31/10/2014 10:00 GMT+7

​Người Nhật làm liên hoan phim

CÁT KHUÊ (từ Roppongi Hills, Tokyo)
CÁT KHUÊ (từ Roppongi Hills, Tokyo)

TT - Diễn ra trong tám ngày (từ 23 đến 31-10), Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) - một trong những liên hoan phim lớn của châu Á - đã để lại những ấn tượng thật đẹp.

Đoàn làm phim Parasyte (Nhật Bản - phim bế mạc TIFF 2014) trong buổi họp báo chiều 30-10, trước buổi chiếu ra mắt toàn cầu của phim - Ảnh: C.K.
Đoàn làm phim Parasyte (Nhật Bản - phim bế mạc TIFF 2014) trong buổi họp báo chiều 30-10, trước buổi chiếu ra mắt toàn cầu của phim - Ảnh: C.K.

Người Nhật đã dành nguyên hệ thống rạp chiếu, các không gian trong và ngoài của khu vực đồi Roppongi, Tokyo để phục vụ liên hoan phim với triển lãm, hội chợ phim và các không gian để những người làm phim và khán giả có thể trao đổi.

1. Toàn bộ hệ thống rạp chiếu của TOHO Cinema Roppongi Hills ngưng các hoạt động thông thường để chỉ chiếu các phim tham dự liên hoan phim. Khách mời và báo chí được xem miễn phí các suất chiếu nhưng khán giả phải mua vé xem phim, giá mỗi vé là 1.300 yen (gần 300.000 đồng - mỗi người lại được phát một phiếu chấm điểm cho phim từ mức rất hay đến kém, chấm điểm bằng cách xé vào đúng phần ghi mức độ có sẵn trên phiếu).

Nhưng gần như suất chiếu nào cũng kín chỗ dù mỗi phim chiếu ít nhất ba buổi. Sau các buổi chiếu phim, phần Q&A (hỏi và đáp) với các nhà làm phim diễn ra khá thú vị. Khán giả Nhật cực kỳ kỷ luật.

Vào đúng giờ, ngồi đúng chỗ, im lặng suốt buổi chiếu, khi dòng chữ générique (thông tin các thành phần tham gia bộ phim) chạy chầm chậm, họ vẫn ngồi im lặng và chỉ vỗ tay khi chữ đã chạy hết, ánh sáng phòng chiếu lúc đó mới từ từ mở hết lên.

2. Tham dự buổi chiếu The lesson (phim Bulgaria gửi đi tranh giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất năm nay) có đạo diễn Petar Valchanov và diễn viên nữ chính Margita Gosheva. Khán giả Nhật - không chỉ có giới trẻ mà còn có cả các viên chức - đã rất nồng nhiệt đặt câu hỏi với họ.

Tương tự, buổi chiếu thứ ba, cũng là buổi chiếu cuối cùng của Pale moon (đạo diễn Daihachi Yoshida - một trong những niềm tự hào của điện ảnh Nhật, từng được đề cử giải Camera vàng ở Cannes 2007 với Funuke show some love, you losers!) cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ khán giả có mặt với bộ phim đầy xúc cảm về một xã hội Nhật thời phụ nữ bắt đầu được rời vị trí bà nội trợ để được đi làm công sở.

Cùng đặt phụ nữ là trung tâm câu chuyện để đối mặt với đàn ông, xa hơn là xã hội, điểm chung nhất của Pale moon và The lesson là sự hi sinh đầy tính nữ. Và điểm khác nhau lớn nhất là nếu The lesson được quay đa số bằng máy cầm tay, khuôn hình tự nhiên đời thường như cách quay tài liệu thì Pale moon lại được làm cực kỳ cẩn trọng, quay rất đẹp, kỹ lưỡng cho một phim chiếu rạp hoàn chỉnh.

Đấy có lẽ là cách mà TIFF muốn hướng đến, thể nghiệm - chuyên nghiệp đều có chỗ ở đây miễn đó là những phim hay.

3. Các khách mời liên hoan phim cũng được mời tham dự một buổi trình diễn đặc biệt dành riêng cho TIFF 2014 tại nhà hát Kabukiza với sự có mặt của đại sứ TIFF 2014 Miki Nakatani.

Các khách mời đã phải đến trước buổi diễn một giờ để ổn định chỗ ngồi, đồng thời các nhà báo cũng phải ký vào một tài liệu để xác nhận sự tham dự đưa tin của mình ở mức độ nào, ngồi chỗ nào thì được chụp hình, quay phim và phải đảm bảo cả việc máy chụp hình của mình có phát ra tiếng động hay không...

Buổi trình diễn chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút - một buổi diễn tuyệt đẹp cộng hưởng bởi ánh sáng, âm nhạc, không gian, trang phục và sự trình diễn. Người nghệ sĩ và bộ môn nghệ thuật của họ được thăng hoa trong một môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng để không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến họ.

Một không gian điện ảnh ở một nơi mà khán giả đến để bày tỏ tình yêu điện ảnh, các nhà làm phim giao lưu với nhau, với truyền thông, với khán giả. TIFF 2014 đã làm được điều đó khá trọn vẹn, như cách người Nhật vẫn cẩn trọng, chu toàn với công việc mà họ thực hiện, có lẽ vậy chăng?

“Chúng tôi muốn chào đón phim Việt ở TIFF”

Trả lời phỏng vấn của PV Tuổi Trẻ, ông Yasushi Shiina - giám đốc TIFF - cho biết: “Để tổ chức một liên hoan phim quốc tế, chúng tôi vận động sự tham gia của nhiều thành phần ở cả tư nhân và chính phủ, các quỹ hỗ trợ, công ty kinh doanh phim ảnh và cả các liên hoan phim khác tổ chức tại Nhật.

Bên cạnh TIFF, hoạt động TIFFCOM của chúng tôi cũng đã tạo ra một chợ phim với liên kết tốt để các nhà sản xuất phim có cơ hội tiếp cận những nhà phát hành phim đến từ khắp nơi trên thế giới (BHD đã đem đến TIFFCOM đoạn giới thiệu phim Quyên để chào hàng ở đây năm nay - PV).

Chúng tôi cũng đánh giá cao các phản hồi từ các nhà báo quốc tế, các nhà phát hành phim nước ngoài, nó đặc biệt quan trọng với các nhà làm phim Nhật vì sẽ giúp họ nâng cao nhận thức và quan điểm quốc tế.

Ở TIFF, chúng tôi coi trọng cả phim thương mại và phim nghệ thuật. TIFF năm nay, riêng khu vực châu Á, chúng tôi đã nhận được 431 phim đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có ba phim VN, thật tiếc là lựa chọn cuối cùng đã không có phim VN.

Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng các nhà làm phim Việt sẽ tiếp tục gửi phim đến. Chúng tôi cũng đang tổng hợp thông tin về điện ảnh VN để hi vọng sẽ có thể có phim Việt ở TIFF những năm sau.

Chính vì thế chúng tôi rất muốn thông qua truyền thông VN gửi lời mời khuyến khích các nhà làm phim VN gửi phim của họ cho chúng tôi hằng năm”.

CÁT KHUÊ (từ Roppongi Hills, Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp