04/11/2019 08:47 GMT+7

Người lao động nên đi làm việc nước ngoài theo kênh hợp pháp

ĐỨC BÌNH thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO - Ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - đã khuyến cáo như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Người lao động nên đi làm việc nước ngoài theo kênh hợp pháp - Ảnh 1.

Người dân Việt Nam xếp nến thành con số 39 trước nhà thờ Đức Bà ở Hà Nội - Ảnh: Reuters

Ông Nguyễn Gia Liêm nói: "Đến thời điểm này ở khu vực châu Âu, chúng ta chưa ký thỏa thuận hợp tác lao động với quốc gia nào, nhưng thực tế cũng có những doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng lao động cho các đối tác nên đã đưa lao động Việt Nam đến làm việc tại 9 quốc gia là Ba Lan, Lithuania, Hungary, Bulgaria, Slovakia, Belarus, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ".

Châu Âu đưa ra những yêu cầu rất khắt khe

* Người lao động mong được làm việc ở những quốc gia có thu nhập cao như nước Anh. Tại sao chúng ta vẫn chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Anh?

- Quan điểm và định hướng của chúng ta là phát triển, mở rộng thị trường tới các quốc gia có điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao, phù hợp với khả năng, điều kiện của lao động Việt Nam.

Việc có đưa lao động đến Anh được hay không còn phụ thuộc vào điều kiện, nhu cầu lao động của nước sở tại, cũng như quy định pháp luật của nước sở tại về tiếp nhận lao động ngoài nước.

Ngoài ra, các điều kiện, yêu cầu đó dù có khắt khe hay không thì cũng phải phù hợp với điều kiện, khả năng của lao động cũng như luật pháp của Việt Nam quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Anh cũng như một số nước châu Âu đòi hỏi rất khắt khe về tay nghề, ngoại ngữ.

* Người lao động muốn đi làm việc tại một số quốc gia ở châu Âu thì họ sẽ đi theo những hình thức nào và chi phí phải trả ra sao?

- Hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số doanh nghiệp đến một số thị trường lao động châu Âu.

Cụ thể, đi Ba Lan thì có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, với chi phí thủ tục hết khoảng 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungary có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD... Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 euro/người/tháng...

Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.

Người lao động nên đi làm việc nước ngoài theo kênh hợp pháp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Gia Liêm

Đường dây "ma" đưa lao động đi nước ngoài

* Thực tế thời gian qua vẫn có những doanh nghiệp "ma", có những đường dây đưa lao động đi làm việc bất hợp pháp ở các thị trường này. Cục Quản lý lao động ngoài nước có biết thực tế này và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ này như thế nào?

- Việc nắm bắt, xử lý những tổ chức, cá nhân lập những đường dây đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp như vậy thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý địa phương.

Cục Quản lý lao động ngoài nước hằng năm vẫn có những đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với gần 400 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động. Thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng có thanh tra, kiểm tra định kỳ.

Và trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thanh tra bộ hay cục khi phát hiện những dấu hiệu đều xử lý rất nghiêm, rất nhiều doanh nghiệp có phép đã bị rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Còn với các tổ chức, cá nhân tổ chức đưa người lao động đi làm việc bất hợp pháp, chúng tôi đều đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

* Vụ việc đau xót ở Anh, 39 người chết tuy đang giai đoạn điều tra nhưng cho thấy việc người lao động đi theo kênh tự do là rất nguy hiểm. Vậy ông có thể cho những lời khuyên đối với người lao động Việt Nam?

- Người lao động ra nước ngoài "chui" vì họ tin vào viễn cảnh mà các tổ chức, cá nhân có ý đồ đã vẽ ra cho họ về một nơi làm việc có mức thu nhập cao. Có thể vì thiếu thông tin, họ không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.

Để tránh những rủi ro, người lao động có nhu cầu chỉ đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn.

Cụ thể, phải ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động tại Việt Nam; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp.

Người lao động nên đi làm việc nước ngoài theo kênh hợp pháp - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Vận động lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Chiều 3-11, tại thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc đã diễn ra buổi giao lưu, tư vấn pháp luật và vận động lao động Việt Nam về nước đúng hạn, với sự tham gia của hàng trăm lao động Việt Nam tại đây.

Phát biểu tại sự kiện do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cùng một số đơn vị có liên quan của Hàn Quốc phối hợp tổ chức, phó đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trường Thủy cho biết trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng một bộ phận người lao động làm việc tại Hàn Quốc tự ý ở lại sinh sống và làm việc sau khi kết thúc hợp đồng lao động.

Bà Phạm Ngọc Lan, phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước - đại diện cơ quan quản lý lao động của Việt Nam, kêu gọi lao động Việt Nam ở Hàn Quốc về nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng lao động để có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp với công việc và thu nhập tốt.

TTXVN

Lập ban chỉ đạo xử lý vụ công dân nghi tử vong ở Anh

nguyen van hung

Mẹ anh Nguyễn Văn Hùng (xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) chờ tin con hơn 10 ngày qua - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Nguyễn Hải Dương - giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An - cho biết tỉnh Nghệ An đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc nhà chức trách Anh xác định danh tính các nạn nhân trong vụ phát hiện 39 thi thể trong thùng container.

Từ lúc xảy ra sự việc, phía Sở Ngoại vụ đã tích cực chỉ đạo các địa phương rà soát các lao động, nếu có trường hợp trình báo "mất liên lạc" thì thông báo cho sở để giải quyết.

Đến nay, từ lúc đại diện cảnh sát hạt Essex thông báo có "công dân Việt Nam", các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn các gia đình làm các thủ tục để nhận dạng danh tính các nạn nhân theo đúng quy định pháp luật.

Ông Hoàng Danh Truyền - phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nghệ An - cho biết trên địa bàn huyện có 7 gia đình trình báo con "mất liên lạc", nhưng đến nay có một gia đình ở xã Hoa Thành đã rút đơn do "đã tìm thấy con".

Con của gia đình này không "lấy 900 triệu đồng đi Anh để trả nợ và vào Sài Gòn đánh lô đề" như các trang mạng xã hội đăng tải.

Cũng theo ông Truyền, hiện Yên Thành có hơn 15.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có nhiều người đi làm việc "chui" ở các nước chưa có hợp tác, thỏa thuận lao động.

Việc này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro với chính người lao động.

Ông Thái Thanh Quý - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, ban ngành và địa phương rà soát các lao động trong vụ phát hiện 39 thi thể ở Anh (nếu có) để có hướng giải quyết theo trình tự; đồng thời chỉ đạo công an tỉnh điều tra xử lý các đường dây tổ chức đưa người đi trái phép.

DOÃN HÒA

Lỗ hổng giấy tờ với container chứa 39 người Lỗ hổng giấy tờ với container chứa 39 người

TTO - Tờ khai thông tin cho container ghi bên trong chứa bánh quy và bỏ trống nơi lấy hàng và nơi đến nhưng vẫn lọt qua được khâu kiểm tra và lên đường tới Anh trót lọt.

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp