Nụ cười nở trên môi những người Nepal sống trong lán trại, phía sau là cảnh đổ nát - Ảnh: Việt Phương |
Khi một số cửa hàng ở Kathmandu mở cửa trở lại, doanh nhân Prabal Saakha và cô HLV chương trình thể dục trên truyền hình Smriti Vaidya bắt đầu ra đường mua thực phẩm, bánh trái cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất.
Prabal và Smriti dừng chân ở một cửa hàng tiện lợi, nơi rất nhiều người dân và du khách đổ xô đến để mua đồ sau nhiều ngày hàng quán đóng cửa. Thực phẩm, rau củ quả ở đây rất đầy đủ, không thiếu thứ gì.
Nụ cười vẫn nở trên môi
Sau một hồi tìm hàng hóa, Prabal và Smriti không thể chọn được bất cứ món đồ nào. Họ muốn mua những sản phẩm của chính Nepal sản xuất cho các nạn nhân chứ không mua đồ ngoại nhập, trong khi cửa hàng toàn bánh Ấn Độ và các nước khác.
Hai người nhất định lái xe chạy qua các con phố của Kathmandu tìm những cửa hàng còn mở cửa. Họ dừng chân tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ và mua một thùng đầy bánh do Nepal sản xuất.
Điểm đến sau đó của họ là một khu lán trại tạm phía sau hoàng cung cũ, nơi bờ tường gạch đổ sập tan tành, khu trại được quân đội canh gác và bảo vệ để đảm bảo trật tự. Những người lính chặn Prabal và Smriti để kiểm tra thùng hàng.
Mọi chuyện có vẻ như không suôn sẻ khi Prabal được gọi đi nói chuyện với người chỉ huy. Sau một hồi, Prabal quay lại và bảo rằng quân đội cảm ơn tấm lòng của họ, nhưng việc họ đem đồ phân phát ở trại là không thể.
Lý do đưa ra cũng hợp lý khiến cả Prabal và Smriti không thể không đồng tình. Người chỉ huy nói rằng ở đây quá đông người và số bánh không thể chia hết cho mọi người. Nếu cho người này mà người kia không có thì cũng… khó.
Vả lại, những người trong trại không phải là thiếu thốn đồ ăn. Họ có tiền, họ đem thực phẩm còn lại trong nhà ra tập hợp nấu ăn chung.
Cũng có người bị mất nhà cửa nhưng cũng có người tập trung tại đây vì không dám ở trong nhà giữa lúc còn dư chấn. Người chỉ huy khuyên Prabal và Smriti đem đồ cứu trợ đến tận tay những người đang thật sự thiếu ăn và thật sự cần thực phẩm trong lúc này.
Smriti nói đài truyền hình của cô sẽ có chuyến cứu trợ vào cuối tuần này để giúp đỡ nạn nhân ở vùng nông thôn bên ngoài Kathmandu.
Đó sẽ là cơ hội tốt để giúp họ. Smriti và Prabal sau đó đã mua thêm đồ và đưa đến các khu vực bị ảnh hưởng bên ngoài Kathmandu để trao cho người dân đang sống ngoài lán trại bên đó.
Việc cứu hộ trong những ngày đầu tập trung nhiều vào Kathmandu, còn các vùng bị ảnh hưởng khác chưa được cứu trợ đầy đủ, một phần cũng do đường sá tiếp cận khó khăn.
Trong cảnh khó khăn, người Nepal không tranh thủ vơ vét mà muốn thực phẩm được chia đều cho mọi người cũng như đem đến cho những người thật sự đang cần cứu giúp.
Tại Sundarighat, đội cứu hộ đến từ Ba Lan đang tìm cách đào xới đống đổ nát một nhà kho lương thực 5 tầng bị sập sau động đất.
Người dân tại khu vực này nói còn vài thi thể bị mắc kẹt bên trong. Đống lương thực bị vương vãi sau khi tòa nhà đổ sập được đội cứu hộ và người dân thu gom lại, không chừa chút nào. Trong tình cảnh này, lương thực vô cùng cần thiết.
Ý thức của người Nepal trong những ngày qua còn thể hiện ở sự trật tự. Trộm cắp vặt có thể xảy ra nhưng hoàn toàn chưa thấy vụ hôi của nào. Dòng người xếp hàng dài ngoài lề đường đợi lên xe buýt về quê kiên nhẫn đứng đợi, không nhốn nháo.
Người người dắt xe máy xếp hàng dài qua những con phố cũng trật tự, không lấn chiếm lòng đường và cũng không quên chừa chỗ trống cho xe ra vào ở những vỉa hè có cổng ra vào của các cơ quan, văn phòng trên phố.
Và những người tại các lán trại hầu như không ai tỏ ra hoảng loạn hay buồn bã. Khi được hỏi chuyện, họ vẫn cười nói vui vẻ và khi được chụp ảnh, nụ cười của họ nở trên môi, phía sau là đống đổ nát. Sự trật tự, nhẫn nại và lạc quan ấy thật tuyệt vời ở một đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng.
Phóng viên Tuổi Trẻ Việt Phương ở Kathmandu ngày 30-4 |
Thêm nhiều người Việt về đến Kathmandu
Nhà hàng Phở 99, nơi tiếp nhận người Việt khắp nơi đến trú tạm trong nhiều ngày qua, đã bắt đầu có khách trở lại.
Khách đến nhà hàng rất đông. Vào buổi tối, khi khách về hết, chị Võ Thị Kim Ánh, người phụ trách nhà hàng hiện tại, bắt đầu lôi hàng đống nệm, mền, gối ra chuẩn bị chỗ ngủ cho hơn chục người, bao gồm cả người Việt lỡ bước đến trú, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi (Ấn Độ) vừa sang cùng những người làm của quán.
Chị Võ Thị Kim Ánh nói đùa với mọi người và cán bộ đại sứ quán: “Các anh chị cứ coi như đang đi cắm trại ngoài trời nhé!”. Chỗ ngủ là ngoài hiên, hướng ra vườn để lỡ có chấn động mạnh thì mọi người có thể chạy ra vườn ngay.
Ai cũng vui vẻ trước tấm lòng của chị và anh Naveen Saru, chồng chị Võ Thị Kim Cương - chủ nhà hàng. Suốt đêm và sáng sớm, trời Kathmandu đổ mưa, nhiệt độ xuống thấp.
Trong cái giá lạnh đó, dường như không ai cảm thấy lạnh lẽo và đầy ấm áp. Sáng sớm, bữa sáng giản dị gồm bánh mì, trứng và cà phê được dọn ra để mọi người cùng nạp năng lượng, bắt đầu một ngày mới ở tâm khủng hoảng. Hôm qua, Kathmandu đã bắt đầu có điện trở lại.
Đến sáng 30-4, thêm một nhóm tám bạn trẻ Việt Nam đi leo núi đã về đến Kathmandu an toàn và khỏe mạnh. Nhóm bạn trẻ muốn giấu danh tính này nói từ Namche về đến Lukla, sau đó bay máy bay nội địa về Kathmandu sáng qua.
Trong khi đó, nhóm bạn Cao Thị Hồng Nhung, Đoàn Ngọc Tiến và Huỳnh Quốc Huy đã liên lạc được với đại diện công ty bảo hiểm tại Kathmandu và công ty này sẽ sắp xếp cho các bạn rời khỏi Kathmandu đến New Delhi (Ấn Độ) vào hôm nay 1-5 rồi bay tiếp về Việt Nam.
Trong khi đó, hai cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi có mặt ở Kathmandu là công sứ Trần Quang Tuyến và ông Nguyễn Anh Cường cho Tuổi Trẻ biết đã nói chuyện với đại sứ Ấn Độ tại Nepal để tiếp nhận thông tin về người Việt.
Đại sứ quán Ấn Độ cho biết hôm 29-4 đã có một nhóm sáu người Việt về đến Kathmandu an toàn và liên lạc với họ.
Đại sứ quán Ấn Độ nói nhóm sáu người này đang ở một khách sạn tại thủ đô Nepal. Ông Tuyến cho biết các cán bộ đại sứ quán sang Nepal để cố gắng tập hợp thông tin và lắng nghe nguyện vọng của những người Việt đang ở Nepal, từ đó tìm cách giải quyết, giúp đỡ.
Hướng về Nepal Ngày nghỉ lễ 30-4 vẫn có năm bạn đọc tới báo Tuổi Trẻ ủng hộ người dân Nepal sau thảm họa động đất. Và chẳng biết có phải tình cờ, trong số ấy có những người mà mong ước lớn nhất trong đời là một lần được đến mảnh đất này. Ông L.V.T. (47 tuổi) là tiểu thương chợ Tân Bình. Cả gia đình ông lớn bé đều ăn chay trường. Lễ 30-4 chợ vắng người, ông đóng cửa sạp sớm hơn mọi ngày rồi đi mua cơm chay cho con. “Cầm hộp cơm về, tự nhiên tui nghĩ đến ở bên Nepal có những đứa trẻ cũng như con mình mà mất cha mất mẹ vì động đất, đến cơm ăn nước uống cũng chẳng có. Nghĩ vậy là vì mấy hôm nay xem tin tức về Nepal tui cứ canh cánh trong lòng. Đó là miền đất linh thiêng mà tui ước mơ được đến một lần, nên tự thấy yêu quý cả đất nước và con người bên đó” - ông T. nói. Rồi ông mang theo cả câu chuyện về hộp cơm chay ấy lên báo Tuổi Trẻ, xin gửi 1 triệu đồng sang Nepal. Mỗi người đến Tuổi Trẻ đóng góp cho Nepal đều có câu chuyện của riêng mình, nhưng lớn hơn hết vẫn là tình người, tình nhân loại… Bốn ngày trôi qua kể từ khi một bạn đọc tới ủng hộ, báo Tuổi Trẻ đã nhận được 21,5 triệu đồng của bạn đọc tại TP.HCM nhờ chuyển cho nạn nhân động đất tại Nepal. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận