23/07/2024 09:21 GMT+7

Người nâng niu ấm trà Việt

TRẦN QUANG
và 1 tác giả khác

Người không uống trà lại sở hữu gần 1.000 chiếc ấm trà xưa, cổ. Đặc biệt, anh rất thích chiếc ấm trà được sản xuất năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiếc ấm năm nay tròn 40 tuổi.

Người nâng niu ấm trà Việt- Ảnh 1.

Anh Đương và góc sân nhỏ tận dụng để làm kệ trưng bày ấm

Đó là nhà sưu tập Nguyễn Văn Đương, sinh năm 1984, hiện sinh sống tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Hầu hết bộ sưu tập của anh Đương là các vật dụng bình dân, rất quen thuộc với làng quê Việt Nam cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi một hiện vật có những hoa văn cùng nét đặc trưng riêng thú vị.

Hành trình gian nan, tốn kém

Là người con sinh ra từ làng quê Bắc Bộ, hơn 10 năm qua, anh Đương đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để đi sưu tầm, mua lại những chiếc ấm Việt cùng nhiều hiện vật khác...

Anh Đương tự nhận tâm hồn anh thuộc về làng quê, nên anh rất vui mừng khi những hiện vật thân thương ấy ngày ngày cứ hiện diện nhiều hơn trong ngôi nhà nhỏ của mình. Đặc biệt, thú vui của anh cũng đã bắt đầu lan tỏa đến bạn bè cùng đam mê trên hành trình tìm lại ký ức xưa.

Người nâng niu ấm trà Việt- Ảnh 2.

Một góc trưng bày trong nhà với nhiều chiếc ấm có tuổi đời từ 70 đến vài trăm năm

Nếu như những năm 2012, anh Đương lang thang qua các cửa hàng bán đồ xưa, đồ cũ ở Bình Dương, TP.HCM... để tìm mua ấm.

Thì khi mạng xã hội xuất hiện, anh tiếp tục tìm kiếm những chiếc ấm xưa cũ trên các diễn đàn chuyên mua bán đồ xưa. Cứ thế sau 12 năm, anh đã sở hữu bộ sưu tập khoảng 1.000 chiếc ấm trà bằng gốm Việt.

Đó là những chiếc ấm làm từ chất liệu gốm, một số là ấm sứ thuộc các dòng gốm: Vạn Ninh, Nam Phong, Lái Thiêu, Biên Hòa...

Ngoài ấm trà từ chất liệu gốm, sứ, anh Đương còn sưu tập ấm trà là đất nung, sành... với hình dáng thô mộc, đề tài trang trí, họa tiết gần gũi với đời sống người dân Việt Nam.

Trong đó giá trị nhất là những chiếc ấm Bát Tràng được chế tác từ những thập niên 1960, kéo dài đến thập niên 1980.

Người nâng niu ấm trà Việt- Ảnh 3.

Bộ ấm trà kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được anh Đương trân trọng nâng niu

Từ ký ức Điện Biên, ký ức tuổi thơ...

Anh Đương kể ông nội của anh vốn là chiến sĩ Điện Biên Phủ. Tuổi thơ anh thường được ông kể cho nghe những câu chuyện lịch sử về chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Chính vì thế, khi sưu tầm được chiếc ấm Bát Tràng có ghi dòng chữ "1954 - 1984, Ba mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ" trên thân ấm, cùng hình ảnh chiến sĩ Điện Biên phất cờ, anh Đương vô cùng cảm xúc và xem chiếc ấm như một bảo vật mà anh hữu duyên.

Cũng liên quan đến chiếc ấm "Điện Biên", anh Đương cho biết trước đây nhà anh nuôi nhiều mèo.

Có lần một chú mèo nhảy qua chỗ trưng bày bộ sưu tập, chẳng may làm vỡ tan chiếc ấm quý giá đó. Mất một "bảo vật" mình yêu thích nhất, anh Đương đành xót xa từ bỏ thú vui nuôi mèo.

Người nâng niu ấm trà Việt- Ảnh 4.

Một số ấm trà gốm Bát Tràng xưa với hoa văn chủ đề về hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, mừng xuân mới và gia đình hạnh phúc

Sau bốn năm quyết tâm tìm kiếm, người bạn "Điện Biên" mới có dịp tái ngộ cùng nhà sưu tập. Đó cũng là chiếc ấm có năm chế tác trùng năm sinh anh Đương.

Gần như anh Đương đã dành hết không gian ngôi nhà của mình tại TP Thuận An cho bộ sưu tập ấm trà cả ngàn chiếc cùng nhiều hiện vật gốm, sứ, sách, báo khác...

Từ sân nhà, những bức tường cho đến các căn phòng, bất kỳ ngóc ngách nào trong nhà cũng ngập tràn ấm trà với hình dáng, kích cỡ khác nhau. Và tất nhiên, hầu hết là gốm Việt. Tôi đặt câu hỏi: Điều gì thôi thúc anh nặng lòng với dòng ấm chế tác bằng gốm Việt như vậy?

Anh Đương chia sẻ xuất phát từ mục đích đi tìm lại các kỷ vật gốm Việt đã gắn bó từ thời thơ ấu như những chiếc ấm trà, bình hoa, ống đựng tăm, gạt tàn thuốc của bố và ông nội... cùng mong muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa đời sống của người Việt Nam, nên hơn 10 năm qua anh không ngừng sưu tầm những món đồ gốm Việt từ thời cổ xưa cho đến những năm 1990.

Các góc sân với những chiếc kệ trưng bày hàng trăm chiếc ấm gốm Việt cổ xưa của anh Đương

Các góc sân với những chiếc kệ trưng bày hàng trăm chiếc ấm gốm Việt cổ xưa của anh Đương

Gốm Việt xưa thường được chế tác thủ công, trang trí theo lối vẽ tay. Cho nên mỗi chiếc ấm trà, bình hoa lại như một tác phẩm độc lập, hình trang trí là những bức tranh sinh động được những người thợ gốm tài hoa tạo tác, nhìn không chán.

Một số ấm trà còn được tạo dáng hình trái cây, con vật rất độc đáo, với màu men rất đẹp, trông y như thật.

Hiện giờ ngoài ấm trà, anh Đương còn có khoảng 7.000 - 8.000 cuốn sách giáo khoa từ những năm 1890 cho tới năm 2010.

Bộ sưu tập sách giáo khoa của anh có đủ sách giáo khoa của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, của các cấp học từ tiểu học đến phổ thông trung học, trong đó có nhiều đầu sách rất quý hiếm.

Ngàn năm văn minh Trà ViệtNgàn năm văn minh Trà Việt

Tác giả Trịnh Quang Dũng đã đưa ra nhiều chứng cứ trong cuốn sách Văn minh Trà Việt - minh định cư dân Bách Việt mới là chủ nhân thực sự tạo dựng nên Trà mã cổ đạo kỳ bí ngàn năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp