Hơn 5.800 người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh: AFP
Nghiên cứu của hãng tư vấn thuế Bambridge Accountants tại New York, Mỹ ghi nhận tổng cộng 5.819 người đã tình nguyện từ bỏ quốc tịch Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2020. Con số này trong năm 2019 là 2.072.
Cụ thể hơn, số người từ bỏ quốc tịch Mỹ trong nửa đầu năm 2020 đã tăng 1,21% so với con số 444 người của nửa cuối năm 2019.
Ông Alistair Bambridge, một đối tác của Bambridge Accountants, nhận định nguyên nhân của con số kỷ lục này xuất phát từ đại dịch COVID-19 và bối cảnh chính trị căng thẳng tại Mỹ.
Ông Bambridge giải thích đại dịch COVID-19 đang giúp ngày càng nhiều người Mỹ sống tại nước ngoài "có thời gian xem xét lại mối quan hệ giữa họ và nước Mỹ, sau đó kết luận rằng tình hình chính trị và việc báo cáo thuế hằng năm tại Mỹ đã vượt quá sức chịu đựng của họ".
Theo quy định, những người từ bỏ quốc tịch sẽ phải trả khoản phí 2.350 USD cho chính phủ Mỹ, nhưng sau đó sẽ được giải phóng khỏi yêu cầu viết báo cáo thuế. Công dân Mỹ sống ở nước ngoài vẫn phải khai thuế hằng năm, báo cáo tài khoản ngân hàng nước ngoài, các khoản đầu tư và lương hưu của họ.
"Đối với nhiều người Mỹ, quy định này quá phức tạp và họ đã nghiêm túc từ bỏ quốc tịch của mình vì không có ý định quay trở lại sinh sống ở Mỹ", ông Bambridge nói.
Theo Bambridge Accountants, hiện có khoảng 9 triệu người Mỹ đang sinh sống ở nước ngoài.
Những người vẫn giữ quốc tịch gốc nhưng tiếp tục sống và làm việc tại nơi khác vẫn nhận được các trợ cấp liên bang, bao gồm gói hỗ trợ 1.200 USD do Bộ Tài chính Mỹ gửi đi từ tháng 4. Gói hỗ trợ này nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt gánh nặng trong mùa dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận