05/07/2013 13:52 GMT+7

Người nhân - Võ Hồng

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Hiếm có một nhà văn nào mà ngay khi còn sống cho đến khi qua đời vẫn luôn được bạn đọc lẫn đồng nghiệp mến mộ về tài năng và kính trọng về nhân cách như Võ Hồng. Do vậy câu "cái quan định luận" (đợi đến khi đậy nắp quan tài rồi mới có thể luận xét về một con người) xem ra không cần áp dụng trong trường hợp Võ Hồng (!)

WnRiFCpF.jpgPhóng to
Sách do Công ty văn hóa Hương Trang và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.N.T.

Cố nhiên là với một nhà văn - người sáng tạo, thì sau khi mất đi chúng ta có cơ hội được suy ngẫm, hồi tưởng một cách tập trung hơn. Sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng - tập sách ra mắt nhân kỷ niệm 100 ngày mất Võ Hồng (ông sinh ngày 5-5-1921, mất ngày 31-3-2013) cũng nằm trong ý nghĩa ấy.

Hoàng Như Mai, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá, Huỳnh Như Phương, Trần Huiền Ân, Ðỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Trọng Chức, Ðặng Minh Châu, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Chu Sa, Mang Viên Long... là những cây bút góp mặt trong tập sách này. Xen kẽ giữa những bài viết và các cuộc trò chuyện, bên cạnh những dòng kể về đời là bình luận về văn, từ đó mà văn chương và nhân cách Võ Hồng thêm một lần đậm rõ.

"Võ Hồng viết bằng cả tấm lòng nhân hậu, những vùng quê ông miêu tả nhiều nơi thật nghèo khó khô cằn, nhưng dưới ngòi bút của ông dàn trải sự bao dung trìu mến"... Ðó là những dòng mà Trần Huiền Ân viết về Võ Hồng, mà có lẽ cũng trùng với nhận định của nhiều người. Quả vậy, từ khi còn đang học lớp đệ tam Trường College Quy Nhơn (năm 1939) đến khi trở thành thầy giáo dạy học, Võ Hồng đồng thời trở thành nhà văn của "những yêu thương nặng tình quê hương". Ðó là chủ ý của ông. Bởi từ năm 1940 khi ra Hà Nội học tú tài, Võ Hồng chợt nhận ra người Hà Nội hầu như không biết gì về miền Nam, đặc biệt là dải đất miền Trung. "Ði qua phố Chợ Hôm, tôi nghe có người chỉ tôi mà nói: "Ở nước Xè Goòng ra". Mấy bà bạn của má Bảo Loan (cô bạn gái của tôi) đều là bà tham, bà đốc, bà phán đàng hoàng mà không hề biết thành phố Sông Cầu, tỉnh Phú Yên quê tôi, mà chỉ nói gọn là tôi ở trong Huế ra. Với các bà, miền Nam chỉ có Huế và Xè Goòng"... (trích trả lời phỏng vấn của Võ Hồng). Từ đó mà Võ Hồng ý thức viết "chuyện quê nhà".

Có nhiều người cho rằng do nghề giáo quy định tính cách và văn phong Võ Hồng. Ðiều ấy đúng nhưng chưa đủ. Võ Hồng làm văn chương như một cách ứng xử đẹp với cuộc đời, với đất mẹ quê hương và với thiên nhiên ban sơ quanh mình. Với những nhà văn, ngay từ khởi đầu đã dọn cho mình một tâm thế, đã không ngừng mở một con đường riêng, thì đó là một nhà văn lớn hay chí ít cũng là một cây bút tử tế.

Bởi vì Võ Hồng, ngoài nhà văn còn là một nhà giáo với nhiều thế hệ học trò, cho nên nói về nhân cách của Võ Hồng là còn nói về nhân cách của một nhà giáo. Trong bài viết Nghĩ về hai bậc tôn sư, Phan Long Côn có nhắc lại lời của thầy Võ Hồng rằng: "Thầy giáo phải có cốt cách của sư tử, không được có cốt cách của loài cáo loài chồn". Còn trong bài Kéo dây - gọi Võ Hồng, tác giả Lý Không Minh có dẫn lại lời của Võ Hồng rằng: "Người giàu sang thì tiễn đưa bằng của cải, người nhân thì tiễn người bằng lời nói. Tôi không được giàu sang, trộm tự coi mình là người nhân nên tiễn ông bằng lời nói"... Người nhân, theo cách nói miền Trung của Võ Hồng là nói về người hiền, người có lòng nhân từ. Và, những lời nói đó chính là những trang văn, những trầm tư để lại của Võ Hồng.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp