30/07/2019 05:48 GMT+7

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG

TTO - Về đi lũ ơi! Những ngày này đi dọc dòng sông Mekong, chúng tôi nghe bao nỗi niềm nông dân. Ở ruộng đồng Lào, Thái Lan hay hạ nguồn Việt Nam, chuyện con nước đều trĩu lòng người.

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 1.

Sông Mekon g chảy qua Vientiane, Lào kiệt nước. Ngoài thời tiết, các đập thủy điện cũng góp phần làm kiệt nước ở hạ lưu - Ảnh K.S.

Cuối tháng 7 này, nông dân nào ven cũng ngước mắt lên nhìn trời, mong mây đen kéo về, mong trời đổ mưa xuống...

Kiệt nước ở thượng nguồn

Nước? Nông dân Lào ít khi quan tâm tới nước, vì họ chỉ có 7 triệu người trên gần 237.000km2 lãnh thổ, tức trung bình chỉ có khoảng 31 dân/km2 (trong khi Việt Nam hơn 300 người/km2).

Nhiều năm ở đất nước không có biển này, ít khi nào tôi thấy nông dân Lào canh tác 2 vụ lúa mỗi năm, chứ đừng nói 3 - 4 vụ suốt quanh năm như ở Việt Nam. Dù canh tác rất ít, chủ yếu chỉ vào mùa mưa, nhưng gạo của họ làm ra ăn không hết và rất ngon vì phần nhiều là lúa dài ngày 6 tháng.

Người dân Lào hầu như chưa bao giờ phải quan tâm tới nước, do địa hình chằng chịt sông lớn trong khi nhu cầu tưới tiêu lại ít. Tuy nhiên những năm gần đây, tình hình đã khác.

Suốt hai tháng 6 và 7 này, khi Thái Lan liên tiếp cảnh báo lượng nước sông Mekong sụt giảm kỷ lục làm đồng ruộng họ khô cằn, tôi đã thấy người dân Lào lo lắng nhìn xuống dòng sông của mình. Chính họ cũng đang sợ thiếu nước!

Mùa mưa theo chu kỳ trời đất đã đến rồi, nhưng đồng ruộng Lào vẫn khô cằn. Còn sông Mekong vẫn kiệt nước. Nhiều cánh đồng lẽ ra đã có màu lúa xanh nhưng vẫn trơ trụi đất đai nứt nẻ.

Anh Khăm Muộn hay còn gọi Ba Huy, người Lào gốc Việt sang sinh sống ở tỉnh lỵ Xayabury từ đời ông nội vào những năm 1920, nhớ lại: "Khi tôi còn trẻ, tức khoảng năm 2000 trở về trước, người Lào hầu như còn chưa mấy ai nghe đến từ . Các con sông chảy ngang dọc đất Lào quanh năm đầy ắp nước.

Ngoài con sông Mekong liên quan đến Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, thật ra Lào còn rất nhiều con sông lớn khác như Sê Kông, Nậm Ngừm, Nậm Khan, Nậm Tha, Sedone. Ruộng đồng không bao giờ hút cạn nổi nước các dòng sông này...".

Khăm Muộn tâm sự ngày ấy người Lào nghe nói hạn hán cũng giống như miền Tây Nam Bộ ở Việt Nam trước đây nghe nói không có mùa nước nổi. Chuyện quá xa lạ. Nhưng giờ đó là sự thật đang diễn ra từng ngày.

Em trai Khăm Muộn sống ở thủ đô Vientiane và đang có thú vui chiều chiều đá bóng cùng bạn bè dưới... lòng sông Mekong chảy qua địa phận này. Chuyện thật 100%!

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 2.

Cầu Hữu Nghị từ Vientiane, Lào sang Thái Lan lẽ ra giờ này nước đã dâng cao nhưng vẫn trơ mố trụ cầu - Ảnh: K.S.

Nước sông Mekong bị cạn kiệt giật xa khỏi bờ hàng trăm mét. Bến đò và bãi đánh cá tấp nập trước đây giờ trở thành sân đá bóng trên cát. Cái cảnh quá xa lạ khi trước đây Vientiane từng có những mùa nước tràn lên cả đường phố, tức cao hơn mực nước cuối tháng 7 này phải trên 10m.

Nếu như những năm gần đây người Lào làm nông nghiệp bắt đầu sợ thiếu nước, thì hiện trạng này ở Thái Lan nặng nề hơn nhiều. Hầu như tuần nào tôi cũng có việc kinh doanh phải từ Lào sang Thái Lan qua cây cầu Hữu Nghị. Cây cầu nối thủ đô Vientiane và tỉnh Nongkhai, Thái Lan bên bờ sông Mekong.

Tháng 7 này, những cuộc trò chuyện về việc cạn kiệt nguồn nước thiên nhiên ở Nongkhai có thể dẫn đến sự gay gắt khó lường.

"Tại sao sông cạn, tại sao? Người ta nói rằng ít mưa là đúng, nhưng nước trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn vẫn đầy mà" - ông Khomsai Kaichan, nông dân vừa làm vườn vừa sống bằng nghề khai thác cá sông, đã trao đổi như chất vấn, dù người đối diện chẳng ai đủ tầm để trả lời rõ ràng.

Mấy đời đánh cá sông Mekong, Khomsai tuổi đã gần 50 cũng đủ để khẳng định mình tường tận con nước dòng sông liên quốc gia này. Ông kể gần đây hầu như năm nào sản lượng cá đánh bắt của mình cũng sụt giảm.

Khi Khomsai còn trẻ, tức khoảng 20 năm trước, mỗi ngày ông có thể đánh bắt được hơn 100kg cá. Đó là những loài cá rất ngon mà bên Việt Nam gọi là đặc sản như cá tra dầu, cá hô, cá lăng, còn cá thường và nhỏ đều được ông thả lại dòng sông.

Nhưng nhiều mùa nước gần đây, ông cố lắm cũng chỉ được khoảng mươi ký cá mỗi ngày, dù Khomsai có tiếng là người giỏi nhất trong những người đánh cá giỏi ở Nongkhai.

"Hơn 1/10 lượng cá của tôi đã bị mất đi đâu?" - Khomsai hỏi tôi như hỏi chính mình.

Chưa thấy "tháng bảy nước nhảy lên bờ"

Ở hạ nguồn Việt Nam, bao nông dân cũng đang ngày đêm ngóng con nước về. Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu - đoạn cuối cùng của dòng Mekong trước khi đổ ra biển.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, một người có thể nói rằng hiểu châu thổ này như lòng bàn tay, trầm tư: "Dân dã quê tui có câu "tháng 7 nước nhảy lên bờ". Nhưng đến giờ mực nước vẫn còn giật xa bờ sông thì đáng lo quá, làm sao lên ruộng được.

Năm nay vựa lúa miền Tây mà không có lũ từ nước ngọt thượng nguồn đổ về thì căng lắm".

Ý "căng" của cựu chủ tịch UBND tỉnh lúa Bảy Nhị này là nguồn nước lũ bao năm làm "hàng rào" chống mặn xâm nhập các cánh đồng lúa nuôi sống người dân miền Nam và xuất khẩu. Nếu lũ không có hoặc quá thấp, vấn đề mặn xâm thực chẳng phải là viễn cảnh gì xa xôi, mà ngay trước mắt khi mùa nắng tới.

"Các nhà khoa học nói về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng chủ yếu vẫn còn ở tương lai. Ngay bây giờ và ngày mai, ngày mốt, người dân miệt thấp này vẫn trông con nước Mekong đổ về cho đồng ruộng, cho con cá, con cua của mình" - ông Nhị nói.

Tâm sự mong lũ, ông Bảy Nhị kể thời trẻ của mình nghe tiếng cá quẫy lội trên đồng nước đã trở thành âm thanh quen thuộc như tiếng cơm sôi. Cá nhiều tới mức người ăn không hết, chó mèo ăn không kịp, phơi khô cũng không kịp, người ta đổ đống làm phân trồng cây là có thật.

Nguồn cá chủ yếu đến từ sông Mekong. Chúng theo con lũ thượng nguồn chảy về, rồi lên đồng ruộng nuôi sống người dân châu thổ lẫn góp phần làm sạch ruộng đồng cho vụ lúa sau lũ. Nhưng nhiều năm gần đây, nguồn lợi trời cho từ lũ đã lao dốc như xe không thắng.

"Đến tụi tui ở ngay dưới này muốn tìm con cá khô đồng ăn còn quá khó" - ông Bảy Nhị tâm sự giữa nơi từng là vựa cá khổng lồ của cả miền Nam...

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 3.

Đến hẹn nhưng người dân huyện An Phú, An Giang vẫn chưa thấy lũ về - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cùng tâm trạng với ông Bảy Nhị, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cũng đang hết sức quan tâm đến mực nước sông Mekong. Một số dấu hiệu đã cho thấy mùa lũ năm nay ở miền Tây có thể sẽ không được như các năm trước:

"Thường thì giữa tháng 7 âm lịch sắp tới nước sẽ lên trắng các cánh đồng ở mạn biên giới như An Giang, nhưng đến giờ mực nước vẫn còn quá thấp, rất khó 2 tuần nữa có nước để vô đồng được".

Là chuyên gia nghiên cứu sâu về hệ sinh thái Đồng bằng , TS Ni tâm sự thêm lúc này người dân phải ngóng... áp thấp nhiệt đới hay ảnh hưởng bão gây mưa nhiều ở vùng Hạ Lào mới có hi vọng lũ về:

"Phải là vùng Hạ Lào, vì nếu mưa bão đổ xuống Trung Quốc hay Thượng Lào thì nước cũng chưa chắc đã xuống được hạ nguồn Việt Nam. Bởi các thủy điện của họ cần tích thêm nước sau nhiều tháng thiếu mưa. Đặc biệt là các vùng nông nghiệp Thái Lan rộng lớn ven sông Mekong cũng sẽ tận dụng tối đa nguồn nước quý như vàng".

Từng khảo sát vùng này, TS Ni kể thêm mạn bắc Thái Lan trước đây ít dân, đất hoang còn nhiều nên nhu cầu nước chưa tăng cao như bây giờ. Khi phát triển nông nghiệp, họ đưa dân về đây mở mang ruộng đồng, đào hồ chứa nước.

Nếu mưa thuận gió hòa thì không sao, ngược lại thì còn đâu nước để chảy xuống hạ nguồn.

Trong khi đó gần Việt Nam, ai đến Biển Hồ mênh mông của Campuchia mùa này sẽ dễ sốc với tình trạng nhiều nơi trơ đáy, nhà bè và thuyền cá phơi mình trên cát. Tuy nhiên, với các nhà khoa học, điều đó không lạ.

Ngoài lượng mưa ít, tình trạng phá rừng, khẩn hoang của Campuchia đã khiến tốc độ bồi lắng của Biển Hồ ngày càng nhanh hơn. Và điều đáng lo là túi nước khổng lồ này lại là nguồn quan trọng cho mùa lũ hạ nguồn Việt Nam...

Xuôi Long An, Tiền Giang rồi về Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... những ngày đợi lũ, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe trăn trở chuyện con nước lớn - ròng. Nhà khoa học lý giải theo tính toán khoa học, nhưng nông dân thì bấm đốt ngón tay tính toán theo kinh nghiệm truyền đời.

Sự thiệt hại trước mắt thì quá rõ ràng ở những làng cá, những cánh đồng xả lũ. Nhưng cái đáng lo cũng không hề xa xôi là chỉ vài tháng nữa khi gió đông về, nắng đổ lửa xuống ruộng đồng, người dân sẽ làm gì để sống khi đất đai khô cằn, biển mặn tràn vào?

Về đi lũ ơi! Nghe như tiếng thở than, nghe như tiếng ước mong của nông dân châu thổ phương Nam...

Cạn kiệt dòng sông

Mùa này đi dọc sông Mekong cả bên đất Thái Lan, Lào hay Việt Nam, Campuchia đều cảm nhận rõ người dân đang mong con nước phù sa đổ về như thế nào.

Những người bạn Thái Lan của tôi tâm tư rằng lẽ ra thời điểm cuối tháng 7 nước sông Mekong phải dâng lên cao hơn hẳn mố trụ chân cầu Hữu Nghị, nhưng suốt nhiều ngày qua nó vẫn trơ lên mặt nước.

Khi truyền thông quốc tế viết quá nhiều về tình cảnh dòng sông cạn nước, một số đập trên thượng nguồn Trung Quốc và Lào mới tạm xả nhưng vẫn chưa được như mong đợi.

Các "thủ phạm" gây thiếu nước

Thủy điện sông Nậm Khan ở Lào tích nước bên trong, nhưng sông ở ngoài lại cạn - Ảnh: QUỐC VIỆT

Thủy điện sông Nậm Khan ở Lào tích nước bên trong, nhưng sông ở ngoài lại cạn - Ảnh: QUỐC VIỆT

Theo TS Dương Văn Ni, lượng mưa ít sẽ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm thực vùng bán đảo Cà Mau. Riêng vùng phía dưới như Bến Tre, Long An, Tiền Giang lại trông chờ vào nước lũ đẩy mặn.

Lũ không về hoặc lũ thấp, chắc chắn tình trạng mặn xâm thực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và sinh hoạt của người dân.

Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Mekong quá thấp so với các năm bình thường.

Ngoài lượng mưa trên lưu vực sông Mekong ít hơn so với trung bình nhiều năm, còn có nguyên nhân lớn từ hệ thống thủy điện trên thượng nguồn Trung Quốc và Lào tích nước. Sau việc trực tiếp gây thiếu nước, các thủy điện này còn chặn dòng chảy phù sa làm mất nguồn tài nguyên quý giá và gây sạt lún nghiêm trọng.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đã ổn định diện tích canh tác, nhưng cả Thái Lan lẫn Campuchia đều đang mở rộng nông nghiệp dẫn đến tình trạng liên tục "khát" nước sông Mekong.

Ruộng đồng của họ cần xả nước để bảo vệ cây trồng khi mưa nhiều nhưng lại tích nước khi hạn hán, vì vậy sẽ làm hạn chồng hạn cho vùng hạ nguồn như Việt Nam.

Lũ năm nay diễn biến phức tạp

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN.

Khoảng từ cuối tháng 7 đến tháng 10-2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với TBNN 20 - 30%. Đỉnh lũ năm đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN 0,2 - 0,4m.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và tháng 11, 12-2019, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn TBNN.

Mekong khô hạn, tác động Việt Nam ra sao?

TTO - Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 18-7 xác nhận mực nTHÁNG 7 ước đầu mùa lũ, tháng 6-7 năm nay trên sông Mekong đang ở mức thấp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp