi bối cảnh. Trên thế giới đội ngũ này có thể lên đến vài chục người chỉ cho một bộ phim. Ngay cả khâu lồng tiếng cho các nhân vật hay tạo ra những âm thanh trong phim hoạt hình cũng rất phức tạp, nếu muốn có một sản phẩm ưng ý”.
Dự án xuyên Việt vẫn chưa bắt đầu. Không có kinh phí trong tay, đội ngũ thực hiện phần lớn đều là những người trẻ vẫn đang trong thời gian lên kế hoạch và... dành dụm tiền. Hoàng thật thà nói: “Mình không dám chia sẻ cho nhiều người biết vì sợ mọi người nghĩ nói mà không làm được. Ai cũng rất “sung” cho dự án này và tự hứa chậm lắm đến đầu năm sau là phải... lên đường! Tụi mình muốn nhặt nhạnh được càng nhiều thanh âm lạ càng tốt, biết đâu những thanh âm quyến rũ ấy sẽ có ích cho ai đó muốn đào sâu và tìm hiểu về chúng”.
Công việc đòi hỏi cả công sức, vốn liếng lẫn nhiệt huyết, đam mê, có lẽ vì vậy mà suốt khoảng thời gian qua, anh chàng “cày” không mệt mỏi với vô vàn công việc không tên. Hoàng nói anh không nghĩ mình đang làm điều gì đó quá đặc biệt bởi trên thế giới điều này đã rất quen thuộc, anh chỉ làm như một cách thực tập kỹ năng của chính mình và vui vì suy nghĩ: mình luôn có một cái gì đó để đeo đuổi và chờ đợi...
Trong ba ngày tham gia lớp học về âm thanh cùng bậc thầy David Sonnenschein (đến từ Mỹ, tác giả tập sách Sound design, tựa tiếng Việt Gọi tiếng cho hình) vào cuối tháng 10 vừa qua tại TP.HCM, bộ phim Tình anh bán chuối (một trong những bộ phim thuộc Dự án giao thông 89600km+) do Mạnh Hoàng thực hiện với những âm thanh sống động đã được chọn trình chiếu trong khóa học và nhận được nhiều lời “có cánh” từ thầy David. Khởi đầu bằng những dự án làm âm thanh cho các bộ phim ngắn, phim tốt nghiệp của các đạo diễn trẻ, Mạnh Hoàng đã hoàn thành hai dự án làm âm thanh cho phim điện ảnh, gồm bộ phim Tâm hồn mẹ của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và phim Đó hay đây (dài 97 phút) của đạo diễn, họa sĩ, nhà phê bình điện ảnh Síu Phạm đến từ Thụy Sĩ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận