Thí sinh thi chung kết Vietnam’s Next Top Model 2015 với giấc mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp - Ảnh tư liệu. |
Một vấn đề nóng khác là việc thông qua nghị định 79 để cấp thẻ hành nghề cho người mẫu - một vấn đề không mới, thậm chí nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều hội thảo trước đây nhưng đến trước hội thảo lần này vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Mỗi năm, hơn 100 cuộc thi người đẹp
Gần đây có rất nhiều người đẹp tham gia các cuộc thi quốc tế, đoạt giải và cho rằng mang danh dự về cho đất nước, nhưng vừa về nước đã phải lo đi... đóng phạt vì lý do: thi chui, thi lậu.
Xung quanh câu chuyện này, nhiều câu hỏi liên tục được những người tham dự hội thảo đặt ra như: Nếu người đẹp mong muốn đi thi nhưng không phải là hội viên của Hội Người mẫu VN có được đi thi không? Trình báo như thế nào lên cơ quan có thẩm quyền thì hợp lý? Quyền đi thi hay không là quyền công dân của mỗi người?...
Nhìn nhận về thực trạng này, bản thân hai phó chủ tịch của Hội Người mẫu VN là bà Nguyễn Thế Thanh và ông Trần Mạnh Cường cũng có những ý kiến trái ngược nhau.
Bà Thanh cho rằng: “Người đẹp đi thi nên gửi đơn thông báo, mang tính chất thông cáo. Bởi xét cho cùng nếu người đẹp muốn đi thi, họ vẫn hoàn toàn đi được theo diện du lịch”.
Ông Cường lại nói: “Với các cuộc thi mang tính chất đại diện cho quốc gia bắt buộc phải xin phép. Và chuyện được phép hay không được phép là trách nhiệm và quyền của các cơ quan quản lý nhà nước!”.
Hoa khôi Lan Khuê tại hội thảo nghề người mẫu - Ảnh: T.T.D. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) - nói: “Pháp luật của chúng ta quy định rất cởi mở. Ví dụ: tại nghị định 79 hiện nay, một năm có hai cuộc thi lớn ở quốc tế, ba cuộc thi của các đoàn thể trung ương và mỗi tỉnh thành đều có tổ chức thi sắc đẹp.
Như vậy mỗi năm chúng ta có đến hơn 100 cuộc thi người đẹp khác nhau và luật quy định rất rõ: chỉ cần đạt một trong những danh hiệu chính của các cuộc thi này là có đủ điều kiện đi được rồi. Nhưng do bản thân một số công ty, người mẫu chưa đọc, chưa hiểu những quy định mở của luật pháp nên đôi khi nói: sao cứ cấm!
Và bởi đối tượng rất rộng nên vừa qua xuất hiện hàng loạt người không xứng đáng là người mẫu, hoa hậu vẫn giả danh để đi thi, dẫn đến những lùm xùm không đáng có!”.
Công nhận nghề người mẫu
Riêng về vấn đề cấp thẻ hành nghề cho người mẫu, ông Kim Sung Pil - đại diện Hiệp hội Người mẫu châu Á tại Hàn Quốc - cho biết Hàn Quốc hiện nay đã công nhận người mẫu là một nghề có mã số thuế, mã số ngành nghề riêng.
“Người mẫu được đào tạo chính quy tại hơn 10 trường đại học với khóa đào tạo 2-4 năm và được Bộ Giáo dục chứng nhận. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, học viên cũng có thể học lên với các khóa đào tạo sau đại học để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài đại học chính quy, họ có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn - được gọi là các trường “charming school” (tạm dịch: trường học duyên dáng). Và họ hoạt động rộng khắp trong các lĩnh vực trình diễn, ca sĩ, người mẫu... Việc đi thi quốc tế cũng được tuyển chọn rất rõ ràng, cụ thể!” - ông Pil nói.
Lấy thêm ví dụ việc kiện toàn tổ chức người mẫu, ông Nguyễn Đăng Chương nói cách đây chỉ vài ngày, Chính phủ Pháp cũng vừa thông qua những quy chuẩn để được công nhận là một người mẫu hoạt động tại nước này.
Trong khi đó, theo PGS.TS Phan Bích Hà (Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), dù VN đã có vài trung tâm tư nhân, nhà văn hóa đào tạo người mẫu tự phát, nhưng chưa có cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp. Trong các trường nghệ thuật công lập ở nước ta cũng chưa hề có khoa người mẫu đào tạo chính quy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận