Các chiến sĩ nhận cơm đem lên cho đồng bào đang thực hiện cách ly - Ảnh: LÊ PHAN
Chúng tôi luôn đồng hành với lãnh đạo TP và đồng bào để cùng dập dịch, khó khăn đến đâu chúng tôi cũng hoàn thành và mong sớm trở lại cuộc sống bình yên.
Thượng tá Võ Văn Thọ
Sáng sớm, sau khi phân công lực lượng dân quân làm nhiệm vụ, trung tá Đỗ Minh Tuấn - ban tác huấn của Phòng tham mưu Bộ tư lệnh TP.HCM - cho biết anh em đã làm nhiệm vụ gần hai tháng, kể từ ngày ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến số 1.
Cố gắng để người dân an lòng
Khu cách ly này hiện là nơi đón nhận, chăm sóc và điều trị 4.000 ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Thời gian đầu, số ca bệnh nhiều nên cả 5 tòa nhà được sử dụng để tiếp nhận bệnh nhân, hiện còn 4 tòa nhà dành để điều trị. Bệnh nhân nhiều, trong khi lực lượng phục vụ khá mỏng nên mỗi chiến sĩ phải phục vụ từ 20 - 25 người.
"Mỗi ngày có một tổ gồm 4-5 chiến sĩ trong trang phục bảo hộ lên xuống các tầng lầu phục vụ bà con gồm 3 bữa cơm chính, nước uống, vận chuyển rác, mua giúp vật dụng thiết yếu, vận chuyển hàng hóa của người nhà bệnh nhân gửi vào...
Ngoài ra, chúng tôi còn gửi đến suất ăn nhẹ như bánh ngọt, sữa cho người dân, nhất là trẻ nhỏ, đến khu cách ly vào ban đêm, giải quyết thắc mắc cho bà con" - người chiến sĩ quê Bến Tre nói.
Trung tá Tuấn kể thêm do việc quá nhiều nên thời gian ngủ của lực lượng hầu như rất ít. Chiến sĩ phải ăn vội để tranh thủ làm nhiệm vụ rồi mới nghỉ ngơi, nhiều khi làm xong thì đã tới giờ làm việc tiếp. Có lúc anh em cùng đội ngũ y tế tiếp nhận người vào cách ly lúc 1h - 2h sáng. Có đêm khi hết nhiệm vụ đã 3h - 4h sáng, nên mọi người chợp mắt chút rồi lại dậy làm việc.
Đối với chiến sĩ đã quen xa nhà thì không sao, nhưng nhiều người dân nhiễm bệnh phải vào đây 21 ngày sẽ rất khó chịu. "Có nhiều bệnh nhân không hợp tác, nên việc nói tình nói lý để dân hiểu là điều rất quan trọng. Do đó, chúng tôi luôn nắm bắt tâm tư, động viên và giúp đỡ người dân " - trung tá Tuấn nói về công việc thường ngày.
Trong khu cách ly, hầu như phòng nào cũng có số điện thoại của lực lượng hậu cần để người bệnh có việc thì gọi. Anh em luôn cố gắng khi bà con cần, thậm chí còn mua giúp chị em phụ nữ đồ dùng của giới tính, dù "cũng ngại nhưng đó là thứ cần thiết nên phải giúp bà con".
Có đợt đồ tiếp tế cho người thân trong khu cách ly với số lượng quá lớn hoặc thông tin ghi sai, thất lạc khiến lực lượng dân quân thêm phần vất vả để xác nhận và vận chuyển lên từng phòng.
Dù vất vả nhưng anh em chiến sĩ vẫn luôn cố gắng. Nhiều anh em đã hết thời gian phục vụ vẫn xung phong ở lại cùng đội ngũ y tế phục vụ bà con.
Các chiến sĩ Bộ tư lệnh TP.HCM nhặt rau do thân nhân người cách ly gửi tặng
"Hết dịch ba sẽ về với con"
Nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM), cách nơi làm nhiệm vụ chỉ 13km, nhưng đã gần hai tháng trung úy Trần Văn Tốt chỉ có thể "gặp" vợ con qua điện thoại. Trung úy Tốt là một trong nhiều cán bộ, chiến sĩ phải xa gia đình để "đánh giặc" dịch bệnh và chưa hẹn được ngày trở về.
Những khi hiếm hoi có chút ít thời gian rảnh, quân nhân 38 tuổi lại gọi video về hỏi thăm cha mẹ, tâm sự với vợ và dặn hai con (10 tuổi và 6 tuổi) ở nhà nghe lời mẹ. "Vợ động viên tôi gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai đứa con thấy thì cứ hỏi khi nào ba về, chừng nào mới hết dịch. Tôi chỉ biết động viên con rằng đây là dịch bệnh, khi nào hết dịch ba sẽ về.
Hôm trước, đứa con gái nhỏ hỏi sắp tới sinh nhật con rồi, ba có về không, có mua quà cho con không. Tôi chỉ biết xin lỗi con vì năm nay ba không thể đón sinh nhật cùng con được, đợi hết dịch ba về sẽ mua quà bù lại cho con" - trung úy Tốt xúc động nhắc đến gia đình.
Anh cố kiềm cơn xúc động qua lớp khẩu trang rồi lại tâm sự về nhiệm vụ cùng đồng đội. "Những ngày tiếp nhận bệnh, anh em làm 24/24 giờ, về cầm chén cơm lên ăn không nổi, chỉ uống nước, ngả lưng nghỉ rồi tiếp tục làm việc. Ngoài ra ban đêm phải đi tuần để nhắc nhở bà con. Mấy ngày này thì đỡ vì đang thực hiện chỉ thị 16 nên hàng hóa vào ít hơn" - anh nói.
Đối mặt với hiểm nguy lây nhiễm, khối lượng công việc nhiều xen lẫn nỗi nhớ gia đình, anh em ở đây thường động viên nhau để vực dậy tinh thần, gác niềm riêng lao vào tâm dịch. Và "liều thuốc" chữa lành mệt mỏi của các chiến sĩ không ở đâu xa mà đến từ nhân dân.
"Bà con ở đây cũng thăm hỏi, gửi lời cảm ơn chúng tôi. Nhiều người dân rất thương cán bộ chiến sĩ, khi họ đến gửi hàng hóa cho người thân trong khu cách ly thì cũng gửi chút quà cho anh em dân quân như bịch trái cây, hộp sữa. Khi chúng tôi không dám nhận thì bà con nói đó là tấm lòng, là sẻ chia với sự vất vả của chiến sĩ. Đó là niềm vui rất lớn với anh em chúng tôi" - trung úy Tốt tâm sự.
Chiến sĩ nhận đồ của thân nhân gửi vào cho người cách ly
Học kỹ năng giải quyết sự cố
Đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, chiến sĩ Phan Văn Trường Vũ tâm sự nhà ở huyện Cần Giờ nhưng 17 tháng rồi anh không về nhà do gần một năm rưỡi nay tham gia phục vụ tại khu cách ly C của bệnh viện này.
Vũ cho biết thời gian đầu khá áp lực nhưng dần cũng quen. "Bao khó khăn, vất vả đến rồi lại đi. Tuy có phần mệt nhưng đây là bổn phận của người chiến sĩ. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ trong quá trình làm nhiệm vụ, chỉ mong làm sao phục vụ bà con tại khu cách ly được tốt nhất" - người chiến sĩ 20 tuổi nói.
Trong thời gian làm nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến, anh Vũ vẫn không quên chuyện một phụ nữ trách mắng y tá khi được nhắc nhở không đi lại để tránh lây nhiễm. "Sáng đó tôi đi thu rác các phòng bệnh, gặp nhân viên y tế nhắc bác gái không nên tụ tập và ở phòng này không nên sang phòng khác. Nhưng bác ấy vừa khóc vừa mắng cô y tá.
Phần lớn những ca nghi nhiễm như bác ấy vào đây sẽ căng thẳng, lo lắng, không kiềm chế được cảm xúc khi chờ kết quả hoặc nghe tin mình dương tính với COVID-19. Bác gái kia đang đợi kết quả, bất an nên dễ kích động. Thấy vậy, tôi an ủi bác, nói là con phục vụ ở đây chứng kiến nhiều bệnh nhân đã chữa khỏi và trở về. Bác cứ tin vào y bác sĩ, về giường nằm nghỉ đợi kết quả. May mắn bác gái này sau đó có kết quả xét nghiệm âm tính" - anh Vũ cho hay.
Anh tâm sự thêm khi thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly, chứng kiến không ít bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý nên ít nhiều cũng có kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống. "Anh em chiến sĩ đều mong ngày hết dịch để được trở về với gia đình, với đơn vị nhưng bây giờ thì phải tập trung chiến đấu với dịch" - người chiến sĩ trẻ bộc bạch.
Xem người bệnh như người nhà
Thượng tá Võ Văn Thọ - Bộ tư lệnh TP.HCM, Ban quản lý khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM - tâm sự rằng rất thương các cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là dân quân, đang ngày đêm làm nhiệm vụ.
"Hằng ngày tôi cùng đồng chí Cao Văn Phát - phó tham mưu trưởng, giám đốc khu cách ly - thường xuyên sáng chiều chạy từ khu A sang khu B để nắm tình hình, động viên anh em giữ gìn sức khỏe và nhắc nhở chấp hành nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Với người dân trong khu cách ly, chúng tôi xem như người nhà mình. Các chiến sĩ phụ trách các tòa nhà luôn động viên, tháo gỡ khó khăn để người dân an tâm trong thời gian ở đây".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận