07/03/2022 13:49 GMT+7

'Người lắng nghe' và khao khát của những người lớn cô đơn

HUỲNH VY
HUỲNH VY

TTO - Ra rạp Việt sau hơn một năm trì hoãn và đoạt 12 giải thưởng ở các liên hoan quốc tế trước khi công chiếu, bộ phim điện ảnh 'Người lắng nghe: Lời thì thầm' nhận được nhiều kỳ vọng nhưng chưa đủ thuyết phục khán giả.

Người lắng nghe và khao khát của những người lớn cô đơn - Ảnh 1.

Phim "Người lắng nghe" gây chú ý với hàng loạt giải thưởng đạt được ở các liên hoan quốc tế

Là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên chọn khai thác đề tài về trị liệu tâm lý, phim tạo được thiện cảm ở thông điệp nhân văn, nhưng lại bị nhiều điểm trừ về thể loại nhập nhằng, kịch bản rối rắm...

Yếu tố kinh dị nhạt nhòa

Người lắng nghe mở đầu với lối dẫn chuyện chậm. Bị ám ảnh bởi "bóng ma" Lê Vân bước ra từ quyển tiểu thuyết nổi tiếng Lời thì thầm do chính mình sáng tác, nữ nhà văn An Nhiên (Oanh Kiều đóng) tìm đến bác sĩ tâm lý Tường Minh (Quang Sự đóng) để được trị liệu tâm lý, nhưng không ngờ sau đó, bản thân bác sĩ Tường Minh cũng bị ám ảnh bởi "bóng ma".

Trên nền cốt truyện khá thu hút, phim dần đuối sức về sau khi xuất hiện nhiều nhân vật và chi tiết rườm rà, kịch bản xáo trộn khiến khán giả dễ hiểu lầm, nhất là vai diễn "ma nữ" Lê Vân và Thùy Dương (do Lý Hồng Ân thủ vai).

"Phim thiếu hẳn những yếu tố "đặc sản" của thể loại kinh dị. Không có những chi tiết bất ổn được cài cắm để người xem phải chú tâm theo dõi. Tạo hình ma nữ quá đơn giản, tình tiết giật gân "nhẹ đô" khi chỉ có vài phân cảnh ma ám lặp đi lặp lại.

Bầu không khí căng thẳng hồi hộp trước mỗi cao trào quá ngắn ngủi, khán giả chưa kịp sợ thì đã thấy nguyên nhân là gì, khá hụt hẫng" - đạo diễn trẻ Joel Nguyễn nhận xét thẳng thắn.

Song song đó, phim lại tham về tâm lý khi ôm đồm hàng loạt vấn đề nóng hổi: bệnh trầm cảm, nhu cầu trị liệu tâm lý, tình trạng hiếm muộn, bi kịch hôn nhân, khoảng cách thế hệ…

Đây đều là những đề tài sát sườn với đời sống, nhưng lại quá tải khi cố "gom" hết vào một bộ phim. Khía cạnh trị liệu tâm lý bằng biện pháp nghệ thuật cũng chưa được khai thác sâu.

Người lắng nghe và khao khát của những người lớn cô đơn - Ảnh 2.

Một trong những cảnh kinh dị của phim "Người lắng nghe"

Mạch phim cùng tâm lý nhân vật thay đổi liên tục từ kinh dị sang tâm lý, phiêu lưu, tình cảm… khiến khán giả không dễ nắm bắt.

Sự xuất hiện của vợ chồng nhân vật phụ do Phạm Quỳnh Anh và Quốc Cường đóng càng khiến kịch bản thêm rối, khi bi kịch hôn nhân của cả hai được tô đậm không kém 2 nhân vật chính.

Những khung hình ấn tượng và đậm chất điện ảnh nhất của Người lắng nghe cũng được ưu ái cho 2 nhân vật này. Tiếc thay, những phân cảnh này không bổ trợ gì cho câu chuyện chính.

Dàn diễn viên khá tròn vai và thông điệp yêu thương

Bỏ qua những hạn chế về kịch bản và cách kể chuyện, Người lắng nghe gây được thiện cảm ở phần đầu tư hình ảnh và dàn diễn viên khá tròn vai.

Hai vai chính Oanh Kiều và Quang Sự thể hiện tốt khi diễn tả triệu chứng trầm cảm, đặc biệt là phân cảnh Oanh Kiều đâm bút vào tay. Tuy nhiên, cô không có quá nhiều đất để phô diễn, và tâm lý nữ chính biến đổi khá tùy hứng, phi lý.

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh gây ấn tượng khi lột tả được nỗi uất ức của một người vợ vô sinh bị chồng lạnh nhạt và xem là vô dụng.

Người lắng nghe và khao khát của những người lớn cô đơn - Ảnh 3.

Dàn diễn viên Oanh Kiều, Quang Sự, Phạm Quỳnh Anh và Quốc Cường trong phim "Người lắng nghe"

Mang thông điệp "ai cũng cần một người lắng nghe", nhưng xuyên suốt phim, các nhân vật hiếm khi lắng nghe nhau và không có câu thoại nào thể hiện yêu thương. Sự thiếu vắng đó phần nào phản ánh thực trạng mất kết nối trong các mối quan hệ hiện tại. Mãi đến cuối phim, nhân vật An Nhiên mới thốt lên câu: "Em muốn về nhà. Em đã một mình quá lâu rồi!".

Đó là khao khát của những người lớn cô đơn. Trong mỗi người đều có một Lê Vân, hay là một góc khuất bản ngã sinh ra từ những áp lực dồn nén của cuộc sống. Chúng ta vừa sống cùng, vừa tranh đấu chống lại bản ngã đó, và luôn khao khát một chỗ dựa để tìm về.

Đó có thể là tình yêu, là ký ức tuổi thơ - tấm thảm vững chắc nhất để đỡ lấy con người trước những vụn vỡ của đời sống. Tìm về, nương tựa, để đứa trẻ bên trong sẽ được lắng nghe, yêu thương, và chữa lành.

Vào vai nhân vật "ma nữ" Lê Vân, diễn viên trẻ Lý Hồng Ân chia sẻ: "Tác phẩm nào cũng sẽ có lời khen chê, có điểm tốt và chưa tốt, nhất là một bộ phim thiên về tâm lý, khán giả từng độ tuổi sẽ có những cảm nhận khác nhau, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó.

Hơn hết, tôi tin thông điệp của phim có ý nghĩa nhân văn trong xã hội ngày càng thờ ơ, vô cảm. Hy vọng phim được khán giả mở lòng đón nhận, như cách "lời thì thầm" cần có những "người lắng nghe"".

Người lắng nghe và khao khát của những người lớn cô đơn - Ảnh 5.

"Người lắng nghe" là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên chọn khai thác đề tài về trị liệu tâm lý

'Kiều@' và 'Người lắng nghe' không dự Liên hoan phim Việt Nam vì không muốn lộ nội dung

TTO - Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết 2 phim 'Kiều@', 'Người lắng nghe' có nguyện vọng không tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2021 vì lý do chưa phát hành, không muốn lộ nội dung.

HUỲNH VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp