06/10/2022 15:23 GMT+7

Người Nhật lo ngại vì tên lửa Triều Tiên, hoài nghi cách cảnh báo của chính quyền

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính phủ Nhật Bản dùng tin nhắn điện thoại, loa và nhiều cách khác nhau để cảnh báo hiểm họa phóng tên lửa từ Triều Tiên, nhưng hiệu quả của công tác thông tin này bị đặt dấu hỏi.

Người Nhật lo ngại vì tên lửa Triều Tiên, hoài nghi cách cảnh báo của chính quyền - Ảnh 1.

Màn hình đăng tải cảnh báo tên lửa Triều Tiên tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 4-10 - Ảnh: REUTERS

Ngày 6-10, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn bay về bờ biển theo hướng Nhật Bản. Các đợt thử tên lửa này khiến người Nhật hết sức lo lắng.

Như thường lệ, Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng dùng nhiều công cụ thông tin khác nhau để cảnh báo người dân.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Bloomberg, vấn đề nằm ở chỗ tính tới thời điểm người dân Nhật nhận được cảnh báo, quả tên lửa của Triều Tiên đã xuống tới một khu vực ở Thái Bình Dương, tức người dân chỉ kịp phản ứng khi tên lửa đã đi hết hành trình hơn 3.000km.

Hãng tin này lấy ví dụ dòng thông báo đầu tiên về việc phóng tên lửa xuất hiện lúc 7h27 sáng, trong khi việc phóng đã thực hiện trước đó khoảng 5 phút. Khoảng 2 phút sau thông báo, đài truyền hình ở Nhật bắt đầu kêu gọi người dân lập tức tìm chỗ trú, với nội dung: "Một tên lửa đã được phóng đi, một tên lửa đã được phóng đi".

Nói cách khác, làm thế nào người dân Nhật Bản có thể tin rằng họ an toàn khi chỉ có vài giây để phản ứng trước mối đe dọa nêu trên, một khi Triều Tiên thực sự tấn công? Chưa kể, ở các vùng nông thôn, hầu hết nhà dân làm bằng gỗ và không có hầm trú ẩn.

Dữ liệu chính phủ cho thấy Nhật có hơn 94.000 cơ sở sơ tán trên toàn quốc, nhưng chỉ 1,4% có hầm trú ẩn.

Người Nhật lo ngại vì tên lửa Triều Tiên, hoài nghi cách cảnh báo của chính quyền - Ảnh 2.

Màn hình cảnh báo tên lửa (gọi là J-Alert) ở khu Shimbashi (Tokyo, Nhật Bản) ngày 4-10 - Ảnh: Kyodo News

Ngày 6-10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố việc Triều Tiên sáu lần phóng tên lửa trong thời gian ngắn, chỉ tính từ cuối tháng 9, là điều "không thể dung thứ".

Sự lo lắng đã theo sát người dân Nhật ít nhất từ năm 2017, khi Triều Tiên bắt đầu phóng thử tên lửa bay ngang lãnh thổ Nhật. Việc các sự kiện này lặp đi lặp lại, một mặt khiến Chính phủ Nhật lo âu, mặt khác cũng là nguyên cớ phù hợp cho một chính sách quốc phòng chủ động hơn.

Trong thực tế, song song với việc tăng ngân sách kỷ lục cho việc phòng thủ tên lửa, một số thành viên Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền cũng tìm cách tăng cường năng lực tấn công phủ đầu đối phương, thay vì phòng ngự bị động.

Câu chuyện này chạm tới vấn đề cốt lõi trong chính sách quốc tế hòa bình của người Nhật. Giáo sư Kyoko Hatakeyama, chuyên gia về chính sách an ninh ở Đại học tỉnh Niigata, nhận định rằng Nhật Bản là quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng không thể tiếp tục đứng yên và không làm gì.

Ông nói: "Và nếu nói rằng phòng thủ tên lửa là không đủ, chúng tôi sẽ phải tính tới năng lực tấn công các cơ sở của đối phương".

Một số chuyên gia khác, ví dụ James Brady, phó chủ tịch đội cố vấn rủi ro chính trị tại công ty tư vấn Teneo, viết rằng sự lo ngại của dân chúng Nhật vô tình có thể hữu ích cho đảng cầm quyền trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, đặc biệt với những người theo khuynh hướng "diều hâu".

Triều Tiên lại phóng tên lửa có Triều Tiên lại phóng tên lửa có 'quỹ đạo bất thường', Nhật tuyên bố 'không thể dung thứ'

TTO - Ngày 6-10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố việc Triều Tiên sáu lần phóng tên lửa trong thời gian ngắn, chỉ tính từ cuối tháng 9, là điều "không thể dung thứ".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp