Người lớn hãy bớt “ảo”, bớt hơn thua nhau những điểm số 10, cho con trẻ được hồn nhiên vui học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của chị bạn khoe bé gái lớn con chị đậu vào Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tại TP.HCM, đồng thời còn là thủ khoa Trường THPT chuyên Hùng Vương tại Bình Dương.
Tôi hỏi sao chị không đăng thành tích của con lên mạng, chị khiêm tốn trả lời rằng con đạt thành tích cao, cha mẹ nào cũng vui mừng, hãnh diện, thậm chí chị muốn reo thật to lên.
Nhưng chị lại nghĩ "con mình nhất thì con người khác nhì, ba, và thấp nhất là không được gì!". Mình cười vui thì có người buồn, có người tủi thân.
Hơn nữa, thành công - ngoài sự cố gắng, nỗ lực của con, còn có sự may mắn. Chỉ là con bé chị may mắn hơn bạn bè nó một chút, nên chị chỉ chia sẻ trực tiếp với những người thân thiết.
Chợt nhớ lại chuyện mấy năm trước, khi Bộ GD-ĐT chưa áp dụng quy định "bỏ chấm điểm, tăng nhận xét". Một hôm, tôi gặp một chị bạn hỏi con về điểm bài thi, con bé nói quên rồi. Tức thì chị mở cặp con bé, lôi ra tờ giấy kiểm tra.
Nhìn thấy điểm số, chị giận run: "Tại sao chỉ có 9 điểm? Mẹ đã ôn bài cho con kỹ càng mà tại sao có 9 điểm, lại còn dám nói dối?".
Chính vì áp lực phải đạt bằng được điểm 10 của mẹ đã khiến con bé phải nói dối. Con bé lấm lét nhìn mẹ rồi cúi đầu như vừa gây ra tội lớn.
Tôi can thiệp thì bị nổi xung luôn: "Bà không biết đâu, nó đang nhứt lớp, giờ mà 9 điểm là tháng này tụt xuống hạng nhì, nhỏ con bà H. lên nhứt lớp..."!
Hóa ra vậy! Là cô bạn ganh đua với phụ huynh H. nào đó. Tôi nhìn bạn rồi cười: "Con bé học vậy là quá giỏi rồi, hồi đó đi học bà chỉ học trung bình chứ có học giỏi được như nó đâu?". Cô bạn nghe tôi nhắc vậy thì... im lặng!
Mới đây, khi đón cháu gái tại Trường THCS Phú Long (Bình Dương), kỳ thi học kỳ 2 mới vừa đây, tôi nghe cuộc chuyện trò của hai em học sinh lớp 7 ở cổng trường. "Kỳ này môn toán tao mà không được 10 điểm, về mẹ tao giết!". "Tao nói với mày, cái trường này mai mốt sẽ không còn là cái trường học nữa mà sẽ thành cái... bệnh viện. Biết tại sao hôn? Tại vì học quá nên... khùng hết!".
Tôi từng có thời gian tiếp xúc với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt để giúp các em được xét học bổng báo Tuổi Trẻ, nhận thấy một điểm chung ở các em là đều tự học. Phụ huynh những em học sinh này không có thời gian quan tâm đến việc học của con cái, nói gì đến việc hơn thua điểm 10 của con với... phụ huynh khác.
Khách quan mà nói, điểm 10 là điểm số đẹp mà bất kỳ học sinh nào cũng muốn đạt được trong suốt quá trình học tập ở trường. Nhưng chỉ những điểm 10 được đánh giá đúng năng lực, thực lực mới là điểm 10 có giá trị thực sự. Thôi thì người lớn hãy bớt "ảo", bớt hơn thua nhau những điểm số 10, cho con trẻ được hồn nhiên vui học...
Ngày 30-5, ông Trịnh Văn Tâm - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết giám đốc sở này yêu cầu các trường mầm non không tặng giấy khen cho trẻ mầm non theo các danh hiệu học tập như cấp học phổ thông như "Học sinh tiên tiến", "Học sinh xuất sắc", "Học sinh giỏi". Cách khen này chưa đúng chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các trường mầm non sử dụng các hình thức khen - chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Tinh thần biểu dương trẻ là chính nhưng không lạm dụng. Có thể khen trẻ cuối năm bằng phiếu khen là: "Bé khỏe", "Bé ngoan", "Bé khỏe - Bé ngoan".
HÀ ĐỒNG
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM):
Bộ GD-ĐT như không coi đây là trách nhiệm của mình
Chuyện có nhiều điểm 10 do một phần là sự đòi hỏi thái quá của cha mẹ, rồi xã hội hiện tại cũng tạo nên rất nhiều áp lực, nặng nhất là căn bệnh thành tích mà cho tới nay càng ngày càng nặng nề hơn. Cái gốc thành tích sẽ nảy nở sự dối trá trong giáo dục, gây ra những hệ lụy mà chúng ta bây giờ chưa dự liệu được.
Tôi băn khoăn là có cảm giác như Bộ GD-ĐT không coi trách nhiệm đó là của mình. Cứ im lặng như đó là việc của một cơ quan nào đó. Bộ đã thiếu giám sát, bỏ trôi việc sát hạch, soát xét kết quả để các trường tự "ban phát" thành tích cho học sinh.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau):
Tìm học sinh yếu khó hơn "mò kim đáy bể"
Có vẻ như ngành giáo dục không dám đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập thực chất, đúng thực trạng hơn. Theo tôi, nên có một cuộc khảo sát trên quy mô lớn về vấn đề này. Nền giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang):
Cần một nền giáo dục không nói dối
Trong giáo dục, việc đánh giá kết quả hết sức quan trọng. Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều cải cách nhưng theo tôi phương pháp chưa đúng. Trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường. (T.B.D. ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận