25/03/2014 07:51 GMT+7

Người mẹ tìm con

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Nếu mỗi người đều có một niềm ân hận vì một điều gì đó mình không tránh được trong cuộc đời, thì với Hồng Nga đó là nỗi đau không nguôi khi dạo còn trẻ, trồi sụt trên đường lưu diễn bà đã để thất lạc hai đứa con gái, hai núm ruột của mình.

Kỳ 1: Kỳ 2:

7D3VsLNM.jpgPhóng to
Tiếng khóc - cười trên sàn diễn cũng là tiếng khóc - cười của cuộc đời nghệ sĩ Hồng Nga - Ảnh: M.C.

Hồng Nga nhớ lại câu chuyện tang thương bắt đầu từ khi vì quá vất vả, một mình với năm đứa con, bà đã mang gửi hai đứa, một 3 tuổi một 5 tuổi cho một người bạn.

Ba năm sau, người bạn ra nước ngoài mang theo hai đứa trẻ nhưng lại để lạc mất cả hai ở xứ lạ. Bà chỉ nhận được thông tin duy nhất là con mình đã được định cư tại Thụy Sĩ rồi bặt vô âm tín.

Biết bao nhiêu năm trong những đêm khóc vì ân hận, vì nhớ thương con, bà lần giở bức thư của bé Nhung, năm đó 8 tuổi viết về cho mẹ một lần duy nhất: “Con đang ở đảo. Tụi cướp nó ác lắm, ác lắm, nó xô con muốn té...”.

Bà hình dung con bé đang kêu cứu. Nó gặp hiểm nguy, nó bé bỏng sợ hãi trong đêm tối và sóng dữ mà bà không có ở bên con.

Ai đã từng làm mẹ mà không hình dung nỗi khắc khoải này? Nó đi xa rồi, sống chết, lành rách, no đói đều mù mịt - thì bữa cơm giấc ngủ của người mẹ có lúc nào yên được.

Khúc đoạn trường nơi xứ lạ

"Hỏi Hồng Nga có phải là một người si tình không, bà nghĩ ngợi một lúc rồi nói: Không phải si tình. Nhưng quá lụy tình. Vì lụy tình mà khổ..."

18 năm sau, năm 1996, Hồng Nga mới có dịp lưu diễn ở Thụy Sĩ. Trời lúc đó rất lạnh.

Hồng Nga không bao giờ quên giây phút bà hát trên sân khấu mà tâm hồn lang thang quay ngược về những năm tháng gian nan nơi quê nhà, người mẹ nghèo khốn khổ đã phải rứt ruột xa con. Nước mắt bà tuôn rơi như suối.

Nghệ sĩ Bảo Quốc nói với khán giả: “Chị Hồng Nga khóc là vì chị ấy có hai đứa con ở trên đất Thụy Sĩ này”. Khán giả hỏi: “Vậy nó đâu? Nó đang ở đâu?”. Hồng Nga bèn đưa ra tấm ảnh duy nhất đã ố vàng. Cả khán phòng cùng khóc với bà.

Tưởng là vô vọng như mò kim đáy biển, không ngờ một Việt kiều truy tìm được tung tích của hội từ thiện đã nhận nuôi hai đứa trẻ 18 năm trước.

Ông cũng kiên nhẫn lần tìm theo dấu điện thoại vì tại Thụy Sĩ mỗi người chỉ dùng một số điện thoại bàn, nếu chuyển chỗ ở số điện thoại vẫn đi theo. Cuối cùng, sự kiên trì và tấm lòng của ông như một phép thần kỳ, ông đã tìm ra cả hai chị em.

Nhưng vào ngày hôm đó, đoàn của Hồng Nga đã rời Thụy Sĩ sang hát ở Hà Lan. Người Việt kiều tốt bụng - ông Ba Hối - đã cho người con rể lái xe sang Hà Lan đón Hồng Nga về Thụy Sĩ ngay trong đêm. Chiếc xe chạy hết tốc độ để anh kịp sáng sớm về đi làm. Hồng Nga ngồi sau nhắm mắt niệm Phật, xin cho mình sống sót để gặp con.

Trở về Thụy Sĩ không có hộ chiếu, một Việt kiều khác đã “liều” cho bà mượn. Với cái hộ chiếu mượn trong túi, trong đêm giữa một trời tuyết trắng Hồng Nga được dắt đến trước cửa ngôi nhà có con gái bà đang sống.

Người dẫn đường gọi điện thoại nói chuyện trước. Cô gái trả lời cô không có người mẹ nào hết. Anh bước tới gõ cửa. Cửa mở. Hồng Nga nghe nghẹn trong lồng ngực. Trái tim bà đau thắt.

Dù 18 năm đã trôi qua nhưng khuôn mặt con gái bé bỏng vẫn còn quá quen thuộc với lúm đồng tiền xoáy sâu trên má - đôi má thơm mùi sữa bà hôn hít ngày nào sau những ngày đêm vất vả đi hát, trở về căn nhà lụp xụp. Nó vẫn tóc đen và mắt đen. Nhưng nó đã quên hết tiếng Việt và cương quyết không nhận mẹ.

Nó chỉ vào trong nhà, nơi có bà mẹ nuôi người Đức và nói dứt khoát: “Tôi chỉ có người mẹ duy nhất đó mà thôi. Không có người mẹ nào khác”... Câu nói lạnh lùng như một nhát dao.

Cánh cửa đóng mạnh. Trời đông lạnh như vậy mà lòng Hồng Nga như có lửa đốt. Bà muốn bước thêm một bước, vào nhà, ôm con, nhưng đôi chân lạnh cóng và trái tim tê dại. Người dẫn đường kéo bà lên xe, mặc cho bà khóc la trong cơn vật vã không kiềm chế nổi.

Lòng mẹ bớt đau

Họ tiếp tục tìm đến nhà người con gái thứ hai. Người bạn trai của cô ra mở cửa và nói Laura Nhung không có nhà. Người dẫn đường nói: “Đây là mẹ của Nhung. Ngày mai bà ấy sẽ về VN và không biết đến bao giờ mới trở lại. Tóc bà ấy đã bạc và bà có thể sẽ chết...”. Anh vừa dứt lời, người con gái xuất hiện trên ngưỡng cửa, nói: “Tôi đây”.

Cô không cho mẹ ôm hôn, cũng không đồng ý chụp hình chung, nhưng cuối cùng cũng đưa tay cho bà bắt. Bà nắm đôi tay con gái, nhìn như để ghi dấu hình ảnh của nó rồi lê bước trở về.

Suốt chặng đường quay lại Hà Lan, bà và người dẫn đường cùng khóc. Rồi những ngày sau đó bà cũng không biết mình diễn những tuồng gì, làm sao còn nhớ tuồng mà diễn. Bà chỉ nhớ bà đã buồn rũ rượi, và cứ cất lên câu hát là khóc như mưa. Ôi câu hát nào giữa xứ người cũng rứt lòng người mẹ...

Năm sau, bà trở lại Thụy Sĩ trong một chuyến lưu diễn khác. Vừa bước tới cửa nhà hát, trong tuyết trắng bà nhìn thấy một bóng dáng thân thương cầm trong tay một bông hồng.

Đó là Laura Nhung. Cô đến xem bà biểu diễn. Cô đã chờ đợi bà. Cô đã chịu lắng nghe lời khuyên giải kể lể của ông Ba Hối, về tất cả uẩn khúc trong cuộc đời của mẹ cô ngày ấy nơi quê nghèo. Cô cũng nghe lời người bạn trai: “Tóc em và mắt em đen, dù thế nào em vẫn chính là con của người đàn bà ấy. Em cũng không thể từ chối cội nguồn...”.

Nhìn thấy con, bà ngất xỉu. Con gái đưa tay ra đỡ. Cô ôm mẹ trong tay sau 18 năm. Mẹ cô khóc, khán giả khóc. Rồi rất nhiều người lên sân khấu tặng quà, đủ mọi thứ.

Laura Nhung ngạc nhiên hỏi ông Ba Hối: “Tại sao tặng quà? Ở đây người ta chỉ tặng quà ngày Giáng sinh và sinh nhật”. Ông giải thích: “Họ tặng quà vì họ ái mộ mẹ cô. Ở VN bà rất được yêu thích. Hôm nay họ tặng quà còn là vì cô. Cô đã bằng lòng nhận bà làm cho bà vui, hàn gắn vết thương của bà. Bà sẽ bớt đau lòng từ nay...”.

Năm sau nữa, cô trở về VN thăm mẹ. Dù vẫn không nói được tiếng Việt nhưng khi được mẹ dẫn về ngôi trường cũ, những nơi kỷ niệm tuổi thơ, cô đã mỉm cười. R

ồi có một buổi tối ngồi bên nhau trong căn phòng ấm áp, bà nói: “Con có một cái sẹo ở sườn bên phải. Hồi con còn nhỏ bị nước trong phổi, bác sĩ phải chọc ống vào đó hút nước ra. Đau lắm. Má đứng ngoài nghe con la mà xót dạ, muốn đau giùm con có được đâu”. Laura nhìn bà. Phải. Cô có một cái sẹo tròn ở sườn phải. Cô là con của bà. Bà đã không đủ sức để giữ cô ở bên cạnh ngày thơ ấu, nhưng người mẹ nào cũng vậy, dù làm gì cũng vì muốn tốt cho con. Giờ đây cô cũng đã làm mẹ và cô hiểu...

“Xin mẹ cho con dứt được nỗi đau này”

18 tuổi, Hồng Nga lấy chồng và mang thai ngay sau đó. Tuy nhiên, mơ ước về một ngôi nhà ấm cúng để đêm đêm bên nhau chồng chồng vợ vợ lúc ấy là một chuyện quá xa vời.

Bà kể chồng bà cũng là một kép hát, ông đi theo đoàn của ông, bà theo đoàn của bà. Người vợ trẻ yêu chồng bằng lòng với việc vài ba bữa gặp nhau một lần. Hồng Nga vẫn tự mình kiếm tiền nuôi con. Tự mình kiếm tiền nuôi mình như lúc chưa có chồng.

Bà cũng có thêm cái cảm giác vui sướng khi cắc ca cắc củm kiếm thêm tiền đưa cho chồng xài, mà chưa một lần tự hỏi tại sao ông không hề có ý định giúp đỡ mẹ con mình, ngay cả khi vợ túng thiếu phải mượn tiền trả góp. Người con gái ngây thơ vẫn tưởng mình đang hạnh phúc cho đến một ngày chợt nhận ra người ấy chỉ lợi dụng mình mà thôi.

Cuộc chia tay đơn giản. Và nỗi đau đầu đời như một vết hằn trong cái bi kịch của sự trao gửi không đúng chỗ.

Người chồng thứ hai sống với nhau có tới ba mặt con trong những tháng ngày sóng gió mà bây giờ nghĩ lại Hồng Nga vẫn còn thấy tủi thân. Lúc đó bà bảo không hiểu sao cứ mỗi lần vợ có thai thì chồng lại bỏ nhà đi biền biệt.

Chỉ sau này xa nhau rồi Hồng Nga mới hiểu đơn giản là vì người chồng ấy chẳng có chút tình thương cũng chẳng có trách nhiệm. Cái gọi là vợ chồng chỉ là tự mình sinh con, nuôi con, đi hát khắp nơi kiếm tiền và những trận cãi cọ, ghen tuông triền miên.

Tuyệt vọng. Bà đội đèn lên Châu Đốc vào khấn bà Chúa Xứ: “Xin mẹ cho con dứt được nỗi đau này, cái nợ này. Hoặc là con phải can đảm từ bỏ, hoặc là con sẽ chết”.

Có lẽ bà Chúa Xứ linh nghiệm hoặc có lẽ giun xéo mãi cũng quằn, hoặc có lẽ cuối cùng lòng kiêu hãnh của người đàn bà bất hạnh nhưng quật cường đã thắng. Bà đã tìm được cái can đảm để dứt bỏ...

Người chồng thứ ba rất yêu thương Hồng Nga. Hai người có thêm một con trai nữa nhưng hạnh phúc vẫn không mỉm cười. Ông bị sự quyến rũ của ma men, suốt ngày đắm chìm trong rượu. Say say tỉnh tỉnh, mỗi lần vợ buồn thì quỳ gối xin lỗi. Hồng Nga lại rớt nước mắt tha cho. Nhưng cuối cùng tình thương, tình yêu, sự nhẫn nhục ấy cũng chẳng thay đổi được gì...

Người sau cùng Hồng Nga gặp và yêu là một soạn giả nổi tiếng. Bà yêu ông vì tài hoa và bởi nét phong trần. Bà đã ao ước mình giữ được mối tình này, hạnh phúc này. Nhưng... Hồng Nga kể: “Tôi đã thật sự có một quãng đời hạnh phúc. Nhưng rồi tính hào hoa, trăng gió và cái ngông cuồng của người cầm bút nổi danh, anh đã làm tôi đau khổ. Mười năm chung sống, chia tay trong năm phút. Anh nói đơn giản đã có người đàn bà khác. Thế là xong. Hôm sau khi tôi đi tập tuồng trở về, anh đã dọn đồ đạc đi hết. Nhìn căn nhà trống hoác, tôi biết từ nay tôi sẽ căm ghét lũ đàn ông bội bạc”.

__________

Kỳ tới: Gai góc đi hết phận mình

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp