22/12/2022 09:11 GMT+7

Người lính già vui vẻ

QUỐC NGỌC
QUỐC NGỌC

Tiếng tát bùn dưới mương bồi gốc dừa lẫn trong giọng nói cười vui vẻ, sang sảng như thanh niên của người lính già kiên trung Lê Thành Ứng đã tuổi ngoài 80: "Mấy chú cứ vô nhà chơi uống nước, chờ tui tắm rửa thay đồ cái".

Người lính già  vui vẻ - Ảnh 1.

Bị mất gần hai bàn tay nhưng người thương binh Lê Thành Ứng vẫn kiên trì tập làm mọi thứ, kể cả viết chữ rất đẹp - Ảnh: QUỐC NGỌC

Vùng chiến sự khốc liệt ngày nào giờ đã thành khu du lịch sinh thái Cù lao Minh (Bến Tre). Rặng dừa phủ màu xanh thanh bình lên con đường dẫn vào nhà người lính già ở ấp Thành Hóa II, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. 

Câu chuyện người chiến sĩ cách mạng kiên cường trong thời chiến và vui vẻ vươn lên trong thời bình dù đạn bom đã lấy đi một phần cơ thể.

Tôi mong mỏi ngành giáo dục dạy bảo đầu tiên từ cái đạo đức. Đạo đức phải đi trước rồi mới tới kiến thức, kỹ năng để làm người tốt cho chính mình, lợi cho gia đình và đóng góp được cho Tổ quốc.

Ông LÊ THÀNH ỨNG

Chiến tranh và tình yêu

Chúng tôi từng gặp người thương binh mất gần hết hai bàn tay lần đầu trong "Hành trình đất phương Nam" của đoàn công tác Thành ủy TP.HCM thăm lại các vùng kháng chiến một thời liệt oanh trên quê hương Đồng Khởi.

Hôm đó, ông Ứng vui vẻ "tự tay" viết tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của mình vào mặt sau tờ giấy lịch nơi đoàn dừng lại tặng quà cho các gia đình khó khăn, học sinh nghèo hiếu học. 

Khi đưa cho chúng tôi, ông không quên chỉ vào mặt trước nơi in câu danh ngôn: "Vì bạn sẽ nhận được nhiều hơn khi đem niềm vui cho người khác, do vậy bạn nên nghĩ nhiều đến niềm hạnh phúc mà bạn luôn có thể cho đi". 

Người lính già thật hóm hỉnh. Ông vừa cho khách chứng kiến người khuyết tật viết chữ bằng miệng và phần còn lại trên bàn tay phải.

Ở lần gặp lại này, người thương binh già vẫn rổn rảng giọng nói, tiếng cười hào sảng. "Tui tham gia cách mạng năm 1960, đúng thời điểm đỉnh cao phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. Tui đã đánh nhiều trận tại cái nôi của phong trào. Tới năm 1966 thì bị thương nặng, tui phải lui về vùng giải phóng", ông Ứng kể. 

Lần đó, ông được giao nhiệm vụ cài trái cối 60 ly vào ấp chiến lược để đánh biệt kích ở Hòa Lộc. Đây là vũ khí công trường cách mạng tận dụng đạn pháo thu được của đối phương cải tạo thành mìn. 

Trong lúc thao tác gài cắm, nhíp quả mìn tự chế vướng vào cỏ phát nổ. Chàng du kích mới 24 tuổi bị nghiến mất gần hết đôi bàn tay.

Lúc đó đã có lãnh đạo đề nghị đưa ông Ứng ra Hà Nội an dưỡng. "Tui hông chịu vì ông già mình còn sống, nên thôi, chết thì chết chứ không có đi, không muốn xa ổng và những người thân thương", người lính già cười kể. 

Ngoài đấng sinh thành còn hiện diện, sức mạnh khiến ông vẫn muốn bám trụ chiến trường miền Nam chính là cô gái mà mình đã có hôn ước từ trước.

"Chưa đầy hai năm sau khi bị thương, tụi tui sinh con đầu lòng rồi cứ thế hai năm một, đẻ đến sáu đứa. Bả là thành viên hội phụ nữ. 

Lúc mới bị thương cụt mất hai bàn tay, tui cứ tưởng bả sẽ bỏ tui đó chứ. Ai dè đâu bả vẫn giữ lời hứa kết hôn. Biết tui mặc cảm, bả giăng mùng, biểu tui ngồi bên trong rồi bưng cơm vô đút cho tui ăn để khỏi mắc cỡ. Trời ơi, hai đứa khóc quá trời. 

Tụi tui làm tuyên bố ra mắt đồng đội trong vùng giải phóng", ông Ứng cười nhớ như in những ngày gian khó cùng người phụ nữ đã gắn bó với ông suốt bao năm. Năm 1992, bà không may bị bệnh rồi qua đời.

Người lính già  vui vẻ - Ảnh 3.

Tuổi cao, ông Ứng vẫn vui vẻ ngày ngày làm vườn tược, kênh mương để thấy mình còn là người có ích - Ảnh: Q.NGỌC

Mất tay nhưng vẫn muốn đóng góp cho đất nước

Hồi mới bị thương, ngoài tập viết chữ bằng miệng, anh du kích Lê Thành Ứng rất buồn và "ngứa ngáy" vì không được ra trận nữa. Anh xung phong tải lương thực chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân 1968. 

Thế nhưng bí thư chi bộ tại vùng này, lúc đó là ông Từ Hải, không đồng ý vì lo ngại thương tật quá nặng ở đôi tay của anh...

"Lúc ba kêu về giúp cách mạng địa phương, tui đang học đệ tứ (lớp 9), học vấn kha khá so với mấy anh em bần cố nông còn lại. 

Tham gia kháng chiến tui không sợ hiểm nguy thì đến khi đất nước thống nhất cũng không có mong muốn gì hết mà chỉ mong cho cái chung được hoàn thành thôi. Nhưng nhiều lúc tui cũng buồn khi nghĩ mình tàn phế không giúp được gì cho chuyện chung đất nước nữa, đã vậy còn ăn tiền thương binh", ông trải lòng.

Nặng lòng trăn trở đóng góp cho đất nước và nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, người lính kiên cường năm nào sớm nhận ra giá trị lao động trong thời bình: "Tài sản đang nằm ẩn dưới lòng đất mẹ nè, mình phải lao động, phải bỏ công sức móc lên mà ăn". 

Nghĩ mọi thứ "dễ ẹc" như cắm chông hay cài mìn, ông bắt đầu lao vào kiếm sống. Ông trồng mía, nấu đường và quyết định mang lên TP.HCM bán.

"Thời buổi ngăn sông cấm chợ, tôi đi ghe vòng qua ngã Da Me, lên hướng Tây Ninh vào Trảng Bàng rồi mới đi đường của kinh Bà Bèo qua cánh đồng chó ngáp đặng lên thành phố bán đường, đổi gạo. Xếp đường thùng thành phẩm ở dưới cùng, lớp bên trên đậy dừa khô, trên nữa thì để mía lau" - Tư Ứng lại cười, hớp ngụm trà, xách cái len "chuyên dụng" dành riêng cho người khuyết tật tay rồi rủ tôi ra vườn xắn cỏ để vừa làm vừa kể chuyện xưa.

Cuộc sống lênh đênh sông nước đến năm 1983 thì ông nghỉ hẳn để ở nhà trồng mía, làm đường, chờ thương lái đến thu mua. "Tui làm ăn cũng dữ lắm. 

Bình thường tám ký mía mới ra được một ký đường, nhưng tui có cách chỉ cần sáu ký mía là có một ký đường. Bởi chỉ cần nhìn một cái vườn mía, tui có thể tính ngay được có thể ép ra bao nhiêu tấn đường", người lính già khoe.

Làm ăn giỏi nhưng Tư Ứng không bị đồng tiền "gây mê". Ông đã từ chối rất nhiều đề nghị "lợi dụng" chính sách dành cho thương binh. 

Chủ doanh nghiệp muốn ông đứng tên cơ sở làm ăn để miễn thuế môn bài, các nhà đầu tư đất đai nhờ ông đứng ra mua bán để được miễn thuế trước bạ. Nếu đồng ý, ông có thể "ăn chia" trên nhiều tài sản có khoản chênh lệch nhờ lợi dụng chính sách lên đến cả tỉ đồng. Nhưng ông đã từ chối tất cả...

Hiện con cái đã lớn và có cơ ngơi riêng, ông cùng người vợ sau hằng ngày chăm bẵm vườn tược, trồng dừa, cam, bưởi, nhãn bán cho vui. Nhưng vì là vùng sáu tháng nước mặn, sáu tháng nước ngọt nên dừa là dễ nhất.

Lưu luyến cái thời tuổi trẻ lửa đạn, hiện ông lại tích cực tham gia hội người cao tuổi, tổ tự quản địa phương. 

Thỉnh thoảng có các đoàn du khách nước ngoài ghé thăm, ông lại được mời kể chuyện "đánh Mỹ" với tâm thế của những người trong cuộc: "Chiến tranh mà. Ai cũng phải làm nhiệm vụ công dân của mình với Tổ quốc".

Bây giờ đối với bản thân, ông Ứng cho là đầy đủ. Chỉ mong Đảng và Nhà nước tiếp tục lo cho những thương binh khác như ông đến ngày cuối cùng cơm no áo ấm. "Vậy là mừng lắm rồi. Xã này có nhiều thương binh từ 1 đến 4 nhưng giờ cũng còn có mình tui", ông trải lòng.

Nhìn xa xăm về nhánh sông Hàm Luông, người lính già vui vẻ bộc bạch: "Con tui khôn lớn, có đứa giờ làm chủ tịch xã. Tui luôn nhắc nhớ tụi nó không được làm gì sai quấy. Đó là cách tạ ơn tổ tiên, máu xương cha ông cho mình có ngày hôm nay"...

Cờ giải phóng tung bay

Người thương binh 81 tuổi tự hào về cách "tương kế tựu kế" của quân du kích Mỏ Cày để có thể thoải mái treo cờ mặt trận giải phóng. Đó là cột cờ trên ngọn dừa. Cán cờ được móc vào trái pháo 105 ly giấu ẩn phía dưới tán dừa.

Đây là những quả đạn đối phương bắn ra nhưng "lép", không nổ nên được quân dân thu gom về chế thành trái giật nổ.

Khi trực thăng quân đội Sài Gòn bay bên trên, phát hiện lá cờ giải phóng trên ngọn dừa mà sà xuống nhổ thì "ăn" mìn tự chế của du kích quân ngay. Nhiều lần như vậy, các lá cờ cách mạng cứ tung bay trên quê hương Đồng Khởi.

Mùa xuân biên viễn của những người lính biên phòng Mùa xuân biên viễn của những người lính biên phòng

TTO - Tết đến, hoa đào nở rộ dọc biên cương phía Bắc. Gác lại nỗi niềm riêng, bộ đội biên phòng vẫn căng mình tuần tra kiểm soát khu vực đường mòn, lối mở ngăn người nhập cảnh trái phép, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền, vừa phòng chống dịch COVID-19.

QUỐC NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp