Ông Nguyễn Văn Du, phó chánh án TAND tối cao, trả lời câu hỏi về các vấn đề liên quan đến pháp lệnh - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 6-4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua (24-3-2022).
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc với sự ra đời của pháp lệnh, số lượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ tăng lên, các cơ quan có liên quan đã chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào để đảm bảo điều kiện ăn ở, học hành... của người phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Du, phó chánh án TAND tối cao, cho biết để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc thực hiện pháp lệnh, quá trình nghiên cứu, xây dựng pháp lệnh đơn vị đã đánh giá tác động vấn đề này.
Cụ thể, hiện nay Bộ Lao động - thương binh và xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm, quản lý trực tiếp đã rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện.
Việc này đã được quy định ở nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
"Trong thời gian tới, TAND tối cao sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan (Bộ Công an, Viện kiểm sát, Bộ Tài chính) để lập kinh phí triển khai thi hành pháp lệnh này như hoạt động tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các chi phí tố tụng khác có liên quan…", ông Du nói.
Về đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phó chánh án TAND tối cao cho hay phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Đồng thời, theo quy định của pháp lệnh thì phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu như được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn.
Bên cạnh đó, thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Tại phiên họp, thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND. Cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hỗ trợ người bị đề nghị.
Đáng chú ý, việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, pháp lệnh cũng quy định tòa án và thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập... tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận