Tổng thống Nga Vladimir Putin và ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AFP |
Trong bài phân tích đăng trên báo Rossiiskaya Gazeta, ông Eduard Lozannsky - viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Nga - nhận xét tỉ phú Donald Trump là một người “kỳ quặc”, sự hiện diện của ông này trên đường đua tổng thống thách thức không chỉ Đảng Cộng hòa mà còn cả hệ thống chính trị nước Mỹ.
“Ông Trump như một quả tên lửa phát nổ trên đỉnh Olympia chính trị, hay nói cách khác ông này đã khuấy động tổ ong vò vẽ của tầng lớp chính trị. Không nghi ngờ gì nữa, dù cuộc bầu cử kết thúc ra sao, sau Donald Trump nước Mỹ sẽ không còn như xưa” - viện sĩ Lozannsky bình luận.
Con thiên nga đen
Theo cách giải thích của ông Lozannsky, giới học giả Nga gọi chung các chính trị gia như ông Trump là “Thiên nga đen” theo ý nghĩa một hiện tượng hiếm gặp, khó dự đoán và để lại những hậu quả đáng kể.
Trong loạt sách “Các nhà chính trị của thế kỷ 21”, nhà báo Nga Kirill Benediktov dành hẳn một tập có tựa đề “Thiên nga đen” để nghiên cứu tính cách, tham vọng cho đến những thăng trầm trong sự nghiệp và gia đình của tỉ phú Trump.
Nội dung cuốn sách được so với bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ “House of Cards” (Sóng gió chính trường) kể về chính khách Francis Underwood, người sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để trở thành Tổng thống.
Nhà báo Benediktov kết luận ông Trump, có thể nói, đã hoàn thành một cuộc cách mạng trong đời sống chính trị nước Mỹ với mục tiêu tưởng chừng như “bất khả thi”: đứng lên chống lại nền tảng “thâm căn” của Đảng Cộng hòa và chiến thắng!
Mặc cho mọi dự đoán bất lợi của các chuyên gia, sự “thù hằn” của truyền thông cũng như thái độ phản đối của một bộ phận lãnh đạo Cộng hòa, ông Trump đã vượt qua hết để đi đến trận cầu chung kết với bà Hillary Clinton vào đầu tháng 11 tới.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này có nhiều yếu tố “vô tiền khoáng hậu”, và ông Trump là một. Tiếp nữa, có lẽ trong lịch sử hiện đại của Mỹ chưa khi nào các nhà tài trợ đầy ảnh hưởng (của Đảng Cộng hòa) lại công khai ủng hộ ứng viên tổng thống của phe đối lập (Dân chủ).
Họ cũng không thèm giấu giếm tâm tư: chẳng thà “muối mặt” bầu cho bà Clinton còn hơn tạo điều kiện cho Donald Trump làm thêm cuộc cách mạng nữa với chính sách của Mỹ (đặc biệt là mảng đối ngoại).
Chủ đề “Putin và nước Nga” cũng chưa bao giờ được dành sự chú ý nhiều như vậy trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhà báo Benediktov viết: “Thiếu điều chút nữa phe bà Clinton đã cáo buộc ông Trump bị tình báo Nga mua chuộc!”.
Ông nhận xét phe ông Trump cũng không vừa và còn đi xa hơn, cố tìm cho ra những quan điểm “tân Bolsevich” của bà Clinton và chỉ trích cựu ngoại trưởng Mỹ ủng hộ các biện pháp “thời Liên Xô” để lật đổ các chế độ “thù địch”, dẫn đến sự bùng nổ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinotn tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Nga, ngày 8-9-2012 - Ảnh: AP |
Lý thuyết “13 chiếc chìa khóa”
Bên cạnh thăm dò ý kiến cử tri, ngành Khoa học xã hội có một cách riêng để dự báo ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Hai học giả là ông Allan Lichtman (Đại học Mỹ, Washington) và ông Vladimir Keilis-Borok (viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga) phát minh ra một lý thuyết gọi là “13 chiếc chìa khóa để vào Nhà Trắng” với mục đích dự đoán kết quả bầu cử. Tính từ năm 1984, lý thuyết này đã dự đoán đúng tất cả 8 cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.
“13 chìa khóa” được xây dựng theo dạng câu hỏi, có thể liệt kê vắn tắt một số: đảng nào đang chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ, có ứng viên thứ ba nào nặng ký không, tình hình kinh tế Mỹ và dự báo, xìcăngđan trong Nhà Trắng, thành bại trong chính sách đối ngoại… Mỗi câu hỏi chỉ cần câu trả lời đơn giản “đúng” hoặc “không đúng”, nếu có 6 hoặc nhiều hơn câu trả lời “không đúng” thì ứng viên tổng thống đảng cầm quyền sẽ thua cuộc bầu cử đang diễn ra.
Theo lý thuyết này thì ông Donald Trump sẽ thắng.
Tuy nhiên, học giả Lichtman trong lần phỏng vấn với báo Washington Post thừa nhận trong trường hợp này ông muốn “chừa” cho mình con đường lui vì ông Trump không phải chính khách chuyên nghiệp, người cho đến lúc này đã đánh đổ mọi quy tắc thông thường lẫn bất thường của chiến dịch tranh cử. Do đó, ông Lichtman không loại trừ ông Trump sẽ lật đổ luôn lý thuyết “13 chìa khóa” - tức sẽ thua cuộc.
Từ góc nhìn của Nga, viện sĩ Lozannsky nhận xét căn cứ trên các tuyên bố của hai ứng viên tổng thống, khả năng xung đột giữa Nga và Mỹ sẽ cao hơn nếu bà Clinton được bầu. Điểm mạnh của ông Trump - theo nhà báo Benediktov đánh giá - là sự theo đuổi "chính trị thực dụng", không lệ thuộc vào quan điểm ý thức hệ.
“Tất nhiên, chuyện thường xảy ra là ứng viên tổng thống chưa chắc giữ lời hứa của mình một khi đã bước vào Nhà Trắng. Nhưng ông Trump không phải là chính khách truyền thống, những người thích điệp khúc “hứa thật nhiều…”.
Trong làm ăn cần phải giữ chữ tín. Cũng cần lưu ý là trong bối cảnh truyền thông Mỹ tiếp tục giọng văn chống Nga, ông Trump chẳng được cái lợi gì, nếu không muốn nói là tổn thất, khi nói về hợp tác với Nga trước cử tri” - viện sĩ Lozannsky bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận