* Người nhà bệnh nhân tố bệnh viện TMH TƯ
Phóng to |
Người nhà bệnh nhân Tưởng ngồi kín sảnh chờ của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Ảnh: Hồng Thái |
Những người này mang theo ảnh của bệnh nhân Tưởng cùng dòng chữ tố cáo: “Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An vô trách nhiệm, mổ thanh quản làm chết người”.
Theo chị Trần Thị Hồng (27 tuổi) - con gái của bệnh nhân, ngày 30-10 bà Trần Thị Tưởng có tới khám ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì trước đó thường xuyên bị hụt hơi khi nói và khản giọng. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An là người trực tiếp khám cho bệnh nhân và kết luận bà Tưởng bị hạt xơ dây thanh quản, sau đó chỉ định cho bệnh nhân mổ. Sau khi ca mổ thành công, bác sĩ An hẹn bệnh nhân sau 10 ngày đến khám lại.
Những ngày tiếp đó, bà Tưởng có những biểu hiện như khó thở, giọng nói khàn đặc nên ngày 8-11 đã tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Lần này bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An chẩn đoán bà Tưởng có u nang nước ở cổ nhưng không đáng lo ngại, có thể phẫu thuật trong vòng 10-15 phút là xong. Tuy nhiên, chờ từ 9g-17g không thấy mẹ ra khỏi phòng phẫu thuật, chị Hồng mới được bệnh viện cho biết mẹ mình bị lên cơn co giật trong lúc gây mê. Lo lắng vì không biết bệnh nhân Tưởng sống chết ra sao, 22g30 người nhà bệnh nhân quyết định đưa bà Tưởng sang Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Cho đến thời điểm hiện tại (ngày 14-11), theo chị Hồng, tình trạng của mẹ chị vẫn không có dấu hiệu phục hồi.
Theo ông Trần Văn Thảo - chồng bà Tưởng, ngày 12-11 gia đình ông đã có đơn đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Nội làm rõ nguyên nhân tình trạng “chết lâm sàng” ở bệnh nhân Tưởng. Lãnh đạo bệnh viện đã hẹn sang ngày 13-11 trả lời, tuy nhiên đến thời điểm đó lại hẹn đến ngày thứ bảy (17-11) sẽ trả lời rõ cho người nhà bệnh nhân.
Đến 12g ngày 14-11, ban lãnh đạo bệnh viện đã có văn bản trả lời, trong đó nhất trí với những điều khoản của người nhà bệnh nhân Tưởng đặt ra như chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, thuốc men cho bệnh nhân Tưởng (từ khi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và toàn bộ chi phí điều trị ở Bệnh viện Việt Đức), đồng ý với đề nghị của gia đình bệnh nhân trong trường hợp bệnh nhân Tưởng tử vong sẽ mời cơ quan chức năng vào làm việc và tuân theo kết luận của cơ quan chức năng.
Cũng theo văn bản này, đúng 16g ngày 17-11 (tức thứ bảy), PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An và ban lãnh đạo bệnh viện sẽ có văn bản trả lời về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay của bệnh nhân Tưởng.
Phóng to |
Ảnh bệnh nhân Tưởng đang nằm điều trị cấp cứu tại BV Việt Đức được người nhà dán lên cổng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Ảnh: Hồng Thái |
Bác sĩ Vũ Hoàng Phương, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức, cho biết: khoa hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Tưởng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Hà Nội sang trong tình trạng xấu: bệnh nhân hôn mê, co giật liên tục phải thở qua ống thở khí quản, nhịp tim 130 lần/phút, huyết áp 180/100... Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là tai biến sau phẫu thuật mổ hạt xơ dây thanh quản.
Cho đến sáng 14-11, bênh nhân Tưởng vẫn đang trong tình trạng hôn mê, sốt liên tục nhưng đã hết co giật và đang được thông khí nhân tạo. Nhịp tim giảm xuống so với lúc đầu nhập viện còn 105 nhịp/phút, huyết áp còn 120/80. Bệnh nhân hiện đang trong tình trạng cần theo dõi tích cực đề phòng diễn biến xấu.
Bác sĩ Vũ Hoàng Phương cũng cho biết phẫu thuật mổ hạt xơ thanh quản là phẫu thuật đơn giản nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng, nhất là đối với những người có cơ địa quá nhạy cảm, chỉ một chút nước bọt cũng có thể gây chèn đường thở dẫn đến tai biến... “Tuy nhiên, phía bệnh viện chưa dám đưa ra bất cứ kết luận gì về nguyên nhân dẫn đến tai biến phẫu thuật hạt xơ dây thanh quản ở bệnh nhân Tưởng” - bác sĩ Phương nói.
Người nhà bệnh nhân tố bệnh viện TMH TƯ
Ngày 13-11, gia đình bà Dương Thị Sen ở Kiến Xương, Thái Bình có đơn gửi báo Tuổi Trẻ cho biết chồng bà Sen là ông Đỗ Ngọc Tranh, 43 tuổi, tử vong hôm 7-10 sau khi điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư do sốc phản vệ, nhưng bệnh viện tỏ ra vô trách nhiệm, vô cảm với tai biến này.
Theo hồ sơ của gia đình, bệnh nhân Tranh vào Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư ngày 5-8-2012 để điều trị viêm họng cấp, trong tình trạng có thể đi làm việc, nói năng bình thường. Sau khi được tiêm truyền (không qua thử phản ứng thuốc và hỏi tiền sử bệnh) khoảng 10-15 phút, bệnh nhân khó thở nặng, kíp trực đã phải mở nội khí quản và chuyển sang khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng không tự thở, thể trạng yếu. Sau một ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển tiếp sang Trung tâm điều trị ung bướu và đã tử vong ngày 7-10.
Theo bà Sen, xét nghiệm tại Trung tâm ung bướu cho biết bệnh nhân Tranh không có khối u thực quản, nhưng bệnh viện lại chuyển bệnh nhân dị ứng sang khoa ung bướu điều trị, bảng theo dõi diễn biến bệnh của bệnh nhân Tranh ở ngày điều trị thứ 12 cho biết sau tiêm fortum 15 phút, bệnh nhân bị co thắt thanh quản, khó thở, được mở nội khí quản và nghi do sốc phản vệ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-11, giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư Võ Thanh Quang cho hay đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình bệnh nhân Tranh. Tuy nhiên do bệnh nhân chỉ điều trị tại bệnh viện này 1-2 giờ rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai, nên ngày 12-11, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai đã cùng họp, xem xét để có kết luận chuyên môn.
Ông Quang cũng cho rằng sốc phản vệ là phản ứng xảy ra ngay sau khi có tác nhân gây sốc, nhưng ở bệnh nhân Tranh, diễn biến này kéo dài và cần xem xét thêm về chuyên môn trước khi có ý kiến xử lý vụ việc. Tuy nhiên theo bà Sen, gia đình đã gửi hai đơn đến Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư (lần 1 là ngày 26-9) đề nghị sớm xem xét trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ hồi âm nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận