Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng các doanh nghiệp cần khai thác "mỏ vàng" trong nước - Ảnh: NGỌC AN
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nói như vậy tại Hội thảo CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức sáng 28-11.
Theo ông Khanh, "mỏ vàng" trong nước ở đây là thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang "nhòm ngó".
Ông Khanh dẫn chứng, xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng vẫn cháy hàng ở thị trường Việt Nam. Trong khi nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu.
"Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận. Trong khi đó, Việt Nam lại đi nhập các mặt hàng mà mình mang đi xuất khẩu.
Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần đấu tranh giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Chúng ta ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được", ông Khanh nói.
Cùng với việc khai thác tiềm năng từ thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội của CPTPP.
"Có hiện tượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam, đến Nghệ An trồng gừng, nuôi gà, trồng rau, rồi họ xuất khẩu sang Nhật Bản", ông Khanh nói.
Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh t,ế cho rằng Việt Nam sẽ tận dụng được 80% cơ hội trong CPTPP, trong đó lợi ích nhất là cải cách thể chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ hạn chế hàng Trung Quốc, ông Sang cho rằng doanh nghiệp Mỹ sẽ không quay về Mỹ mà quay sang các nước lân cận và Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng để tận dụng được cơ hội từ CPTPP cần phải nắm được các quy định có liên quan và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó.
Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn chất lượng, phải đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa.
Ông Thành dẫn chứng ngành thủy sản là ví dụ điển hình khi câu chuyện "thẻ vàng" là bài học lớn để doanh nghiệp cần phải lưu ý.
Bởi không chỉ đảm bảo sản phẩm sạch mà là quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển và yêu cầu về môi trường.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng thách thức lớn nhất đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tính chủ động rất hạn chế. Nguyên nhân là do khách hàng tự tìm đến đặt hàng, nên doanh nghiệp ít chủ động tiếp cận với thị trường.
"Dẫn tới doanh nghiệp thiếu tầm nhìn là chúng ta sẽ tận dụng được cái gì, đạt được cái gì sau khi hiệp định được thực thi. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, cho việc tiếp cận thị trường và hưởng lợi thế. Xây dựng chiến lược định vị được mình đang ở đâu, thiếu cái gì" - bà Xuân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận