Phóng to |
Trên môi chị Thức và bố mình luôn thường trực nụ cười dù vất vả đến đâu - Ảnh: L.Anh |
Vài năm trước, Thức như bao cô gái khác ở Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội quê chị, học hành ra trường rồi lấy chồng, sinh con, nhưng căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống (các vùng da tiếp xúc với ánh sáng sẽ phát triển các tổn thương có vảy màu đỏ) đã tấn công mạnh vào thận ngay sau khi chị sinh con khiến chị ngày càng tiều tụy.
Những người khốn khổ
"Khoảng 2-3% trong số 600 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân lupus ban đỏ. Trong 20.000 bệnh nhân suy thận mãn đang phải chạy thận nhân tạo trên toàn quốc, có đến 600-700 người là bệnh nhân mắc bệnh lupus. Căn bệnh này thường gặp ở nữ và thường bùng phát rất mạnh sau khi họ sinh con" Bác sĩNGUYỄN HỮU DŨNG |
Gầy yếu, tiều tụy vì bệnh tật, nhưng một phần khiến Thức suy sụp nhanh bởi đi lại vất vả.
Cứ một tuần ba lần, trên chiếc xe máy cũ, 8g sáng bố Thức chở con gái và vợ lên Bệnh viện Bạch Mai, cõng con lên tầng 3 là khu vực Thức được xếp chạy thận, rồi chờ thêm hơn ba giờ, hết ca chạy thận lại chở con gái về.
Ròng rã như thế suốt hai năm nay, mỗi ngày 84km đi về và mỗi tuần là gần 250km.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết dù đã gặp rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, có người đã chạy thận 17-18 năm, có gia đình cả ba con trai đều mắc bệnh thận nhưng vẫn không khỏi xúc động khi chia sẻ Thức là một trong số bệnh nhân đặc biệt nhất ở đây.
“Bố mẹ cô ấy cũng là những người đặc biệt nhất ở đây. Hai năm đưa con đến đây, tôi chỉ thấy ông ấy có một chiếc áo” - bác sĩ Dũng nói.
Theo ông Trần Văn Lương, bố Thức, tuy gia đình ông rất nghèo nhưng vẫn cố gắng cho cô con gái đầu là Trần Thị Thức đi học nghề y ở Phú Thọ.
Song, vừa học được một năm thì Thức phát bệnh lupus ban đỏ, đành phải về nhà chữa bệnh rồi một thời gian bố mẹ lại cho cô đi học nấu ăn, có bằng ra trường, lấy chồng sinh con.
Ngay sau khi Thức sinh con, bệnh bùng phát dữ dội, từ lupus biến chứng sang suy thận, Thức phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận nhân tạo mỗi tuần ba lần.
Vậy là Thức phải để con gái mới sinh cho gia đình chồng và chồng nuôi. Thấm thoắt giờ bé đã 3 tuổi, thỉnh thoảng vào chủ nhật, em gái Thức lại đến đón cháu về thăm mẹ, cũng là trông đỡ cho bà nội cháu đang bị ung thư vòm họng, gia cảnh vất vả.
“Nắng ráo như mùa thu, mùa xuân đi lại 84km/ngày cũng không quá vất vả, nhưng mùa hè hay ngày trời rét thì vất vả lắm. Như hôm nay mưa gió, cả cháu và vợ chồng tôi đều ướt hết quần áo.
Nhưng nếu ở trọ gần đây để tiện đi lại thì lấy đâu ra tiền thuê nhà. Cháu mới đi viện về vì bị biến chứng mạch máu ở chân, cấp cứu 14 ngày mất những 14 triệu đồng, chúng tôi đều phải vay nợ” - ông Lương kể.
Biến chứng suy thận mãn
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, có thể nguyên nhân thay đổi nội tiết và nhiều nguyên nhân khác, người bệnh lupus thường bị tiến triển nặng sau khi sinh con. Căn bệnh này phá hủy hệ thống miễn dịch và bệnh nhân có thể bị tấn công vào mắt, thận, da liễu...
“Rất khó để khuyên người bệnh lupus không nên lập gia đình hay không nên sinh con, nhưng chúng tôi cũng thường khuyên những người bệnh lupus đã có một con rồi thì không nên sinh thêm nữa”- bác sĩ Dũng nói.
Ông Dũng nhận xét do tình trạng bệnh nhiễm trùng mũi họng, nhiễm trùng ngoài da... ở VN còn nhiều, một số trong những bệnh nhân này có thể gặp biến chứng suy thận mãn, nên tuổi của bệnh nhân suy thận mãn ở VN rất trẻ.
Tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, tuổi trung bình của bệnh nhân là 47-48 tuổi, trong khi ở Pháp nhiều năm trước tuổi trung bình của bệnh nhân là 65 tuổi. Mắc bệnh sớm, phải gắn cuộc đời với máy lọc máu, kiêng ăn uống... nên chất lượng sống của người bệnh cũng kém đi nhiều.
“Độc chất trong cơ thể sẽ tích tụ theo hình sin, sau buổi lọc máu bệnh nhân sẽ nhẹ nhõm hơn, nhưng càng gần đến kỳ lọc kế tiếp họ càng khó chịu, càng mệt mỏi, bứt rứt, đặc biệt là những ngày thời tiết thay đổi. Tôi ước mong sẽ làm được một đề tài về định danh nguyên nhân và cơ cấu gây bệnh suy thận mãn, tiến tới phòng ngừa được bệnh cho người Việt”- bác sĩ Dũng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận