06/11/2013 13:14 GMT+7

Người Nhật đạp xe để tiết kiệm

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Người Nhật tự hào khoe sự hiện đại, năng động của quốc gia họ không chỉ thể hiện qua biểu tượng shinkansen (tàu cao tốc) mà còn bằng thói quen rất giản dị, cực kỳ phổ biến: đi xe đạp!

KLhv5ylY.jpgPhóng to

Đến những thành phố như Osaka, Kyoto... dường như nhìn đâu cũng thấy xe đạp. Những bãi đỗ xe đạp cả trăm chiếc mọc ngay ở góc phố, các dãy xe đạp dựng trước siêu thị nhỏ, quán ăn, trụ sở công ty và cửa nhà.

Hơn nửa dân số đạp xe

Theo thống kê từ BicycleFact, hiện thế giới có khoảng 1 tỉ chiếc xe đạp và riêng ở Nhật có 72 triệu chiếc, đứng hàng thứ ba thế giới sau Trung Quốc (450 triệu chiếc) và Mỹ (100 triệu chiếc), bình quân 56,9% dân số Nhật dùng xe đạp.

Trên phố xá, người chạy xe trên lối vỉa hè dùng chung cho người đi bộ có đủ độ tuổi, nam phụ lão ấu, nhân viên công sở mặc comlê, thắt cà vạt chỉnh tề đạp xe đến sở làm.

Xe đạp cũng là phương tiện cho du khách thuê rất phổ biến tại nhiều địa phương phát triển du lịch. Điểm thuê thường thấy ở các ga tàu điện với thủ tục rất nhanh gọn, giá phải chăng: từ 100 yen (22.000 đồng)/giờ hoặc 1.000 yen (220.000 đồng)/ngày.

Những ngày ở Nhật quan sát thói quen đi xe đạp của người dân bản xứ, tôi thấy phổ biến nhất là những bà mẹ di chuyển trên chiếc xe đạp “mamachari” - tức loại xe dành cho các bà mẹ, có giỏ to và giá đựng được nhiều đồ trước cổ xe, yên sau xe và thêm chiếc ghế nhựa dành cho trẻ con ngồi lên nơi khung sườn xe.

Có lẽ “mamachari” là phần biểu hiện cụ thể cho nếp văn hóa gia đình Nhật Bản (dù hiện cũng đã mai một khá nhiều): chồng đi làm kiếm tiền, còn vợ đảm đương tất cả việc nhà. Chiếc “mamachari” là phương tiện đắc lực giúp các bà mẹ Nhật mang con theo dễ dàng khi đi chợ, mua sắm...

K5zvFoUv.jpg
Một bà mẹ địu con di chuyển trên xe đạp ở Osaka - Ảnh: TR.N.

Đạp xe kiểu gì cũng lợi

Ở xứ sở mà sự tiện lợi cho cuộc sống, sinh hoạt thường ngày được đặt lên hàng đầu như Nhật, không lạ khi xe đạp lên ngôi dù hệ thống giao thông công cộng đã hoàn hảo từ lâu. Anh B. Yutaka - kỹ sư sống ở quận Higashisumiyoshi, TP Osaka - cho biết: “Thời sinh viên tôi đi xe máy phân khối lớn đến trường, còn đến khi đi làm tôi sắm xe hơi riêng. Dù vậy, tôi vẫn rất thích dùng xe đạp để đi siêu thị mua đồ ăn vì sự tiện lợi”.

Tương tự, anh Yasutaka Sakura - cựu sinh viên ĐH Kansai, sinh sống tại cố đô Kyoto - chia sẻ: “Xe đạp là phương tiện lý tưởng nhất để chúng tôi di chuyển trong những cự ly gần, né ùn tắc giao thông hoặc tàu điện giờ cao điểm chật chội”. Theo anh, xe đạp với người Nhật còn thể hiện nếp sống tiết kiệm ở một cường quốc kinh tế. “Đi xe đạp đương nhiên ít tốn kém chi phí hơn xe hơi, đặc biệt là tiền xăng đắt đỏ. Các nhân viên công sở hằng ngày có thói quen đạp xe từ nhà đến nhà ga rồi đi tiếp chặng tàu điện đến công ty. Phí gửi xe tại ga khoảng 3.000 yen/tháng, rẻ hơn so với vé tháng xe buýt”.

Những người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Nhật cũng không khó bắt nhịp với cuộc sống cùng xe đạp. Hà Trần, một phụ nữ VN sống ở TP Osaka từ một thập niên qua, kể với Tuổi Trẻ: “Mỗi cuối tuần tôi thường đạp xe vòng vòng những con đường nhỏ gần nhà để thư giãn sau một tuần làm việc cật lực. Tôi đạp xe đi mua hoa, ghé quán ăn quen thuộc để dùng bữa trưa cuối tuần...”.

Còn cô Yukimi Nga, sang Nhật từ năm 2010 và hiện là sinh viên ngoại thương Trường dạy nghề Ehle Gakuin, có cảm nhận cũng rất thú vị: “Sang Nhật thấy người bản xứ chạy xe đạp rất nhiều, khiến tôi ngay lập tức nhớ về những năm tháng tuổi thơ ở quê hương mình và tôi mua một chiếc xe đạp nhỏ để đi học lẫn đi làm thêm. Có đạp xe mới biết người Nhật thích đi xe đạp vì họ tận hưởng và muốn bảo vệ không khí, môi trường trong lành, tiết kiệm nhiên liệu và để rèn luyện sức khỏe nữa”.

Đạp xe vi phạm cũng bị phạt

Ở Nhật, việc đi xe đạp có vài điều khác với các nước khác, như không có quy định buộc phải đội mũ bảo hiểm (trừ trẻ em dưới 13 tuổi) vì đạp xe ở đây được xem là khá an toàn. Cô Hà Trần giải thích: “Xe đạp được phép chạy trên vỉa hè chung lối đi với người đi bộ, phải nhường người đi bộ nên chỉ chạy tốc độ chậm. Nếu có người đi bộ đằng trước, họ chạy chậm lại chứ không nhấn chuông giành đường”.

Dù vậy, vấn đề làm đau đầu nhà chức trách là người chạy xe đạp ngày càng có xu hướng... vượt đèn đỏ và nghe điện thoại di động. Năm 2010, có 658 người Nhật thiệt mạng trong các tai nạn liên quan đến xe đạp. Các luật định mức phạt liên quan xe đạp vì thế được đưa ra khá khắt khe: vừa đạp xe vừa dùng điện thoại: 3 tháng tù và phạt 50.000 yen; đạp xe khi nhậu say: 5 năm tù và phạt 1 triệu yen...

Anh Yasutaka Sakura cho biết ngay việc đậu xe đạp bừa bãi cũng sẽ bị tạm giữ xe và phạt tiền. Theo Japan Guide, trộm cắp xe đạp không phải là hiếm bởi nhiều người vẫn vô tư để xe ngoài cửa nhà hoặc ở nhà ga mà không khóa cẩn thận. Vì vậy mỗi khi mua mới hoặc sang lại xe cũ, người mua đều được khuyên đăng ký với cảnh sát địa phương.

Bảo tàng xe đạp

Người Nhật yêu xe đạp đến nỗi ở Daisen Nakamachi, TP Sakai có cả một bảo tàng độc đáo về xe đạp bởi Sakai là nơi đầu tiên ở Nhật sản xuất xe đạp hàng loạt kể từ khi xe đạp du nhập vào nước này những năm 1900. Du khách đến đây sẽ thêm yêu xe đạp khi xem phim về nguồn gốc lịch sử xe đạp thế giới (bắt đầu từ năm 1818 tại Đức) và chiêm ngưỡng những chiếc xe đạp quý hiếm, những phụ tùng xe lạ.

Theo Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), mỗi năm ngành công nghiệp sản xuất xe đạp Nhật xuất khẩu gần 3 triệu chiếc (số liệu năm 2012), trị giá gần 4 tỉ yen (VN nằm trong top 10 quốc gia nhập khẩu xe đạp Nhật nhiều nhất) và nhập khẩu 8,5 triệu chiếc.

__________

Mời xem Ký sự Nhật Bản - Tập 1: Xe đạp ở Nhật do PV Tuổi Trẻ thực hiện trên Truyền hình Tuổi Trẻ: tv.tuoitre.vn.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp