01/05/2022 12:18 GMT+7

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt quay về Việt Nam lập nghiệp trong độ tuổi đôi mươi, ba mươi và ở lại đến nay đã hơn 10, 15 năm.

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội - Ảnh 1.

Don Le dạy trẻ em

Mỗi người mỗi câu chuyện, mỗi mục đích, nhưng tựu trung lại, những con người mang dòng máu Việt Nam ấy quay trở về đều là vì nhìn thấy nhiều cơ hội ở quê hương: không chỉ để phát triển nghề nghiệp mà còn để được làm những điều ý nghĩa.  

“Tôi về nhà rồi mà”

Sinh ra và lớn lên ở California, Tony Ngo tốt nghiệp cử nhân Đại học Stanford năm 2001 trước khi học tiếp thạc sĩ Trường Kinh doanh Harvard. Mùa hè 2007, trước khi tốt nghiệp Harvard, Tony Ngo khi đó 28 tuổi, có cơ hội thực tập cho quỹ đầu tư TPG tại Việt Nam. 

“Sau khi tốt nghiệp (Stanford), tôi luôn canh cánh trong lòng những câu hỏi về văn hóa, thị trường, sự biến đổi đang xảy ra ở Việt Nam, và nghĩ rằng mình có thể đóng góp được gì hay không. 7 năm sau, tôi quyết định nếu mùa hè thực tập này mà mình không làm thì còn lúc nào nữa”, Tony kể lại cơ duyên đưa anh về Việt Nam làm việc. 

Trong khi đó, Don Le tốt nghiệp cử nhân Đại học Stanford và làm tư vấn quản lý và tài chính ở Mỹ được vài năm thì bắt đầu tìm kiếm “điều gì đó khác biệt”. Lúc này anh gặp bạn mình là Tony Ngo, người đã hỏi anh rằng “nghĩ gì về chuyện về Việt Nam?”. Câu hỏi đó đã trở thành bước ngoặt lớn trong đời Don. 

“Có nhiều lý do để tôi về. Tôi chưa bao giờ sống ở nước ngoài nên đây là điều tôi muốn. Tôi là người Mỹ gốc Việt nhưng tôi không biết nhiều về người Việt Nam. Nguyên nhân thứ ba là tôi thấy có cơ hội nghề nghiệp tốt ở đây. 

Vậy sao không về 1 - 2 năm xem sao? Viễn cảnh xấu nhất là tôi quay về Mỹ, đi học kinh doanh hoặc tìm công việc khác thôi”, Don nhớ lại những ngày đầu khi anh quyết định về Việt Nam vào năm 2007. 

Vậy là chàng trai 26 tuổi khi đó về Việt Nam như một phép thử để bước ra khỏi vùng an toàn, để giải đáp những thắc mắc về một đất nước Việt Nam chỉ biết qua lời kể. 

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội - Ảnh 2.

Tony Ngo

Từ năm 2008 - 2015, Tony Ngo đầu tư khá nhiều ở thị trường Việt Nam và châu Á nói chung. Trong quá trình đầu tư ở Trung Quốc, Tony Ngo nhận thấy ở đó có nhiều công ty giáo dục tập trung vào chất lượng học tập và mô hình học thuật mà ở Việt Nam chưa có. 

Vậy là anh bay từ Bắc Kinh về TP.HCM ngồi lại với Don, trong một quán cà phê trên đường Lê Lợi, những ý tưởng đầu tiên về một trung tâm giáo dục ra đời. Mùa hè năm 2011, Tony Ngo và Don Le cùng nhau mượn một căn phòng nhỏ ở quận 1 (TP.HCM) để dạy học miễn phí mỗi cuối tuần.

Lớp học nhỏ xíu với những học sinh cấp 2 là con cái bạn bè của Tony và Don là tiền đề cho trung tâm giáo dục Everest Education với 4 cơ sở ở TP.HCM như hiện nay. Hiện tại Everest cung cấp các khóa học toán, tiếng Anh, dạy kèm, luyện thi, tư vấn du học đại học... cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Don còn nhớ như in khoảnh khắc mình quyết định sẽ ở Việt Nam luôn, đó là lúc anh đáp máy bay về lại Việt Nam sau chuyến về thăm nhà ở Mỹ. Thời điểm đó anh đã ở Việt Nam được 4 - 5 năm. Nhìn cảnh vật qua khung cửa sổ máy bay lúc hạ cánh, bất giác Don nghĩ “mình về nhà rồi”. 

Một trong những điều khiến anh yêu thích cuộc sống ở TP.HCM là sự năng động, thay đổi và cải thiện liên tục, khiến anh luôn thấy muốn nỗ lực cải thiện mỗi ngày. Anh nói mình may mắn vì hầu như không gặp nhiều khó khăn khi về Việt Nam lập nghiệp vì gặp nhiều người tốt, và mọi người cũng “cho phép” anh mắc lỗi vì họ hiểu rằng anh về đây với ý định tốt.

Sau 15 năm lập nghiệp ở quê hương, Don nói Việt Nam cho mình hiểu sâu sắc hơn bản sắc của chính mình. Hỏi anh sẽ ở Việt Nam bao lâu nữa? Don cười nói mình không có ý định rời đi. “Tôi về nhà rồi mà”, anh chia sẻ chân tình. 

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội - Ảnh 3.

Don Le

Tôi hy vọng rằng với kiến thức nền tảng của mình, được đi học ở những trường lớn, được làm việc cho những tổ chức lớn, tôi có thể mang những thứ đó áp dụng và tạo ra một điều gì đó thú vị cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không có cơ hội tương tự hoặc chuyện đó sẽ không có ý nghĩa nhiều đối với tôi nếu tôi ở Mỹ như ở đây.

Don Le

“Tôi là John và Hùng”

“Đi tìm bản thân mình” cũng là lý do khiến John Hùng Trần (33 tuổi) quyết định gắn bó ở Việt Nam sau một chương trình giao lưu văn hóa với Đại học Hà Nội năm 2010.

Hiện anh đang là tổng giám đốc một tập đoàn đầu tư vào nhiều mảng như start-up, công nghệ, kết nối những nhà đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài... Hơn 10 năm ở Việt Nam, anh từng hoạt động ở nhiều lĩnh vực như người dẫn chương trình, giảng viên tiếng Anh, viết báo, làm truyền thông...

John Hùng Trần còn nhớ khi ấy anh đang học năm cuối đại học chuyên ngành tâm lý ở Mỹ và quyết định dành một học kỳ để đi “du học” Việt Nam, vì thấy tò mò và muốn tìm hiểu nguồn gốc của mình. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, trước khi sang Việt Nam anh không nói được tiếng Việt, thậm chí còn không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ. 

“Mẹ tôi hay dịch và kể tôi nghe những câu chuyện bà ngoại kể về Việt Nam, về người Việt Nam yêu thương giúp đỡ nhau trong thời chiến, khiến tôi cảm động và ấn tượng vô cùng”, anh kể. 

Sau khóa học đó, John Hùng Trần quay về Mỹ tốt nghiệp và chuẩn bị nhận một công việc trong ngành tài chính đầu tư. Trước khi đi làm, anh trở lại Việt Nam một lần nữa để gặp gỡ bạn bè, nhưng lại gặp được cơ duyên làm người dẫn chương trình cho một chương trình trải nghiệm du lịch. Vậy là anh quyết định bỏ luôn công việc tại Mỹ mà ở lại Việt Nam.

Làm việc ở đài truyền hình được gần 1 năm thì John lại nghỉ để thực hiện một chuyến đi quan trọng của đời mình: đi tìm Hùng, tìm con người Việt Nam bên trong mình. 

“Có người nói với tôi rằng tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thì có ở bao lâu cũng chẳng thể nào thành người Việt Nam thật đâu. Trong khi đó tôi thấy mỗi vùng miền Việt Nam có đặc trưng văn hóa cũng khác nhau, vậy thì là người Việt Nam là người như thế nào? Vậy là tôi muốn đi xuyên Việt để tìm câu trả lời, cũng như tìm hiểu về nguồn gốc của mình”, anh kể. 

Mùa hè năm 2012, chàng trai mới ngoài đôi mươi quyết định đi bộ từ Hà Nội vào TP.HCM trong 90 ngày. Đặc biệt, trong hành trình đó, anh không mang theo tiền. “Tôi xin ở nhờ nhà dân, cùng làm việc với họ, 4h sáng dậy đi gặt lúa ở Thái Bình, 5h sáng đi ra biển đánh cá...”. 

Ấn tượng nhất của chuyến đi là những con người anh gặp. “Được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ làm tôi nhớ lại những câu chuyện mà bà ngoại kể. Tôi đến nhiều nhà, dù rất nghèo nhưng vẫn sẵn sàng mở cửa cho một người lạ. Họ chẳng biết gì về tôi cả, chẳng biết tôi có phải người xấu không”, anh nhớ lại. 

Chuyến đi để đời đó được John kể lại trong cuốn sách khá nổi tiếng của mình là John đi tìm Hùng. Sau chuyến đi, anh quyết định ở lại luôn. Bây giờ anh nói mình là John và Hùng - người Mỹ và người Việt Nam.

Không chỉ giúp John tìm được bản thân mình, chuyến đi và quyển sách của anh cũng làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người, trong đó có bố mẹ và bà ngoại anh. Từ chỗ không ủng hộ con trai về Việt Nam ở, bây giờ bố mẹ anh mỗi năm sang Việt Nam thăm gia đình nhỏ của anh một lần, mỗi lần ở vài tháng. 

“Sau 40 năm, bà ngoại tôi về Việt Nam và thấy rất xúc động khi được gặp lại những người quen từ hồi xưa. Nhiều bác cũng nhắn tin cho tôi bảo xúc động vì đọc chuyện của tôi, truyền cảm hứng cho họ về Việt Nam thăm quê hương một lần nữa, tôi thấy rất vui”, anh nói. 

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội - Ảnh 5.

John Hùng Trần giao lưu tại một lớp học tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Thanh Hóa trong chuyến đi xuyên Việt năm 2012

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn

Cô Bintu Musa-Harry, tùy viên thông tin của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, rồi chọn trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho cội nguồn của mình. Xu hướng này cho thấy Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn, với cả khách du lịch và những người làm kinh doanh.

Cô Musa-Harry cho biết năm 2017, Mỹ tổ chức chuỗi chương trình Saigon Đẹp Lắm để tạo cơ hội cho các khách mời người Việt và người Mỹ gốc Việt là các nhà ngoại giao, nhà giáo dục, doanh nhân, đầu bếp, đạo diễn phim, nhà văn, nghệ sĩ, và các luật sư chia sẻ về hành trình đến Việt Nam và góc nhìn của họ về quan hệ hai nước.

“Nỗ lực hòa giải và tăng cường giao lưu nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ luôn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Hoa Kỳ”, đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ nói.

“Tôi thương cái nước của mình”

2222

Việt Nam cho Charlie Ta cơ hội để có một cuộc sống thoải mái mà anh mong muốn. Rời Cà Mau cùng gia đình từ năm 2 tuổi, Charlie lớn lên ở Mỹ và tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh.

Sau một thời gian làm tư vấn trong ngành ăn uống, anh muốn làm điều gì đó khác hơn. Có thời điểm anh làm việc đến 90 tiếng mỗi tuần với mức lương tính ra gần 3 tỉ đồng/năm, nhưng công việc đó không khiến anh vui.

Năm 33 tuổi, Charlie quyết định về Việt Nam tìm kiếm cơ hội mới, cũng như để gần gũi tiện chăm sóc ba mẹ mình hơn. Ba mẹ anh đã về Việt Nam trước đó nhiều năm.

Vốn có kinh nghiệm trong ngành ăn uống, Charlie mở cửa hàng Chuck’s Burger đầu tiên ở Q.1 (TP.HCM) vào năm 2013, kể từ đó công việc kinh doanh này mang đến cho anh nhiều niềm vui và sự thoải mái mà ở Mỹ anh không có được.

“Tôi thấy hạnh phúc khi nhìn thấy thực khách của mình ăn ngon, được trò chuyện cùng họ, hạnh phúc khi được giúp đỡ nhân viên của mình học những điều mới. Tôi hạnh phúc vì ở đây mình làm được nhiều hơn tại Mỹ. Với tôi, hạnh phúc không phải là thu nhập cao mà là có thể kiếm vừa đủ để không phải lo lắng chuyện tài chính nhưng vẫn cân bằng được cuộc sống”, anh bày tỏ.

Sau gần 10 năm ở Việt Nam, Charlie khẳng định quyết định về Việt Nam của mình là 100% đúng đắn. “Nhiều người hỏi tôi sao không về Mỹ cho sướng, tôi thương cái nước của mình lắm.

Mình sinh ra ở đây, là người gốc Việt mà mình không thương nước mình thì thương gì. Tôi hy vọng các bạn người gốc Việt trẻ có thể về đây, trải nghiệm văn hóa nước mình, như vậy càng giúp văn hóa Việt Nam được quảng bá sâu rộng hơn”.

Để thu hút thêm nhiều bạn trẻ gốc Việt

Theo Don Le, có ba nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều bạn trẻ người Mỹ gốc Việt quay về Việt Nam lập nghiệp. Đầu tiên là họ nhìn thấy rất nhiều cơ hội ở đây. “Việt Nam là một đất nước rất năng động, nên nếu ai đó muốn làm gì đó khác biệt thì Việt Nam là nơi tuyệt vời để làm.

Ở Mỹ, thị trường không tăng trưởng quá nhanh, tính cạnh tranh thì vô cùng cao và chi phí bỏ ra cũng ngất ngưởng. Trong khi đó ở đây, tùy vào phân khúc hoạt động của mình, có khi bạn lại là người đầu tiên kinh doanh mô hình đó. Tất nhiên là có thử thách, nhưng giả sử bạn thất bại thì khoản lỗ do thất bại đó cũng không cao bằng ở Mỹ”, anh giải thích.

Lý do thứ hai là ở Việt Nam, bạn dễ dàng đi lại giữa các nơi, dễ dàng gặp gỡ nhiều người. Và một nguyên nhân nữa là người ta nhìn thấy nhiều người đã về Việt Nam lập nghiệp, có những trải nghiệm tuyệt vời.

Theo Don, nếu Việt Nam có một trung tâm hướng dẫn cho những người gốc Việt muốn về lập nghiệp, hướng dẫn cách họ mở doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng, hay tư vấn các vấn đề khi họ muốn về Việt Nam sinh sống..., đó sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn để ngày càng có nhiều người gốc Việt quay về làm việc và cống hiến cho quê hương hơn.

Còn John Hùng Trần cho biết thời điểm anh về Việt Nam, chưa có nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ về như bây giờ. “Việc toàn cầu hóa ngày nay mở ra nhiều cơ hội cho các bạn người Mỹ gốc Việt về tìm hiểu nguồn gốc cũng như văn hóa của cha mẹ mình, tôi nghĩ đó là điều rất tuyệt vời.

Tôi nhận thấy nhiều người có xu hướng tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Thêm vào đó, Gen Z bây giờ không đặt tiêu chí phải có công việc ổn định như ông bà ngày xưa nữa mà thích tự do hơn, nhiều yếu tố đó đã khiến cho ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ về Việt Nam hơn”, anh giải thích.

Theo anh, Việt Nam nên duy trì các chương trình quảng bá cho các bạn trẻ hiểu bây giờ Việt Nam đã thay đổi như thế nào, khác ra sao, như giới khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh...

Nhiều người sẽ muốn tìm hiểu kỹ trước khi sang và chúng ta nên cho họ thông tin họ cần. Hùng nói trước đây anh cũng thường tham gia giao lưu tại các chương trình do Bộ Ngoại giao tổ chức cho Việt kiều hoặc người Mỹ gốc Việt trẻ sang Việt Nam và có một số bạn đã quyết định về Việt Nam làm việc sau những chương trình đó.

Cha tôi - tỉ phú gốc Việt ở Tân Đảo Cha tôi - tỉ phú gốc Việt ở Tân Đảo

TTO - Ông Đặng Văn Nha là thế hệ người Việt đầu tiên sinh ra ở Tân Đảo (cách người Việt gọi Nouvelle Calédonie thuộc Pháp). Thành công của ông là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt tại vùng đất xa xôi này.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp