16/07/2013 07:14 GMT+7

Người Mỹ xuống đường vì màu da

N.QUÂN - SƠN HÀ
N.QUÂN - SƠN HÀ

TT - Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi người dân Mỹ giữ bình tĩnh sau khi một tòa án ở Florida phán quyết tha bổng cho George Zimmerman vào tối 13-7.

Ngay sau phán quyết này, nhiều nhóm dân, chủ yếu là người da màu, đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố lớn của Mỹ.

pNNuXH90.jpgPhóng to
Người dân Mỹ biểu tình đòi công lý cho Trayvon Martin ở quảng trường Thời Đại - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn tuyên bố của ông Obama: “Chúng ta là một quốc gia thượng tôn pháp luật và bồi thẩm đoàn đã lên tiếng. Tôi đề nghị mọi người Mỹ hãy tôn trọng lời kêu gọi giữ bình tĩnh của người cha và người mẹ đã mất con”. Ông khẳng định: “Chúng ta phải tự hỏi rằng làm thế nào để ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Đó là cách tôn vinh Trayvon Martin”.

Lo sợ diễn biến xấu

"Vấn đề chủng tộc ở Mỹ vẫn chưa được giải quyết xong"

Thomas Snégaroff (giám đốc nghiên cứu của Viện IRIS, chuyên về nước Mỹ)

Nhà lãnh đạo Mỹ phải nhanh chóng lên tiếng nhằm tránh những hành động bột phát có thể dẫn đến hậu quả khó lường khi tình hình xã hội Mỹ còn chứa đựng những bất ổn. Những cuộc tuần hành đến sáng 15-7 được xem là khá ôn hòa nhờ lời kêu gọi của những nhân vật nổi tiếng đấu tranh cho quyền công dân như mục sư da màu Jesse Jackson.

Ông viết trên Twitter: “Hãy tránh bạo động vì điều đó sẽ dẫn đến những bi kịch khác vào thời buổi tuyệt vọng như hiện nay”.

Cha mẹ Trayvon không có mặt tại phiên tòa khi phán quyết nhưng trước đó chỉ kêu gọi tuần hành không bạo lực. Trên blog của mình, ông Tracy Martin, cha của Trayvon, viết: “Dù con tôi đã chết, tôi vẫn biết rằng nó tự hào về cuộc đấu tranh mà cha mẹ nó đang cùng các bạn tiến hành vì nó”.

Vụ án liên quan anh dân phòng George Zimmerman - có cha là người da trắng và mẹ người Peru - từng gây tranh luận khá nhiều ở Mỹ về bản chất vụ việc cũng như chuyện màu da. Phiên tòa xử đã được truyền hình trực tiếp suốt ba tuần ở Mỹ.

Vụ việc được tóm gọn như sau. Ngày 26-2-2012, dân phòng Zimmerman trông thấy cậu thiếu niên da màu Martin, 17 tuổi, đi trong một khu dân cư ở Sanford, Florida và nghi ngờ cậu là tội phạm. Anh ta gọi điện cho cảnh sát rồi bám theo Martin với một khẩu súng ngắn đã lên đạn.

Một cuộc đụng độ xảy ra và theo lời của Zimmerman thì anh ta bị Martin tấn công, sau đó là cậu thiếu niên da màu bị bắn vào tim. Khi đó, Martin vừa đi mua kẹo và nước ngọt từ một cửa hàng. Nhưng ban đầu cảnh sát Sanford không bắt giữ Zimmerman vì cho rằng anh ta “tự vệ”.

Thế nhưng phán quyết của bồi thẩm đoàn sáu người là các bà mẹ - gồm năm phụ nữ da trắng và một phụ nữ gốc Latin - thật sự gây khá nhiều ngạc nhiên dù họ đã thảo luận trong hơn 16 giờ mới đi được đến kết luận trả tự do tại tòa cho Zimmerman, 29 tuổi. Ngay lập tức, luật sư Benjamin Crump, đại diện gia đình Martin, tuyên bố: “Chúng tôi rất buồn với phán quyết của tòa”. Trên đài ABC, ông khẳng định sẽ tiến hành kiện dân sự.

Nước Mỹ chia đôi

Theo AFP, sau khi bồi thẩm đoàn của tòa án ở Sanford, Florida xác định dân phòng Zimmerman không phạm tội giết người mà chỉ tự vệ, hàng ngàn người đã diễu hành tới quảng trường Thời Đại đến tận sáng 15-7 khiến giao thông New York tắc nghẽn. Đám đông biểu tình hô vang: “Người dân nói rằng (Zimmerman) có tội”, “Tất cả chúng ta đều là Trayvon Martin”...

Họ cũng giương các biểu ngữ như “Hãy bỏ tù kẻ giết người”, “Tôi là người da đen. Đừng bắn”... Các cuộc biểu tình cũng đồng loạt nổ ra ở San Francisco, Philadelphia, Chicago, Washington, Atlanta, Boston, San Diego... Tại Oakland, đám đông biểu tình đã đập phá nhiều cửa sổ và phun sơn lên các xe trên đường. Cảnh sát cho biết các cuộc biểu tình thu hút cả người da đen, da trắng và người Latin.

AFP dẫn lời người biểu tình tên Carli VanVoorhis ở New York: “Tôi vô cùng phẫn nộ. Gã hung thủ có súng, còn cậu bé nạn nhân thì không và gã hung thủ đã thoát tội. Nói vụ việc này không mang màu sắc phân biệt chủng tộc chỉ là lời nói dối”. Người biểu tình tên Rodney Rodriguez cho rằng vụ Trayvon Martin cho thấy nước Mỹ có hai vấn đề lớn là phân biệt chủng tộc và súng đạn tràn lan. “Nếu Zimmerman không có súng thì hắn đã không thể giết Trayvon Martin” - ông khẳng định.

Đạo diễn Mỹ lừng danh Michael Moore, người có khuynh hướng đấu tranh vì các quyền dân sự, cũng viết trên Twitter: “Nếu đó là phiên tòa xử một Trayvon Martin có vũ khí, đuổi theo một George Zimmerman tay không và giết chết ông này... Liệu tôi có cần phải viết nốt câu này?”.

Báo USA Today đưa tin các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi người dân Mỹ biểu tình hòa bình để phản đối bản án. Tổ chức nhân quyền NAACP kêu gọi người dân ký một lá thư yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder truy tố dân sự Zimmerman. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét khả năng truy tố Zimmerman theo hướng phạm tội phân biệt chủng tộc.

N.QUÂN - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp