04/08/2015 11:00 GMT+7

Người người đi hiến máu

TIẾN LONG - 
YẾN TRINH
TIẾN LONG - 
YẾN TRINH

TT - Trên chuyến hành trình “vượt nắng thắng mưa”, chúng tôi đã bắt gặp nhiều câu chuyện đẹp, nghĩa cử nhân văn của những người đến hiến máu cứu người.

Chị Phan Lê Phương Huyền (36 tuổi, TP Bạc Liêu) - chủ quán cà phê - cùng bảy nhân viên làm thủ tục hiến máu -  Ảnh: TIẾN LONG
Chị Phan Lê Phương Huyền (36 tuổi, TP Bạc Liêu) - chủ quán cà phê - cùng bảy nhân viên làm thủ tục hiến máu - Ảnh: TIẾN LONG

>> Kỳ 1: 

Suốt một tháng hành trình, thành viên đoàn phải thức dậy từ 5g sáng rồi tổ chức văn nghệ, diễu hành tuyên truyền, triển khai ngày hội hiến máu rồi di chuyển nhanh đến địa phương khác.

Thời gian xoay vòng trôi qua nhanh chóng, giây phút nghỉ ngơi của đoàn chính là những giấc ngủ chập chờn tranh thủ trên xe. Ấy vậy nhưng vừa đặt chân đến địa phương, mỗi thành viên như “hồi sức” quên hết mệt mỏi, mạnh mẽ lao vào công việc.

"Không có máu người ta chết thì sao”

Buổi sáng đầu tiên của đoàn Hành trình Đỏ diễn ra tại mảnh đất phương Nam trong lành. Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chứng kiến câu chuyện cảm động của hai mẹ con bà Mai Thu Ngân (53 tuổi, trú tại phường 9, TP Cà Mau). 

Mẹ con bà Ngân dắt nhau đến rất sớm và là hai người “mở hàng” cho ngày hội hiến máu. Những dòng máu đầu tiên được tiếp nhận trong ánh nhìn nhiều cảm xúc của các thành viên đoàn.

Giọng Nam bộ chân chất, bà Ngân kể bốn người trong nhà mình đều tham gia hiến máu. Hai con ruột đã hiến đợt trước nên giờ chỉ có bà và con dâu đi.

Bà nói: “Mấy hôm rày theo dõi báo đài nghe nói bệnh viện ngoài Bắc cạn kiệt máu mà xót. Vừa nghe có chương trình hiến máu tui nóng lòng muốn đi ngay. Trời mới hửng sáng hai mẹ con đã đến để hiến”.

Bà Ngân nói hồi trước bà sợ đi hiến máu vì nghĩ hại cho sức khỏe. Chừng ba năm trở lại sau lần hiến máu khẩn cấp cứu chị hàng xóm qua cơn nguy kịch, bà mới nhiệt tình đi hiến máu đều đặn. Bà còn khuyến khích các con cùng hiến máu. Đến nay nhà bà ai cũng đã hiến gần 10 lần.

“Cứu được mạng người hơn xây mười tòa tháp mà” - bà cười hiền.

Chặng thứ hai, trời Bạc Liêu đón đoàn bằng một cơn mưa tầm tã, dù vậy người dân ở đây vẫn đội mưa đi hiến máu. Dòng người đến hiến máu xếp hàng mỗi lúc một dài thêm.

Tại bàn đăng ký thủ tục, chị Phan Lê Phương Huyền - 36 tuổi, ở TP Bạc Liêu, chủ quán cà phê - đang đăng ký nhanh cho bảy nhân viên đến hiến máu. Chị Huyền chia sẻ mười ngày trước khi thấy băngrôn Hành trình Đỏ trên các ngả đường trung tâm thành phố, chị đã về rủ nhân viên đi hiến.

Lúc đầu nghe xong chỉ có hai người chịu đi, còn lại nhất quyết từ chối. Người thì sợ kim đâm đau, người sợ cha mẹ không cho. Giải thích cặn kẽ, ngày nào cũng động viên rồi bản thân chị phải đi hiến nên tất cả nhân viên chịu đi hết.

Sau khi hiến máu xong, chị Huyền vui vẻ đưa mọi người ra quán ăn một bữa thật “thịnh soạn” để hồi phục sức khỏe. Chị Huyền vui ra mặt: “Giờ hiến xong thấy đứa nào cũng vui và hứa sẽ đi hiến tiếp lần sau mà thở phào”.

Cũng tại Bạc Liêu, dù tận cuối giờ trưa nhưng ông Sơn Kê (52 tuổi, xã Hưng Hội, TP Bạc Liêu) quần áo bạc màu, khuôn mặt đen đúa vẫn cùng con gái Sơn Hồng Sinh (29 tuổi) kiên nhẫn chờ được hiến.

Dù chờ từ sáng sớm nhưng ông Kê vẫn điềm đạm, không mảy may khó chịu. Ông cũng là người hiến cuối cùng tại ngày hội hiến máu TP Bạc Liêu.

Uống vội ngụm trà đường, ông Kê cười kể: “Đi hiến máu từ năm 1986, tui không nhớ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, chỉ nhớ lần nào có chương trình tui đều tham gia”.

Nhiều lần ông vào tận bệnh viện để hiến trực tiếp cho bệnh nhân. Hồi đầu gia đình thấy ông đi hiến máu cũng cản ngăn vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Hỏi ông sao lại đi hiến máu thì nhận lại câu trả lời nhẹ tênh: “Không có máu người ta chết thì sao”.

15 năm, 78 lần hiến máu

Câu chuyện của bà Ngân, chị Huyền, ông Kê như tiếp thêm động lực cho những “chiến sĩ đỏ” bước tiếp trên hành trình kết nối dòng máu yêu thương.

Rời không khí mát mẻ, dịu nhẹ của các tỉnh miền Nam, đoàn lại đến dải đất miền Trung nắng gió. Trước khi đến Khánh Hòa, cả đoàn được biết sẽ gặp một nhân vật đặc biệt, hiến máu rất nhiều lần nên cái oi bức, khó chịu của thời tiết phần nào được xoa dịu.

Đó là bà Trần Thị Mai (49 tuổi, ngụ TP Cam Ranh, Khánh Hòa). Trong 15 năm bà hiến đến 78 lần, trong đó 77 lần hiến máu toàn phần và một lần hiến tiểu cầu.

Ngồi đợi những giọt máu được truyền vào túi máu, bà Mai chia sẻ bà đi hiến máu từ năm 2000: “Năm ấy cha tôi bị suy tim phải nằm viện điều trị. Giường bên cạnh có cụ già hoàn cảnh khổ lắm. Bệnh của cụ cần truyền máu nhưng do gia đình không có tiền, huy động người thân, bạn bè cũng cạn kiệt. Người nhà cụ chạy đôn chạy đáo, tìm người hiến máu cứu giúp, thấy thương vô cùng”.

Lúc đó phần vì chăm sóc cha, phần vì đắn đo chuyện “ba bát cơm mới được giọt máu” nên bà chần chừ không hiến giúp cụ. Đến khi cụ mất bà mới hối hận, thấy dằn vặt vì đã không cứu giúp ông cụ qua cơn nguy kịch. Từ đó bà thay đổi suy nghĩ và bắt đầu đi hiến máu.

Giải thích chuyện 15 năm có đến 77 lần hiến máu toàn phần (trong khi quy định một năm chỉ hiến tối đa bốn lần - PV), bà Mai nói không phải không biết quy định này nhưng lúc đầu đi vận động người hiến máu rất khó. Tâm lý lo sợ nên mọi người còn ngại cho máu.

Mỗi lần có bệnh nhân cấp cứu hay chương trình hiến máu, để vận động mọi người bà phải đăng ký hiến cùng.

“Biết là hơi liều khi đi hiến máu vượt quy định nhưng không làm vậy mọi người không giải tỏa được tâm lý sợ hãi ăn sâu trong người, khi đó lấy đâu ra người hiến máu” - bà bộc bạch.

Hiện bà Mai là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa (TP Cam Ranh, Khánh Hòa). Đây là một trong những phường có số người hiến máu đông nhất TP Cam Ranh với 100 người thường xuyên tham gia. Ở đâu cần máu chỉ cần gọi bà Mai là được đáp ứng liền.

Tình nguyện viên vận động mọi người cùng tham gia  hiến máu cứu người - Ảnh: TIẾN LONG
Tình nguyện viên vận động mọi người cùng tham gia hiến máu cứu người - Ảnh: TIẾN LONG

Buồn vì không được hiến máu

Trong số hơn 1.000 người đến Trung tâm Văn hóa Cà Mau tham gia ngày hội hiến máu sáng 5-7, có nhiều người ra về khuôn mặt buồn bã vì không đủ điều kiện hiến máu.

Ngồi nói chuyện ở một góc xét nghiệm chờ đồng nghiệp lấy máu, nhóm năm cô giáo đến từ Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường 9, TP Cà Mau) tỏ ra tiếc nuối vì không được hiến máu đợt này. Nguyên nhân do một cô mới mổ ruột thừa, cô mới ốm dậy, ba cô còn lại thiếu cân nặng.

Chị Mai Phương Oanh (44 tuổi) cho biết cách mấy ngày nghe thông tin đồng nghiệp trong trường đã rủ nhau đăng ký. Không ngờ đến lúc hiến chị lại đổ bệnh phải uống thuốc.

“Mặc dù vậy tôi vẫn thử đi, hi vọng hiến được. Nhưng sau khi khám, kiểm tra sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi nên để lần sau. Đành chấp nhận vậy...” - chị nói.

Còn chị Nguyễn Thùy Dung (30 tuổi) không được hiến vì thiếu cân, quy định người hiến máu phải cân nặng từ 45kg trở lên nhưng chị chỉ được 42kg. Chị buồn buồn: “Từ 5g sáng tôi đã hăm hở đến hiến. Đợt này về phải ăn uống cho đủ tiêu chuẩn nhất định để lần sau được hiến máu”.

Cũng ra về như nhóm cô giáo, Phạm Phúc Lộc (22 tuổi, TP Cà Mau) chia sẻ bình thường nếu có chương trình hiến máu Lộc hay rủ bạn bè cùng đi.

Lúc đầu mấy bạn của Lộc cũng ngại nhưng sau này đều vui vẻ tham gia. Biết được thông tin hiến máu của đoàn Hành trình Đỏ, từ sáng sớm Lộc cùng bốn người bạn rủ nhau đến hiến nhưng khi kiểm tra chỉ có hai bạn đủ điều kiện, còn lại không được vì đã hiến cách đây một tháng rưỡi.

“Còn trẻ, khỏe mạnh, thấy hiến máu giúp được người khác nên nhiều lúc bọn em quên mất quy định thời gian. Giờ về chờ đến lần sau hiến vậy...” - Lộc chia sẻ.

Kỳ tới: Cứu người, sợ gì... xui xẻo

TIẾN LONG - 
YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp