09/04/2023 12:00 GMT+7

Người mẹ buộc phải là 'chiến binh': Nương tựa vào ai ngoài chính ta?

Nhiều mối căng thẳng âu lo dồn nén lâu ngày đã dẫn đến trầm uất, trầm cảm của người mẹ sau sinh. Ai sẽ đưa vai cho họ tựa nương?

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Không biết từ khi nào tôi thường tránh đọc những tin bài liên quan đến án mạng, nhất là những sự vụ mà nạn nhân là trẻ em. Tôi đoán phần đông những bà mẹ, nhất là những người có con nhỏ, bị ám ảnh nặng nề trước những cái chết tức tưởi bé con ấy! Ám ảnh rất lâu.

Nhưng rồi bằng cách nào đó tin tức vẫn đột nhập vào tôi hoặc từ những cơn bão dư luận, hoặc tình cờ lọt vào mắt tôi qua tựa bài hoặc qua những câu chuyện lao xao.

Thủ phạm cũng là nạn nhân

Liên quan đến trẻ em, có một điều tàn nhẫn là kẻ thủ ác thường là những đối tượng rất gần: cha mẹ, ông bà, mẹ kế, cha kế, thầy cô... - những người rất gần gũi, lẽ ra là rất được tin yêu!

Trong một số tình huống không ít, thủ phạm cũng đồng thời là nạn nhân: những người mẹ bất lực, cùng quẫn, tuyệt vọng.

Đâu đó chừng một năm trước, có người mẹ 25 tuổi bế con 8 tháng tuổi gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn.

Ở Hải Phòng, một người mẹ chở hai con nhảy cầu tự vẫn. Bé 5 tuổi may mắn chạy thoát, còn người mẹ và bé 1 tuổi bị đuối nước. Tôi không dám hình dung rồi đứa bé lớn lên sẽ ra sao.

Gần nhất, ở Hòa Vang (Đà Nẵng), lực lượng chức năng phát hiện hai trẻ sinh đôi chết tại nhà, người mẹ 41 tuổi trầm mình nhưng được cứu.

Nhiều năm trước, tôi từng viết về một người mẹ ép con cùng uống thuốc rầy tự tử. Những người mẹ ấy hẳn đã không cam lòng để lại con trên cuộc đời vốn chẳng lấy gì làm vui vẻ này nếu không nói là quá nhiều những nặng nề chịu đựng tối tăm. Thứ căng thẳng âu lo dồn nén lâu ngày đã dẫn đến trầm uất, trầm cảm; sự mất kiểm soát đã bùng lên trong một phút giây nào đó, để nạn nhân trở thành kẻ thủ ác hoặc với chính mình và cả với núm ruột đẻ ra!

Ai đi qua đoạn đời làm mẹ có lẽ sẽ càng thấm thía. Ngay bản thân mình, đến khi con tôi 17 tuổi, đi ngang qua một bà bầu, thậm chí đi ngang một tiệm áo bầu, tôi vẫn còn rùng mình. Cảm giác như vừa mới hôm qua, những cơn nghén vật vã, những đêm không ngủ, tưởng chết đi có khi còn khỏe hơn, 3-4 tháng trời không ăn được gì mà không hiểu sao mình vẫn sống. Cảm giác lên bàn mổ, sự sợ hãi lo lắng sinh tử.

Rồi cảm giác lần đầu tiên đặt bàn chân xuống đất tập đi, tưởng có thể thấu tới... mấy ông trời! Nhưng rồi cũng nghiến răng mà tập đi. Rồi mất ngủ, rồi con khóc, con ốm, con khóc... Mọi người xung quanh ngủ im lìm, chỉ có mình bế con đi tới đi lui trong nhà.

Nương tựa vào ai ngoài chính ta?

Sao ông bà lại nói "sinh con rồi mới sinh cha" mà không phải là... sinh mẹ. Có phải từ khi đặt con vào dạ, chỉ mới nghe tiếng chưa nhìn thấy hình, người mẹ đã có một kết nối sâu sắc với con mình? Mẹ đã hiểu rằng nếu không có mình chăm sóc dưỡng nuôi, đứa trẻ này sẽ không thể sống. Cảm giác phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của một ai đó cho đến khi mình nhắm mắt thật sự không hề là một cảm giác dễ dàng...

Tôi biết một người bạn, trước khi sinh cùng với cái bụng lặc lè, cô ấy đã tự chuẩn bị một tháng đồ ăn, chia thành từng phần cho mình, cho chồng, cho hai đứa con lớn và trữ trong tủ đông. Ngày cô nằm viện, mấy cha con chỉ việc lấy ra hâm nóng! Tất nhiên cô cũng tự mình chuẩn bị viện phí, hành trang cho bé sơ sinh! Tôi phong cô là nữ cường nhân từ dạo ấy.

Tự nghĩ có bao nhiêu người mạnh mẽ như cô ấy! Một người bạn khác đang yên lành chốn Hà thành, khi có con, không đành để con ở nhà trọ chật chội, kẹt xe, ô nhiễm, bạn chọn về quê mở lớp dạy tại nhà, tự mình nuôi hai con nhỏ, mấy lần định bỏ chồng vì cảm giác đơn độc. 

Năm nào anh ấy cũng hứa hẹn về quê sống, rồi thấy anh bồn chồn bức bối bạn thở dài, tặc lưỡi "thôi cứ để anh ấy bay nhảy, bao giờ chán thì thôi"! 

Bạn đành tiếp tục ở lại quê nhà làm một nữ chiến binh đơn độc, có thể dạy liên tục từ sáng đến tối, thậm chí xuyên đêm, những đêm học trò cần chạy nước rút. Nhưng chỉ một lời bóng gió, một ánh mắt ái ngại là đủ làm "chiến binh" gục ngã!

Tin tốt là đa số phụ nữ tự mình thoát khỏi trầm cảm sau sinh, nhất là người biết chăm sóc sức khỏe tinh thần, học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, không kỳ vọng và áp đặt bản thân quá mức. Những người còn lại trong gia đình có thể tạo điều kiện để mẹ được ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi, dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè.

Người học làm cha có thể bắt đầu từ việc chăm sóc, quan tâm lắng nghe và thông cảm cho tình trạng rối rắm hỗn loạn cảm xúc này của người mẹ.

Tôi nhớ cao trào của sự căng thẳng, tôi vừa khóc vừa nói vừa kể lể... đủ các thể loại. Chồng tôi ngồi nghe và nói: Anh có thể lắng nghe, có thể đưa ra giải pháp, nhưng người có thể tự cứu mình thoát ra khỏi mớ bòng bong này chỉ có thể là em.

Vào thời điểm căng thẳng và giận dữ dâng cao, tôi đã thấy kết quả của sự mở lòng chia sẻ chỉ để được… chất thêm một gánh nặng. Rằng tôi phải chịu trách nhiệm với chính bản thân mình và mọi quyết định của mình! Đó là một thời khắc tuyệt vọng. Nhưng rồi bằng cách nào đó tôi đã hiểu ra: không ai có thể làm tổn thương mình nếu mình không cho phép!

Tôi, ta còn có thể nương tựa vào ai được nữa ngoài chính ta? Ta không thể nhân danh tình yêu để dập vùi một cuộc đời vừa mới hé nở, cũng không thể vin vào bất hạnh để cho phép mình bấm nút biến mất khỏi cuộc đời! Ta chỉ có một cuộc đời duy nhất để sống...

Mẹ dìm chết hai con nhỏ dưới sông nghi do trầm cảmMẹ dìm chết hai con nhỏ dưới sông nghi do trầm cảm

Tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vừa xảy ra vụ việc người mẹ trẻ nghi bị trầm cảm nên dìm chết hai con nhỏ (2 tuổi và 5 tuổi) dưới sông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp