05/11/2015 11:30 GMT+7

Người nhập cư và giấc mơ Đức - Kỳ 2: Bên trong trại tị nạn

DUY BÌNH (duybinh@tuoitre.com.vn)
DUY BÌNH ([email protected])

TT - Trại tị nạn - nơi những người mang đủ quốc tịch, đủ màu da, văn hóa và tôn giáo khác biệt sinh sống cùng nhau trong quá trình chờ được duyệt xét hồ sơ.

TT - Trại tị nạn - nơi những người mang đủ quốc tịch, đủ màu da, văn hóa và tôn giáo khác biệt sinh sống cùng nhau trong quá trình chờ được duyệt xét hồ sơ.
Cổng vào “khu lều khẩn cấp” Kreuzberg được giữ gìn an ninh tuyệt đối - Ảnh: D.B.

Những con người đủ số phận nhưng có cùng mục tiêu là mong được cấp giấy tờ hợp lệ càng nhanh càng tốt để ra ngoài làm việc và mưu sinh.

Chúng tôi đến thăm một trại tị nạn ở thành phố Munich, nằm trên con đường Pariser nhỏ và yên tĩnh.

Vào trại và chờ!

Điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là con đường này có giá thuê nhà không hề rẻ, một căn phòng khoảng 40m2 có thể lên tới 1.000 euro (khoảng 25 triệu đồng)/tháng.

Vậy mà một khu nhà ở đây đã được Chính phủ Đức thuê nhiều năm nay cho những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới ở miễn phí trong thời gian họ được xét duyệt hồ sơ xin tị nạn.

Bà Holl - người phụ trách trại tị nạn này - cho biết trại hiện có khoảng 100 người tị nạn ở đến từ Somali, Afghanistan... và hầu hết mới nhập trại cách đây vài tháng. Vì họ có quốc tịch và tôn giáo khác nhau nên việc xếp chung họ ở cùng phòng là chuyện “gần như không thể”.

Chính vì thế, ban quản lý khu trại thường tìm cách sắp xếp người tị nạn đến từ một quốc gia hoặc một gia đình ở cùng phòng để tiện sinh hoạt.

Chúng tôi được bà Holl giới thiệu tham quan một căn phòng dành cho năm thanh niên đến từ Afghanistan. Căn phòng rộng 65m2, sạch sẽ, sắp xếp giường tầng, còn thơm mùi sơn mới, đầy đủ tiện nghi như lò sưởi, máy giặt, tủ lạnh, nhà bếp khá giống với một căn hộ cao cấp...

Bà Holl cho biết giá thuê căn phòng này lên tới 1.500 euro (khoảng 38 triệu đồng)/tháng lấy từ nguồn ngân quỹ xã hội. Ngoài ra, những chi phí khác như điện, nước cũng được miễn phí hoàn toàn.

Anh Amjad Ali - một thanh niên Afghanistan ở trong phòng - cho biết ngoài việc được ở miễn phí, anh và những người bạn còn được cấp khoảng 325 euro (8 triệu đồng)/tháng/người để đi chợ mua đồ nấu ăn, mua quần áo... trong thời gian ở trại.

Nhưng có lẽ đây chỉ là “trại mẫu” để các nhà báo quốc tế ghé thăm. Thực tế ở khu vực tiểu bang Bayern và thủ đô Berlin có rất nhiều trại tị nạn đã cũ kỹ, chất lượng xuống cấp, điều kiện sinh hoạt dưới mức trung bình.

Một người bạn đã dẫn chúng tôi đi tham quan một khu trại ở thành phố Nuremberg. Những căn phòng trong khu trại này rộng chưa tới 20m2 cho sáu người ở. Điều kiện sinh hoạt khó khăn khiến không ít người không chịu đựng nổi phải bỏ ra ngoài kiếm việc làm, sinh sống.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người chịu đựng được nên “gắn bó” lâu dài với trại. Những người này sẽ lưu lại trại tị nạn nhiều tháng, có khi nhiều năm trước khi họ biết có được ở lại Đức lâu dài hay không.

Bà Holl cho biết có một gia đình đến từ châu Á đã ở khu trại nằm trên đường Pariser 12 năm mà vẫn chưa được hưởng quy chế tị nạn.

Nghĩa là người tị nạn đến được Đức là một chuyện, còn việc họ có được giấy tờ để sống lâu dài tại Đức hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác và đã có nhiều người bị trục xuất về nước vì không hội đủ điều kiện tị nạn.

Anh Ramin Waziri rửa chén bát sau một bữa ăn trong nhà bếp ở trại tị nạn - Ảnh: D.B.
Anh Ramin Waziri rửa chén bát sau một bữa ăn trong nhà bếp ở trại tị nạn - Ảnh: D.B.

Cửa không mở cho tất cả

Amjad Ali, 27 tuổi, cho biết anh đến từ tỉnh Helmand thuộc miền nam Afghanistan. Anh sở hữu hai tiệm thuốc nhưng phải bán cửa tiệm để rời quê hương ra đi vì “nếu ở lại thì trước sau gì cũng chết” bởi bom đạn do nội chiến.

Anh bán tiệm thuốc, vét tổng cộng được 12.000 USD trả cho đường dây đưa mình đến Đức.

Anh kể: “Tôi đến biên giới với Iran và thấy một nhóm chừng 20 người đồng hương đã chờ sẵn ở đây. Chúng tôi bắt đầu hành trình bằng việc đi bộ, có những đoạn phải chạy bộ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, qua Macedonia, Serbia... mất tổng cộng ba tháng trời mới đến được nước Đức.

Tôi biết rằng mình và những người bạn có thể chết trên đường đi vì nhiều lý do khác nhau nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”.

Ali ở cùng phòng với bốn người Afghanistan khác. Mỗi ngày họ đến trường học tiếng Đức từ 3-4 giờ, sau đó chia nhau đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ.

Cuộc sống có vẻ khá nhàm chán và đơn điệu vì họ chưa được phép ra ngoài đi làm. Tuy nhiên, Ali và những người bạn nói họ không thể trở về Afghanistan vì không có tương lai ở đó.

“Mẹ và em trai tôi phải đến sinh sống ở Pakistan. Mọi thứ ở quê nhà tôi đã bán hết. Tôi không còn cuộc sống ở sau lưng”.

Ramin Waziri, 18 tuổi, ở cùng phòng với Ali cho biết anh đã bán hết tài sản và vay mượn thêm để có đủ khoảng 10.000 USD cho hành trình đến Đức.

Anh tâm sự: “Cuộc sống mới của tôi và những người bạn trên đất Đức có những lúc rất buồn vì văn hóa khác biệt, thời tiết lạnh lẽo, chúng tôi chưa được phép đi làm nhưng vẫn trông chờ vào tương lai tốt đẹp hơn trên đất khách quê người.

Tôi muốn tạo dựng cuộc sống mới, nhập quốc tịch rồi bảo lãnh gia đình mình đang ở Iran qua đây. Đó là mục tiêu số 1 của tôi”.

Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là ở khu trại nằm trên đường Pariser không chỉ có người đến từ châu Á hay châu Phi mà còn có những công dân châu Âu, chẳng hạn gia đình anh Florent, 18 tuổi, đến từ Albania.

Gia đình này gồm sáu người, đi xe buýt đến Đức và nộp đơn xin hưởng quy chế tị nạn với lý do “muốn được Chính phủ Đức bảo vệ mạng sống”.

Thực tế gia đình Florent đến Đức để tìm cuộc sống tốt hơn, hay nói một cách khác là họ tị nạn kinh tế. Tuy nhiên sau những cuộc phỏng vấn, đơn của gia đình anh Florent đã bị bác và họ sắp sửa bị trục xuất.

Vì dòng người tị nạn đổ đến Đức ngày một đông nên Chính phủ Đức buộc phải mạnh tay trục xuất những công dân đến từ các vùng, quốc gia không có chiến tranh mà chỉ gặp khó khăn về kinh tế như Albania, Kosovo, Macedonia hay Serbia.

Bà Holl cho biết gia đình Florent khó có cơ hội ở lại Đức vì Albania là đất nước nghèo nhưng an toàn, không có chiến tranh như Syria hay Iraq.

Florent như muốn rơi nước mắt khi tâm sự với chúng tôi: “Gia đình tôi muốn ở lại Đức, em tôi muốn đến trường, còn tôi muốn tìm việc. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải quay trở lại Albania. Thật tình chúng tôi không biết phải sống thế nào khi trở lại Albania”.

Florent và năm thành viên còn lại trong gia đình dự kiến sẽ tham gia chương trình “tình nguyện hồi hương” và có thể được nhận một khoản trợ cấp từ Chính phủ Đức để giúp đỡ ổn định cuộc sống khi trở lại quê nhà.

Còn nếu gia đình Florent không đồng ý trở lại Albania thì sao? Họ buộc phải rời trại tị nạn để sống cuộc đời “chui rúc” không giấy tờ, không tương lai ở Đức.

Thực tế tại Đức có không ít người chọn kiểu sống không giấy tờ này vì họ không được hưởng quy chế tị nạn, mà lại không muốn hồi hương. Họ làm đủ mọi việc kiếm sống qua ngày và sẽ bị trục xuất gần như ngay tức thì nếu không may bị cảnh sát bắt giữ.

Trong thời gian ở Đức, chúng tôi được gặp khá nhiều người sống “trôi nổi” như vậy, không ít trong số đó đến từ châu Á. Một nhà báo Đức đi cùng chúng tôi mô tả cuộc sống của những người không giấy tờ này là “họ đang đánh một canh bạc đầy rủi ro”.

>> Kỳ 1: 

___________

Kỳ tới: Sau những “vòng tay ấm áp”

DUY BÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp