Phóng to |
Lực lượng thân Nga vẫy quốc kỳ Nga, biểu tình ở Kharkov - Ảnh: AFP |
Theo Hãng tin RT, khoảng 1.500 - 3.000 người thân Nga đã đổ ra đường ở thành phố Kharkov đòi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liên bang hóa Ukraine. “Thành phố chúng tôi là của Nga dù nằm trong Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng sống độc lập theo điều kiện của riêng mình” - ông Yury Apukhtin, nhà lãnh đạo một phong trào thân Nga ở Kharkov, tuyên bố.
Theo báo Nga RT, đám đông biểu tình đã diễu hành tới Lãnh sự quán Nga để trao một lá thư gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong thư, người biểu tình đề nghị ông Putin “đảm bảo quyền và tự do” của họ, và đưa lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về việc liên bang hóa Ukraine vào ngày 27-4 tới.
Trong khi đó tại thành phố Donetsk, vài nghìn người thân Nga cũng đổ ra đường để phản đối chính quyền mới ở Kiev. Họ đòi Quốc hội Ukraine phế truất chính phủ hiện tại và thành lập một chính phủ liên minh mới. Họ cũng đòi chính quyền Ukraine công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai.
Khoảng 2.000 người đã xông vào văn phòng Công tố viên trưởng Donetsk, đòi trả tự do cho ông Pavel Gubarev, một nhà hoạt động thân Nga bị bắt hôm 6-3 vì tội vi phạm chủ quyền Ukraine và chiếm các tòa nhà chính phủ.
Ở thành phố miền đông Dnepropetrovsk, hàng nghìn người cũng biểu tình đòi trưng cầu ý dân về việc liên bang hóa Ukraine. Họ bày tỏ sự ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Lugansk, Odessa và Nikolayev.
Trước đó, chính quyền Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đưa hàng nghìn công dân từ biên giới đến các thành phố miền đông của Ukraine bằng xe buýt để kích động người gốc Nga biểu tình chống Kiev.
Trên thực tế, nhân vật đã cắm cờ Nga tại tòa nhà chính phủ ở Kharkov trong một cuộc bạo động trước đó đã được xác định là Mikhail Ronkainen, một công dân Nga, thuộc tổ chức Mestnye ủng hộ điện Kremlin.
Giới chuyên gia kinh tế thế giới nhận định xuất khẩu dầu khí 160 tỉ USD của Nga sẽ là vũ khí lợi hại nhất mà Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng để chống lại các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Theo Hãng tinBloomberg, hôm nay 17-3 các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga. Mới đây Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố EU sẽ sớm đạt thỏa thuận cấm vận Nga. Tuy nhiên lời đe dọa đóng băng tài sản và cấm thị thực các quan chức và doanh nhân Nga không hề khiến Matxcơva giật mình.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tổng xuất khẩu dầu và khí đốt của nước này đạt tới 160 tỉ USD/năm. Bloomberg dẫn lời chuyên gia Jeff Sahadeo thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu và Nga nhận định nếu Mỹ và châu Âu cấm vận năng lượng Nga, Matxcơva sẽ mất nguồn ngoại tệ quan trọng nhưng cái giá mà phương Tây phải trả là rất lớn.
“Nếu phương Tây cấm vận năng lượng Nga, đôi bên sẽ rơi vào một cuộc đối đầu theo nghĩa bên nào sẽ gục ngã trước” - chuyên gia Sahadeo dự báo.
Ngày 17-3, phía Nga tuyên bố Quốc hội nước này sẽ thông qua luật để tạo điều kiện cho Crimea sáp nhập vào Nga “trong tương lai gần”. Hãng tin Interfax dẫn lời Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Sergei Neverov khẳng định: “Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea cho thấy người dân khu vực này muốn sáp nhập vào Nga”. Ông Neverov cho biết Duma Quốc gia Nga sẽ sớm thông qua luật để tiếp nhận Crimea. |
Số liệu của các ngân hàng Goldman Sachs, Bank of America và Morgan Stanley cho thấy châu Âu nhập 32% nhu cầu dầu và 30% nhu cầu khí đốt từ Nga. Nhà phân tích Marc Lanthemann thuộc Hãng Stratfor nhận định đó là nguyên nhân châu Âu sẽ không dám cấm vận dầu khí Nga.
“Chúng tôi cho rằng phương Tây sẽ chỉ đưa ra các biện pháp cấm vận không mang hiệu quả trừng phạt cao” - chuyên gia Lanthemann đánh giá. Nhiều khả năng đó sẽ chỉ là các đòn cấm vận nhắm vào các ngân hàng và giới tài phiệt Nga.
Một số nhà phân tích khác cho rằng cấm vận năng lượng Nga sẽ phản tác dụng khi người tiêu dùng phương Tây phải hứng chịu việc giá xăng dầu gia tăng.
Giáo sư Seva Gunitsky thuộc ĐH Toronto dự báo Mỹ và châu Âu sẽ bất đồng khi thảo luận về việc cấm vận năng lượng Nga. Bởi EU dựa dẫm quá nhiều vào dầu và khí đốt từ Nga. Trong năm 2012, EU đã mua 156,5 tỉ USD dầu và khí đốt từ Nga, cao gấp 38 lần chi phí Mỹ bỏ ra để mua năng lượng Nga.
Giáo sư Gunitsky cho rằng phương Tây cần áp dụng các biện pháp trừng phạt “thông minh” đối với Nga, ví dụ như đóng băng tài sản và cấm thị thực các tỉ phú có quan hệ thân cận với ông Putin. Điều đó sẽ gây sức ép lên ông Putin nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến phương Tây.
Ukraine chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý Crimea là “trò hề”
Ngày 17-3-2014, Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là “một trò hề lớn”.
Phóng to |
Người Ukraine ở Malaga (Tây Ban Nha) hát quốc ca trong cuộc biểu tình phản đối Nga - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AFP, phát biểu tại Quốc hội Ukraine ông Turchynov tuyên bố: “Nga đang cố che giấu hành vi xâm lược ở Crimea bằng một trò hề lớn mà họ gọi là trưng cầu dân ý. Ukraine và thế giới văn minh sẽ không bao giờ công nhận kết quả này”.
Ở một diễn biến khác, kết quả trưng cầu dân ý dù không bất ngờ nhưng cũng khiến giới đầu tư hoang mang. Các thị trường Nhật Bản, Úc, Hong Kong tuột từ 0,2 đến 0,35%. Nhưng ngược lại, thị trường Trung Quốc, Seoul tăng nhẹ. Tuần trước, thị trường thế giới chao đảo mạnh vì khủng hoảng Ukraine. Chuyên gia Peter Esho thuộc Invast Financial Services nhận định các biện pháp trừng phạt sắp tới của phương Tây sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các thị trường châu Á. Đã có thông tin về đợt di chuyển vốn khổng lồ bên ngoài nước Mỹ do các công dân Nga rút về nước để đề phòng trừng phạt, ông Esho nói. |
Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của phía Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Theo Quốc hội Crimea, hơn 96% người đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý đã chọn sáp nhập vào Nga. Reuters đưa tin mới đây Quốc hội Crimea đã nộp đơn xin gia nhập Nga. Dự kiến một phái đoàn nghị sĩ Crimea sẽ đến Matxcơva ngay trong hôm nay để thảo luận tiến trình và các thủ tục gia nhập Nga. Quốc hội Crimea cũng tuyên bố giải tán toàn bộ các đơn vị quân sự Ukraine đang đóng ở bán đảo này.
Phản ứng lại, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn sắc lệnh của Tổng thống Turchynov về việc huy động 40.000 quân dự bị để đối phó với việc Nga xâm chiếm Crimea. Các quan chức Hội đồng Quốc phòng và an ninh cho biết 20.000 quân dự bị sẽ được triển khai tới lực lượng vũ trang. Phần còn lại sẽ gia nhập lực lượng Vệ binh cộng hòa vừa được thành lập.
Cũng trong ngày 17-3, chính phủ Nhật Bản tuyên bố Tokyo sẽ không thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Crimea.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho rằng việc bỏ phiếu gia nhập Nga của Crimea là bất hợp pháp và đi ngược với hiến pháp Ukraine.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng hối thúc Nga không tiếp nhận Crimea, tuy nhiên từ chối xác nhận liệu Tokyo có tham gia trừng phạt Matxcơva hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận