15/02/2005 22:33 GMT+7

Người lính làm giáo dục

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempich không chỉ được biết đến là trung tâm đào tạo kỹ thuật cho quân nhân các tỉnh phía Nam mà còn là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người dân nơi đây khi người lính vào cuộc làm giáo dục.

FHmHz1wy.jpgPhóng to
Lớp tin học tại Trung tâm tin học Vinhempich
Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempich không chỉ được biết đến là trung tâm đào tạo kỹ thuật cho quân nhân các tỉnh phía Nam mà còn là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người dân nơi đây khi người lính vào cuộc làm giáo dục.

"Đóng quân tại địa bàn này, mình phải làm điều gì đó để giúp người dân nơi đây” - Thượng tá Nguyễn Hữu Thuần, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Vinhempich nói về những điều từng trăn trở. “Chúng tôi thấy nhiều con em ở quận Gò Vấp muốn học ngoại ngữ phải lên quận 1, quận 3… Vất vả quá…”.

Nghĩ và làm. Năm 1992, nhà trường quyết định giao cho anh trọng trách tổ chức một trung tâm dạy ngoại ngữ, phục vụ cho người dân tại địa bàn. Những khái niệm về súng ống, kỹ thuật quân sự… là sở trường của đội ngũ giáo viên nhà trường nhưng việc dạy ngoại ngữ cho người dân thì quả là quá mới mẻ.

Vạt đất đầy cỏ lau ngay mặt tiền đường Nguyễn Oanh với vài ba căn phòng cũ kỹ được cải tạo, xây dựng thành phòng học. Chuyện dễ. Khó là thầy đâu, trò đâu, dạy cái gì? Nghĩ mãi, anh Thuần phóng thẳng lên Trường ĐH Sư phạm “cầu cứu”. Một “liên doanh” Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Sư phạm – Vinhempich được thành lập. Chuyên môn, giáo trình… do ĐH Sư phạm hỗ trợ. Vốn liếng nguồn giáo viên, lúc đầu chỉ có 3 người của Vinhempich, ĐH Sư phạm giới thiệu thêm vài người, còn lại, anh Thuần phải đến các trường đại học để tìm thêm.

Tháng 6-1992, hai lớp ngoại ngữ trình độ A đầu tiên ra đời với con số khiêm tốn: hơn 20 học viên. Thế rồi, tháng nào trung tâm cũng mở lớp, “như một dòng chảy liên tục”, anh Thuần ví von một cách hình ảnh. Số lớp và số học viên cứ tăng đều đặn nhưng vẫn ở mức khiêm tốn. Học sinh, sinh viên tìm đến ghi danh học bởi lẽ ở đây “học phí vừa túi tiền, lại gần nhà”.

Sau 18 tháng học, 2 lớp trình độ A đầu tiên đã trải qua kỳ thi cuối khóa do chính các thầy giáo của ĐH Sư phạm ngồi ghế giám khảo, bằng chứng chỉ quốc gia do Trường ĐH Sư phạm và Vinhempich cấp. “Thời điểm ấy, có trình độ A ngoại ngữ là khá lắm rồi. 70% học viên đậu đều là những học viên xứng đáng và thực chất”, anh Thuần nói.

Cuối năm 1992, số lớp đã tăng lên đến con số 30. Mừng nhưng chưa lạc quan. Dò dẫm và đi từng bước. Mãi đến đầu năm 1994, trung tâm mới mở các lớp trình độ B và đầu năm 1995 mở tiếp các lớp trình độ C. Đến thời điểm năm 2003-2004, số học viên đã đạt ở con số không ngờ: 112 lớp với hơn 2.500 học viên! Không chỉ là chuyện bền bỉ với thời gian hơn 10 năm, điều gì đã tạo nên “thương hiệu” cho Trung tâm Ngoại ngữ Vinhempich?

… Anh Thuần đưa cho chúng tôi xem tấm thiệp chúc năm mới từ Úc của một cô giáo dạy tiếng Anh ở Trung tâm Vinhempich gởi cho anh và các đồng nghiệp. Cô đang đi tu nghiệp ở Úc. Tình cảm là vậy. Anh Thuần kể: “Cái khó lớn nhất là khâu giáo viên. Khi nhận giáo viên vào dạy, trung tâm yêu cầu phải tốt nghiệp đại học ngoại ngữ chính quy… Ngoài tiền lương, giáo viên dạy tốt, thu hút đông học viên sẽ được nhận thêm tiền bồi dưỡng lũy tiến…”.

Giờ giấc lên lớp cũng mang “chất lính”: lên và xuống lớp đúng giờ, lớp ít học viên vẫn phải dạy nghiêm túc. Anh luôn tâm sự với các thầy cô “học viên đóng tiền, chúng ta phải dạy nghiêm túc, không xuề xòa”.

Ngày lễ, tết hay dịp hè… trung tâm luôn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như khiêu vũ, biểu diễn văn nghệ, đi tham quan nghỉ mát cho giáo viên – một cách làm tạo sự gắn bó, chia sẻ. Điều này như một động lực để những giáo viên đang dạy tại trung tâm không chỉ dạy lấy tiền.

Họ đứng lớp bằng tất cả tình cảm, như để đáp lại tấm lòng đối đãi của trung tâm. Có người, nhà tận quận 7, 10… vẫn gắn bó với trung tâm. Giáo viên tận tụy với học viên, nghiêm túc khi lên lớp đã tạo được sự tin cậy cho học viên và phụ huynh. Kết quả, những năm gần đây, số học viên của trung tâm luôn tốt nghiệp ở mức 65%-70% (trình độ B) và 50%-60% (trình độ C).

Một điều tạo uy tín cho trung tâm là các kỳ thi “luôn luôn nghiêm túc, không chấp nhận sự dễ dãi hay ngoại lệ nào” và tấm bằng tốt nghiệp phản ánh đúng chất lượng, trình độ của học viên. Và thực tế, “thương hiệu” Vinhempich đã có chỗ đứng trong lòng học viên. Đã có dạo, thấy trung tâm “ăn nên làm ra”, một loạt 9 trung tâm ngoại ngữ của nhiều tổ chức khác đồng hè mọc lên nhưng rồi không bao lâu sau cũng đành đóng cửa do không cạnh tranh lại với Vinhempich.

Giờ, cùng với các lớp dạy tiếng Anh, Trung tâm Ngoại ngữ Vinhempich đã thành công trong việc mở thêm các lớp tiếng Hoa, Hàn, Nhật. Từ chỗ mỗi năm chỉ tổ chức 3 kỳ thi tốt nghiệp, hiện nay phải tổ chức thành 4 kỳ để đáp ứng đầu ra cho học viên. Song song với việc dạy ngoại ngữ, trung tâm cũng tổ chức dạy tin học. Từ buổi ban đầu với 1 lớp, 1 giáo viên và 15 máy vi tính, hiện trung tâm đã có 12 giáo viên, 80 máy và 600 học viên.

“Nhớ lại buổi ban đầu gầy dựng, có người nói tôi… liều vì dám nhận trọng trách này. Đêm về ngủ mà cứ trằn trọc vì thấy cái gì cũng khó. Làm từng bước, gỡ từ từ và nhờ có cái tâm của cả tập thể nên mới được như hôm nay…”, thượng tá Thuần tâm sự. Bây giờ nhìn lại, có lẽ những người lính đã làm được điều mình tâm nguyện: “Làm việc gì đó có lợi cho dân ở một quận vùng ven…”

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp