Nhân viên y tế phát thuốc cho người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà - Ảnh: XUÂN MAI
1. Chi hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động
Tại quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nguyên tắc mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.
1. Đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ:
- Tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do COVID-19 thì thân nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.
3. Người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khác cần hỗ trợ giao ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương.
Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo các quy định về phân cấp tài chính của Tổng liên đoàn phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và nguồn tài chính công đoàn được phê duyệt trong năm.
2. Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau
Người lao động bị nhiễm COVID-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Theo điều 26 của luật này, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:
- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường: 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm.
- Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1, điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014).
Theo công văn 238/BYT-KCB, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.
3. Tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19
- Sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội 2014).
- Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2.235.000 đồng.
4. Tiền lương do người sử dụng lao động trả
Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Theo khoản 1, điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận