Chị Hồ Thị Lộc - Ảnh: L.TRUNG
Chủ nhân của trang trại ấy là một phụ nữ cùng thôn, chị đã mạnh dạn mở đầu cho phong trào đem vườn ra ruộng đồng.
Giờ đây, cây lúa bấp bênh, thu nhập ít, cần phải chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập cho nông dân, đó là một hướng đi mới ở xã Đại Minh.
Từ nhà buôn thành chủ vườn cây trái
Ít ai ngờ chỉ cách đây hơn 1 năm, nơi đây là cánh đồng trũng thấp chỉ lúa và lúa.
Đứng giữa khu vườn hái những quả ổi xuất cho siêu thị, chị Hồ Thị Lộc (43 tuổi, thôn Đông Gia) khấp khởi vui và nói rằng đó như một giấc mơ của đời mình.
Mười năm trước, chồng của chị bị bệnh tai biến nằm liệt một chỗ. Gánh nặng gia đình, nuôi chồng và ba đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học đè trên đôi vai của người phụ nữ khắc khổ này.
Chị bôn ba khắp cả nước để buôn bán kiếm tiền gửi về lo cho gia đình, lúc mỹ phẩm, khi trái cây, có khi sang tận Lào để kiếm sống.
Năm 2017, trong một lần đến nhà vườn ở tỉnh Đồng Nai mua trái cây để bán, cái xanh mởn của cây trái nơi đây đã cuốn hút chị.
"Lúc đó mình nghĩ bôn ba khắp xứ thế cũng đủ rồi, hay là quay về quê trồng cây trái lập nghiệp. Nói là làm, mình quay về thiệt luôn" - chị Lộc nhớ lại.
Quen biết với một người bạn làm nhân viên kỹ thuật cho nhà vườn ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai, chị rủ: "Về quê tui trồng cây ăn trái với, ở đó đất đai rộng, lại màu mỡ", anh Nguyễn Văn Tổng (48 tuổi, nhân viên kỹ thuật nhà vườn, bạn chị Lộc) nhớ lại chuyện bạn rủ rê mình.
Về quê, đất vườn nhà mình ít, thấy cánh đồng lúa trước nhà bà con bao đời lam lũ, trồng lúa chẳng bõ bèn gì, chị nảy sinh ý định thuê lại đất ruộng của hợp tác xã, người dân để trồng cây.
"Tôi bảo chị ấy chụp và gửi mẫu đất thì chị lại gửi đất ruộng. Mới đầu ngờ ngờ, sau khi xem xét, tôi bảo: Được, tui sẽ về với chị" - anh Tổng kể.
Về quê với hai bàn tay trắng bởi tất cả tiền kiếm được xưa nay chị đã đổ vào lo cho chồng con. Lấy đâu tiền đầu tư mở vườn?
"Cha mẹ tui đưa hai sổ đỏ nhà, tui cầm cố ngân hàng được 200 triệu, đó là tất cả những gì có được khi về quê nhà lập nghiệp" - chị Lộc kể.
Đầu năm 2018, gần hecta đất của hợp tác xã tại cánh đồng thôn Đông Gia được chị thuê để mở trang trại.
Vì là ruộng thấp trũng, đất nhão, luôn bị ngập úng khi mưa nên phải mất gần một tháng trời, chị cùng những người thân trong gia đình bỏ công cải tạo, đào đổ đất tạo mặt bằng trồng cây. Mồ hôi đổ xuống, có cả máu.
"Thực sự lúc đó tui tự tin lắm, không sợ, vì tâm niệm làm hết sức mình, có thất bại cũng vui vẻ" - chị Lộc nói.
Có một nhân viên kỹ thuật kinh nghiệm như anh Tổng bên cạnh, chị mạnh dạn vay mượn bạn bè, người thân đầu tư vào trang trại của mình.
Chị đặt cây giống tại Đồng Nai với 20 loại cây ăn quả, trong đó những cây chủ lực như ổi nữ hoàng (3.000 cây), bưởi da xanh (300 cây), cùng 400 cây chanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm...
Rồi chị trồng thêm các loại rau quả sạch như bầu, bí, khổ qua, dưa leo, xà lách, cải... để lấy ngắn nuôi dài.
"Mới đầu khi tui đầu tư trồng cây ăn quả trên đất ruộng, rất nhiều người dân ở địa phương nói tui bị khùng, hết đất hay sao mà trồng ở đất ruộng. Họ còn nói nếu trồng cây ra quả thì để trên đầu họ mà cắt ăn!" - chị kể.
Ông Hồ Diệu (70 tuổi, cha của chị Lộc) nói lúc đầu khi nghe con gái bỏ buôn bán về quê mở trang trại trồng cây ăn quả, vợ chồng ông hốt hoảng.
"Hồi đó tới giờ nó biết gì về nông nghiệp đâu mà trồng trọt. Nhưng nó cương quyết quá, vợ chồng tui cũng buông xuôi và chung tay phụ việc với nó" - ông Diệu bộc bạch.
Vườn cây trái Nam Bộ của chị Lộc giữa cánh đồng lúa - Ảnh: L.TR.
Đất nở hoa
Lấy ngắn nuôi dài, đó là hướng đi của chị Lộc. Trang trại của chị áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên chị sử dụng phân hữu cơ hoàn toàn và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học.
Anh Tổng kể trồng cây trên đất ruộng mềm xốp, có độ ẩm cao nên giúp cây phát triển tốt, quả cũng ngon ngọt hơn.
Tuy nhiên, cũng vì đất ruộng thấp nên phải làm hệ thống thoát nước, và phải đối mặt với tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ.
Chân ướt chân ráo, chị Lộc đã bị giội gáo nước lạnh khi diện tích rau củ sắp thu hoạch thì bị giông lốc tàn phá, mưa lũ ngập úng hư hỏng, mất trắng.
Ngậm đắng nhưng không nản chí, chị tiếp tục đi vay mượn tiền, trồng những lứa tiếp theo.
Rồi những tháng sau đó, rau củ của chị được xuất bán cho các chợ, siêu thị ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Chị lại tiếp tục đầu tư vào vườn cây ăn trái và trồng thêm hàng chục loại rau củ khác.
Trời không phụ công người cần mẫn, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, chị Lộc luôn tâm niệm như vậy.
Sau gần một năm, vườn cây ăn quả trồng bằng phương pháp ghép đã bắt đầu cho quả ngọt. Ổi nữ hoàng, ổi lê Đài Loan, chanh ra trái, chị xuất bán cho các siêu thị, chợ.
Bình quân mỗi tháng, thu nhập từ các loại cây ổi, chanh từ vườn nhà mình chị kiếm khoảng 30-40 triệu đồng.
Những cây còn lại trong vườn đang thời kỳ cho quả. Còn rau củ chị xuất bán mỗi ngày, sản phẩm của chị được nhiều siêu thị, chợ ở địa bàn Quảng Nam, TP Đà Nẵng đặt hàng nên đầu ra khá ổn định, cung không đủ cầu.
"Bước đầu như vậy tui thấy rất phấn khởi, hi vọng thời gian sau trang trại của mình sẽ cho ra những sản phẩm tiếp theo để có thêm thu nhập" - chị Lộc nói.
Bây giờ, trang trại của chị như một vườn cây trái Nam Bộ thu nhỏ với hàng chục loại cây ăn quả, rau củ sạch, là nguồn cung cấp cây giống cho nông dân địa phương.
Chị sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn những ai muốn chuyển đổi phương thức trồng trọt trên đồng ruộng.
"Nói thật đam mê không cũng chưa đủ, mình phải tự tin, cộng với sự kiên trì, nhẫn nại thì mới được việc" - chị Lộc cười.
Dù thành quả bước đầu từ mồ hôi nước mắt là vậy, nhưng chị Lộc than thở rằng điều làm chị đau đầu là việc tiếp cận nguồn vốn vay, sự hỗ trợ từ Nhà nước cho những nông dân dám nghĩ, dám làm.
"Lâu nay tui không thể tiếp cận được nguồn vốn vay dù rất cố gắng và muốn có vốn để mở rộng trang trại. Hướng tiếp theo của tui là làm du lịch sinh thái tại khu vườn nhà mình, vừa tạo điểm nghỉ mát, vừa phục vụ trái cây, rau và thịt" - chị Lộc nói.
Tạo việc làm cho chị em phụ nữ
Trong trang trại của chị Lộc hiện có gần mười chị em phụ nữ địa phương làm việc, họ được trả lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Bà Lê Thị Kim (57 tuổi) cho biết công việc của bà là chăm sóc, thu hoạch quả tại vườn: "Mỗi tháng làm ở đây tui có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình".
Ông Phan Năm - chủ tịch UBND xã Đại Minh - cho rằng mô hình của chị Lộc là tiên phong trong việc đưa vườn ra đồng, chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn quả trên đất lúa.
Đây là một hướng đi mới trong việc tăng giá trị, năng suất của vùng đất lúa bạc màu, kém hiệu quả. Địa phương đánh giá cao về sự dám nghĩ, dám làm đối với phụ nữ như chị Lộc.
"Địa phương đã tạo điều kiện cho chị thuê đất, sắp tới sẽ tạo điều kiện cho chị về các thủ tục nếu có các nguồn vốn vay. Chúng tôi khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đưa vườn ra đồng ruộng như chị Lộc" - ông Năm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận