06/12/2015 10:05 GMT+7

Người “liệt sĩ” Việt trên đất Lào

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Có một người lính Việt từng bị “mất tích” sau trận đánh khốc liệt năm 1964 ở thượng Lào. Năm 1968 mẹ già ở quê nhà nhận giấy báo tử nhưng không ai biết ông đã sống sót một cách kỳ diệu ở một cánh rừng xa lắc của tỉnh Viêng Chăn.

Vợ chồng ông Hải đang sống tại bản Huổi Pa Mạ, huyện Mường Mẹc, tỉnh Viêng Chăn (Lào)  - Ảnh: Vũ Toàn
Vợ chồng ông Hải đang sống tại bản Huổi Pa Mạ, huyện Mường Mẹc, tỉnh Viêng Chăn (Lào) - Ảnh: Vũ Toàn

Thiếu tướng Xia Đa Lò - tỉnh đội trưởng kiêm phó bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn (Lào) - cử trung tá Hùm Phăn Xỉ Nha Xẻng - chủ nhiệm hậu cần tỉnh đội - đưa chúng tôi đi tìm một cựu chiến binh VN tên Hải hiện sống trong bản Huổi Pa Mạ, huyện Mường Mẹc, tỉnh Viêng Chăn.

Ký ức

Thấy đoàn khách đến nhà, ông Hải ngỡ ngàng nhìn chúng tôi không chớp mắt. Ông không nói ra lời mà chỉ nấc lên mấy tiếng “khục!”, “khục!”, “khục!” rồi đưa bàn tay gân guốc gạt giọt nước mắt ứa ra trên khuôn mặt.

Bà Bua Khay (55 tuổi, vợ ông Hải) dìu ông vào phòng khách, nói: “Chồng tôi đã 78 tuổi. Ông không nói được cách đây năm năm.

Năm 1982 chúng tôi cưới nhau nhưng đến nay tôi chỉ mới hai lần nghe ông Hải nói tiếng Việt. Lần thứ nhất khi gặp mấy người dân Việt đi săn trầm lạc sang rừng Lào. Lần thứ hai khi bộ đội VN đi quy tập hài cốt liệt sĩ tìm đến nơi ở của gia đình tôi trên đồi Khỉ Hét”.

Bà Bua Khay đưa chúng tôi xem lá đơn của ông Hải viết năm 2012 để xin tỉnh Viêng Chăn chế độ trợ cấp. Lá đơn được mẹ con bà xem như bản lý lịch trích ngang của ông. Dưới đơn có xác nhận của trưởng bản và đóng dấu chính quyền bản Huổi Pa Mạ.

Trung tá Hùm Phăn Xỉ Nha Xẻng nói: “Lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn biết ông Hải là bộ đội VN với 41 năm sống trên đất Lào qua những thông tin này”.

“Bản lý lịch trích ngang” này đã trở thành chuyện truyền miệng ở Viêng Chăn: Từ tháng 1 đến đầu tháng 4-1964 đơn vị của ông Hải đánh phỉ Vàng Pao ở Xiêng Khoảng.

Cuối tháng 4-1964, đơn vị ông Hải phối hợp với bộ đội Pathet Lào đánh chiếm đỉnh Phú Lai, huyện Mường Pẹt (Xiêng Khoảng). Trận đánh khốc liệt khiến đơn vị hơn 200 người của ông Hải chỉ còn 32 người. Địch bao vây suốt bảy ngày đêm khiến 30 người hi sinh tiếp.

Ông Hải và người bạn lính còn lại thay nhau bò khắp trận địa tìm đạn của đồng đội để mở đường máu. Cầm cự được 24 giờ thì hết đạn, hai người bị địch bắt sống.

Địch giam ông Hải trong nhà tù Phôn Khênh ở tỉnh Viêng Chăn. Do ông không hé nửa lời khai báo nên sau ba tháng địch chuyển ông sang nhà tù Thạt Đằm khét tiếng cũng ở tỉnh này. Trong lao tù, địch tra tấn không thiếu ngón đòn nào nhưng ông vẫn không khai.

Địch bảo: “Nếu chịu khai và làm việc cho vua mèo Vàng Pao thì sẽ được phong trung úy và được trả lương 25 triệu kíp/tháng” nhưng ông vẫn ngậm tăm. Đến năm 1972, địch thả ông ra sau 8 năm, 6 tháng giam ông trong ngục tối.

Bà Bua Khay nói: “Khi bị địch bắt giam, chồng tôi đổi tên khai sinh thành Hải vì ông sợ liên lụy đến họ hàng mình về sau. Tên khai sinh của ông là Đặng Văn Uy. Ông sinh năm 1937 ở xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang”.

Về quê

Khi ra tù, ông Hải sống bơ vơ không cửa không nhà trên đất Lào. Thời trẻ ở quê từng đi làm thợ xây nên ông sắm đồ nghề đi xây thuê.

Cuộc đời thợ xây lang bạt đưa ông vào tận vùng cao thuộc bản Khỉ Hét (vùng rừng hoang vu chỉ có tiếng khỉ hét nên người dân địa phương đặt tên bản là Khỉ Hét) của huyện Mường Mẹc, tỉnh Viêng Chăn. Tại đây ông được một người bạn tù (người Lào) tốt bụng cưu mang.

Năm 2000, trung tá Đậu Văn Sáu, chính trị viên đội quy tập mộ liệt sĩ (Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh), lên kế hoạch đi tìm mộ ở huyện Mường Mẹc và gặp ông Khăm Mừng - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban công tác đặc biệt tỉnh Viêng Chăn.

Ông này cho biết: “Ở bản Khỉ Hét có một “liệt sĩ” VN vẫn còn sống. Đó chính là Hải, người từng chiến đấu ở Lào, bị tù đày và nay lấy vợ Lào có 12 người con”. Trung tá Sáu bèn cử thiếu tá Thân, đội phó quân sự đội quy tập, đi tìm ông Hải.

Câu chuyện tìm ông Hải được ông Thân (trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) kể lại như sau: “Hồi ấy biết đường xa khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi tìm bằng được ông Hải.

Chuyến đi tìm người lính Việt đang sống vất vả không kém đi quy tập mộ liệt sĩ. Chúng tôi đi xuồng máy từ mờ sáng đến chiều tối mới tới đồi Khỉ Hét. Gặp nhau giữa rừng xa núi thẳm mới nghe ông Hải nói được một vài từ tiếng Việt lơ lớ rồi lạc sang tiếng Lào.

Lúc ấy ông Hải có nguyện vọng về thăm quê ở VN”. Biết vậy, năm 2002 lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn nhờ đội quy tập mộ liệt sĩ Hà Tĩnh đưa ông về quê.

Ngày 26-11, tại UBND xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), chúng tôi gặp ông Đặng Văn Ngự (83 tuổi, anh ruột ông Hải).

Ông Ngự cho biết: “Sau 37 năm mất tích, chú Uy (ông Hải) đã về quê một lần, sau đó biệt tin suốt 13 năm cho đến nay. Hôm chú Uy về, chú đứng sững người khi thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi tên mình treo trên tường”.

Theo ông Ngự, ông Uy xung phong đi bộ đội năm 1963 lúc 26 tuổi, khi đang làm công nhân đường sắt.

Theo lời thiếu tướng Xia Đa Lò, khi biết chuyện ông Hải, một cựu binh VN sống sót qua chiến tranh đang ở bản Khỉ Hét, Bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn Xổm Phết Thít Ma La liền gửi kế hoạch làm nhà tình nghĩa cho ông lên Chính phủ Lào.

Ngay sau đó Chính phủ Lào giao cho chính quyền ba tỉnh Viêng Chăn, Na Khòn, Bô Li Khăm Xay chung sức làm nhà tình nghĩa cho ông Hải, tặng gia đình ông máy cày, tivi, tủ lạnh, bàn ghế và đồ dùng trong nhà, tổng trị giá khoảng 300 triệu kíp (tương đương gần 1 tỉ đồng tiền Việt).

Theo chính quyền các địa phương này, đây là món quà tri ân xứng đáng dành cho một người lính tình nguyện VN đánh giặc Vàng Pao còn sống sót và đang sinh sống tại Lào.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp