Như Tuổi Trẻ Online thông tin, năm 2023, lần đầu tiên TP.HCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh, thành. Tỉ lệ tăng dân số nhập cư chỉ còn 0,67%, tương đương với 65.000 người.
Theo nhiều bạn đọc, người nhập cư vào TP.HCM giảm cho thấy sự phát triển của các tỉnh, thành khác vì đã đầu tư nhiều cơ sở thu hút người lao động "bỏ phố về quê".
Và đây cũng là lúc để siêu đô thị 13 triệu dân đang chịu áp lực lớn về hạ tầng, giao thông... nhìn lại mình.
Người nhập cư có nhiều lựa chọn hơn
Ở quê nhà có nhiều việc làm, khu công nghiệp nay mở hàng loạt... là những lý do bạn đọc giải thích cho việc người nhập cư vào TP.HCM giảm.
Theo bạn đọc Mimi, Hưng và Huệ, các tỉnh hiện nay đã có nhiều khu công nghiệp. Người lao động có cơ hội việc làm nhiều hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Do đó, họ chọn ở gần nhà nhưng vẫn được làm cùng công việc như khi ở thành phố.
"Đó là một tín hiệu đáng mừng. Việc làm ở các tỉnh được phân bổ. Không ai muốn xa quê xa gia đình" - bạn đọc Lê Danh bày tỏ.
"Các tỉnh có thêm nhà máy, khu công nghiệp thu hút lao động địa phương thì tự dưng công nhân sẽ bỏ phố về lại quê nhà", độc giả Giang Hà nói thêm.
Và theo bạn đọc Phạm Dũng: "Giờ tỉnh nào cũng có khu công nghiệp nên người lao động chọn làm gần nhà là hợp lý, không phải tốn kém đi lại mỗi dịp Tết đến xuân về".
Bạn đọc Cát Dương phân tích về giáo dục, hiện các tỉnh thành khác đã có nhiều trường học, không nhất thiết phải đến TP.HCM. Về việc làm, các trung tâm công nghiệp đã mở trên cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng với nhiều tập đoàn lớn.
"Các tỉnh này thật sự đã "dọn tổ" rất tốt để đón "đại bàng". Như các tỉnh lân cận TP.HCM là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không thiếu việc làm về công nghiệp, dịch vụ... mà chi phí sinh hoạt lại dễ chịu hơn", một bạn đọc khác tiếp lời.
Cho rằng ở quê làm ruộng vẫn đủ ăn, làm công nhân tháng vẫn thảnh thơi. Đi xa quê nào tiền thuê nhà, con cái học hành, trăm thứ đắt đỏ, cuối năm không còn xu dính túi. "Vậy chọn ở quê mà lại hay!", bạn đọc Mạnh viết.
Góp thêm ý kiến, bạn đọc Phúc Anh chia sẻ sau đại dịch COVID-19, nhiều công nhân phổ thông nhận ra rằng tiền lương chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, thậm chí thiếu nếu chi không khéo.
Nhiều người hầu như không có tiền dư để lo cho gia đình trong những ngày giãn cách vì dịch. Điều đó không khác gì sống ở quê. Do đó, theo bạn đọc Phúc Anh, khi dịch qua đi, rất nhiều người không quay trở lại...
Với bạn đọc Da Nang, "có lẽ TP.HCM đang giảm dần sự hấp dẫn, bởi hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng, chi phí sinh hoạt cao... Trong khi đó những ngành công nghiệp, công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ ở nhiều nơi, sinh viên ra trường có thể tìm thấy những công ty như vậy.
Đây là chu kỳ phát triển của một thành phố, nó sẽ là cơ hội để TP.HCM điều tiết, phân bổ lại dân cư, xây mới, sắp xếp, giải tỏa... để kiến trúc thành phố có bộ mặt hiện đại, văn minh...".
Không hẳn đáng buồn mà đáng mừng
Nhiều bạn đọc cũng chỉ ra việc TP.HCM giảm số lượng người nhập cư không hẳn là tín hiệu đáng buồn. Bạn đọc Hiệp và bạn đọc có địa chỉ email hoan****@gmail.com đánh giá việc giảm người nhập cư vào TP.HCM là tín hiệu tốt vì hiện hạ tầng TP.HCM đã quá tải trước lượng dân số quá lớn.
"Trường học, giao thông quá tải, nhiều nơi kẹt xe... Chỉ mong giãn dân, thậm chí là những ngành nghề thâm dụng lao động có thể rời bớt khỏi TP.HCM, như may mặc, chế biến... Vừa có lợi cho người dân ở tỉnh và cả TP.HCM" - độc giả Xuan Lam bày tỏ.
Bạn đọc có địa chỉ email vant****@gmail.com cho rằng người nhập cư vào thành phố giảm là xu hướng tất yếu khi các tỉnh lân cận phát triển các khu công nghiệp. TP.HCM ngày càng quá tải và đến lúc cần được... "thư giãn"!
Bạn đọc Nguyen Viet Trung, Điện Biên cùng nêu quan điểm: đây là tín hiệu đáng mừng khi nhiều người không còn tha phương, cũng là cơ hội để TP.HCM nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển hạ tầng văn minh, hiện đại.
Còn theo bạn đọc có địa chỉ email thie****@gmail.com, tương lai TP.HCM sẽ giảm nhiều lao động làm thuê giản đơn. Dần dần, TP.HCM sẽ là nơi thu hút lao động chất lượng cao, thu nhập tốt.
Bạn đọc Bình Sơn đúc rút: "Ngành thâm dụng lao động từng bước chuyển ra khỏi thành phố, kéo theo lao động tay nghề thấp giảm và nhu cầu trọ giá rẻ giảm là xu hướng.
Ở phía ngược lại, thành phố nên ưu tiên các ngành nghề công nghệ, trình độ cao. Người lao động sẽ có thu nhập cao và kéo theo nhu cầu thuê căn hộ có điều kiện sống tốt lại tăng cao. Đây là xu thế tất yếu khi thành phố chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang ngành nghề có trình độ cao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận